Thị trường

Chảy đi sông Tô

(VNF) - Từng là dòng sông làm nên văn hóa Thăng Long nhưng trong vòng trăm năm trở lại đây, sông Tô Lịch đã bị “bức tử” để bây giờ chỉ còn là một mương nước thải, đen ngòm, hôi thối. Trả lại sự sống cho sông Tô Lịch không chỉ là một “nghĩa cử” với lịch sử mà còn là việc cần làm để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chảy đi sông Tô

Diện mạo sông Tô Lịch tương lai theo đề xuất của Công ty JVE

Sông kia giờ đã nên phường

Tô Lịch là dòng sông chảy giữa lòng Thủ đô, thế nhưng không phải ai cũng biết đầu nguồn của dòng sông này ở đâu. Bởi nếu lần từ nơi sông Tô Lịch hợp lưu với sông Nhuệ (phía nam Hà Nội) trở ngược lên phía bắc, dòng sông dường như kết thúc tại nút giao Bưởi (nơi giao nhau của các tuyến đường: Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, Lạc Long Quân, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Bưởi). Qua ngã sáu này, người ta không còn nhìn thấy dòng chảy của sông Tô Lịch nữa, chỉ đơn giản bởi vì nó đã bị “cống hóa”.

Công cuộc “cống hóa” sông Tô Lịch đã được tiến hành từ hơn 20 năm trước, kéo dài từ Bưởi, qua Đồng Cổ/Thụy Khuê, tới khu vực công viên Bách Thảo, đâu đó khoảng 5km. Trên phần từng là lòng sông Tô Lịch ấy, bây giờ là phố, là nhà.

Nhưng sông Tô Lịch cũng không phải bắt nguồn từ khu vực công viên Bách Thảo, dù cho quả thực trong lịch sử, dòng sông từng uốn mình qua đây mà dấu tích hãy còn là một đoạn sông ngắn, nhỏ. Sông Tô Lịch hùng vĩ hơn thế, rộng dài hơn thế rất nhiều.

Theo nghiên cứu của nhà sử học Lê Văn Lan, sông Tô Lịch vốn là một nhánh của sông Hồng. Ngày xưa, sông Tô Lịch lấy nước sông Hồng ở phía đông kinh thành Thăng Long, nơi ngày nay là phố Chợ Gạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vì lấy nước từ sông, nên nơi này còn gọi là “giang khẩu” (tức cửa sông) của Tô Lịch.

Từ “giang khẩu”, sông Tô Lịch chảy về phía tây, dọc theo các tuyến phố bây giờ là: Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Hàng Cá, sau đó ngoặt lên phía bắc theo phố Hàng Lược, Hàng Cót. Tới nơi bây giờ là ngã tư Hàng Đậu – Hàng Cót, sông Tô Lịch lại vặn mình theo hướng tây, chảy dọc theo phố Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Đồng Cổ để lên vùng Bưởi. Tại đây, sông Tô Lịch thông với hồ Tây, ở nơi bây giờ là làng Hồ Khẩu. Hai chữ “hồ khẩu” có nghĩa là “cửa hồ”. Đây chính là cửa lấy nước thứ hai của sông Tô Lịch.

Với nguồn nước dồi dào từ sông Hồng và hồ Tây, sông Tô Lịch chảy mạnh về phía nam, kéo dài hàng chục km, tới khu vực phía Văn Điển (Hà Nội) thì nhập vào sông Nhuệ, từ đó xuôi mãi về phía nam Đồng bằng sông Hồng.

Ước tính, sông Tô Lịch cổ dài hơn 30km, chảy từ đông sang tây rồi từ bắc xuống nam, tạo thành vành đai phía bắc và phía tây của Hà Nội xưa (tức khu vực nội thành Hà Nội ngày nay). Theo học thuyết của GS Trần Quốc Vượng, sông Tô Lịch cùng với sông Hồng và sông Kim Ngưu chính là “tứ giác nước” của kinh thành Thăng Long cổ đại.

Dòng nước Tô Lịch mênh mông, trong lành, trong hàng nghìn năm đã nuôi dưỡng nên sự trù phú của hàng chục làng mạc hai bên bờ sông mà tên tuổi vẫn còn lưu giữ tới ngày nay như: Láng, Ngọc Hà, Quan Hoa, Yên Hòa, Trung Hòa, Cự Lộc, Chính Kinh, Khương Trung, Đại Kim… Dòng sông cũng là nơi thuyền bè ngược xuôi, tấp nập buôn bán, tạo nên cảnh tượng trên bến dưới thuyền, phồn vinh một thuở cho đất Thăng Long. Bên bờ sông Tô Lịch, thế kỷ XIX, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu (tức “Thần Siêu”, người sửa đền Ngọc Sơn, xây cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên ở hồ Gươm) dựng trường Phương Đình, viết văn, làm thơ, dạy học. Đây cũng là nơi thường lui tới của tao nhân mặc khách.

Không chỉ góp phần làm nên văn minh Thăng Long, Tô Lịch trong lịch sử cũng là chiến hào bảo vệ quê hương. Năm 541, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương. Sau thắng lợi, ông lập triều, khai quốc, đặt tên nước là Vạn Xuân, dựng thành bên bờ sông Tô Lịch để định đô, đó chính là “Tô Lịch giang thành”. Năm 545, nhà Lương đem quân sang xâm chiếm lần nữa. Trận chiến mang tính quyết định đã diễn ra ở “Tô Lịch giang thành”. Cuối cùng, thành mất, lão tướng Phạm Tu – người đứng đầu Võ ban nhà nước Vạn Xuân, tử trận. Năm ấy, ông tròn 70 tuổi.

Khúc tráng ca của sông Tô Lịch gần 1.500 năm sau lại tái hiện ở cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội của quan quân nhà Nguyễn. Quân Pháp năm đó đã mang pháo thuyền (loại thuyền chiến có chở pháo) đi theo sông Hồng, vào sông Tô Lịch, rồi nã pháo vào cửa Bắc thành Hà Nội – vốn được xây dựng bên bờ sông Tô. Cuộc chiến bảo vệ thành thất bại, Hà Nội lọt vào tay quân thù. Vết đạn pháo của cuộc chiến vẫn còn nguyên vẹn trên cửa Bắc thành Hà Nội ngày nay, như một vết sẹo nhắc nhở thế hệ mai sau không bao giờ quên nỗi đau mất nước và lịch sử vệ quốc của cha ông.

Sau khi chiếm được Hà Nội, quân Pháp nhanh chóng thiết lập nền đô hộ để khai thác thuộc địa. Thăng Long – Hà Nội với đặc trưng của một thành phố sông nước, trở nên không thích hợp cho xây dựng một đô thị theo quan niệm của người Pháp – những người mang tư duy lục địa. Vậy là người Pháp tính chuyện lấp sông Tô để lấy đất bằng.

Để lấp sông Tô, người Pháp bịt hai cửa lấy nước của dòng sông này là “giang khẩu” và “hồ khẩu”. Song song với đó, người Pháp cho lấp dòng sông đoạn từ phố Thụy Khuê qua các phố Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Ngõ Gạch rồi tiến dần ra chân cầu Long Biên. Sông Tô bị bức tử và trở thành dòng sông không có “nguồn” từ đó. Giai đoạn này cũng đánh dấu cho một thời kỳ tăm tối của lịch sử dân tộc, kéo dài hơn nửa thế kỷ.

“Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

Mất nguồn cung cấp nước, sông Tô Lịch bất đắc dĩ trở thành nơi chứa nước thải của khu dân cư hình thành trên chính nơi ngày trước là lòng sông. Trải qua cả trăm năm, sông Tô Lịch đã “chết” đúng nghĩa đen, khi toàn bộ dòng sông đều là chất thải (nước thải, rác thải). Nước sông đen ngòm, hoàn toàn không có sinh vật nào sống được. Từ khu vực công viên Bách Thảo ra tới nút giao Bưởi, dòng sông bị lấn chiếm, thu hẹp từ vài chục mét xuống chỉ còn vài mét và rồi bị “cống hóa” như đã nói ở trên. Cái tên Tô Lịch cũng rơi vào quên lãng, người dân khu vực này thường gọi con sông là “mương Thụy Khuê”.

Từ nút giao Bưởi trở về phía nam, theo đường Bưởi, đường Láng, đường Khương Đình, đường Kim Giang, sông Tô Lịch “may mắn” không bị cống hóa, còn giữ được chiều rộng vài chục mét và được kè bê tông. Song điều này cũng khiến dòng sông bị xem như “vấn nạn” của Thủ đô khi luôn bốc mùi hôi thối. Đó cũng là lý do trong hàng chục năm qua, câu chuyện cải tạo sông Tô Lịch luôn được đem ra bàn bạc. Chỉ có điều, bàn thì nhiều mà làm thì ít. Sông Tô Lịch vẫn “yên vị” là một dòng sông chết, một mương nước thải khổng lồ, chờ đợi một quyết định làm đổi thay vận mệnh của mình.

Trên thực tế, có không ít ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch có tính khả thi. Chẳng hạn như đề xuất dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Biện pháp kỹ thuật sẽ là xây dựng một trạm bơm chìm ngoài cửa khẩu An Dương, dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây, sau đó dẫn nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch qua hai cửa xả của hồ trên phố Trích Sài và Lạc Long Quân – nơi ngày xưa từng là “hồ khẩu” của Tô Lịch.

Để thực hiện triệt để giải pháp này, các chuyên gia cho rằng Hà Nội phải giải quyết được nạn xả thải trực tiếp ra sông Tô Lịch. Ước tính toàn sông Tô Lịch có khoảng 200 cống nước xả thải, mỗi ngày xả khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Do vậy, cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải dọc theo 2 bên bờ sông, đưa về nhà máy xử lý. Không còn nước thải trực tiếp, dòng nước “tươi” từ sông Hồng và hồ Tây sẽ mang lại sự sống cho sông Tô Lịch.

Để tránh tình trạng nước sông Hồng đẩy toàn bộ chất thải lưu cữu của sông Tô Lịch về phía hạ lưu, gây ô nhiễm cho khu vực này, các chuyên gia cho rằng cần phải xử lý chất thải trên dòng sông Tô Lịch trước. Biện pháp xử lý thông dụng nhất là dùng hóa chất tẩy rửa, điển hình như Redoxy 3C mà Hà Nội từng mua về sử dụng và cho thấy hiệu quả tại các hồ nước. Một biện pháp khác từng được kỳ vọng (song chưa rõ kết quả) là xử lý bằng công nghệ sục khí tạo sự sống cho vi sinh, như công nghệ Nano-Bioreactor do chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm hồi 2019. Hoặc một cách trực tiếp là nạo vét toàn bộ lòng sông và đem đi xử lý ở một nơi khác.

Như vậy, có thể thấy, không phải là không có cách để trả lại sự sống cho sông Tô Lịch, vấn đề là Hà Nội có quyết tâm làm hay không. Tất nhiên, trong câu chuyện quyết tâm này, ngân sách là một trong những then chốt. Tuy vậy, đặt trên bàn cân giữa chi phí và lợi ích, có thể thấy lợi ích của việc cải tạo thành công sông Tô Lịch là không thể đong đếm, chí ít gồm các điểm sau: giảm ô nhiễm môi trường cho một khu vực rộng lớn; cải tạo khí hậu và môi trường sống cho người dân; tạo cảnh quan đẹp cho thành phố Hà Nội; phát triển du lịch - kinh doanh dọc 2 bên bờ sông; phát triển giao thông vận tải thủy nội đô…

Lịch sử thế giới đã ghi nhận những câu chuyện “kinh điển” về cải tạo sông ngòi. Điển hình là nước Anh với sông Thames – dòng sông vào thế kỷ XIX từng bị xem là “thùng rác” của London, bị miệt thị là “The The Great Stink” (tạm dịch: Mùi hôi vĩ đại). Nhưng nhờ các nỗ lực chuyển hướng dòng nước thải và tiến hành làm sạch trong hàng chục năm, sông Thames ngày nay đã trở thành một trong những dòng sông sạch đẹp nhất thế giới.

Ngay tại Việt Nam, câu chuyện cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè của TP. HCM cũng có thể xem là một bài học điển hình (“case study”) để Hà Nội áp dụng với Tô Lịch. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh bị hàng nghìn hộ dân lấn chiếm hai bên bờ và trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, đen ngòm và hôi thối.

Đến đầu những năm 2000, TP. HCM bắt tay vào cải tạo con kênh với chi phí khoảng 8.600 tỷ đồng. Trong hơn 10 năm, 1,1 triệu m3 đất đã được nạo vét khỏi lòng kênh, 16km bờ kè được lắp đặt, 9km tuyến cống bao được xây dựng… để đến năm 2011, công trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè chính thức được khánh thành, mang lại niềm hân hoan cho hàng triệu người dân thành phố.

Sông Tô Lịch hoàn toàn có thể trở thành một Thames của Việt Nam, một Nhiêu Lộc – Thị Nghè thứ hai. Dòng sông hàng nghìn năm tuổi này đã “sống” với đất Thăng Long, kể từ khi vùng đất này chỉ là một gò đất có tên Long Đỗ, nhìn Lý Bí lập quốc, trông Lý Công Uẩn dời đô và chứng kiến niềm bi phẫn của Hoàng Diệu khi thành Hà Nội thất thủ. Nó đã tưới đẫm những ruộng rau thơm làng Láng, đã chở những thuyền gạo xuôi ngược đất kinh kỳ, đã ghi dấu bao phận người, phận đời, đã trở thành một phần của hồn cốt Tràng An.

Tin mới lên