Chìa khóa giúp TPBank lột xác từ ngân hàng ‘đứng chót’ sang vị thế dẫn đầu

Hà Thu - 24/12/2020 16:03 (GMT+7)

(VNF) - Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 sáng 23/12, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng đã chia sẻ câu chuyện thực hiện chiến lược Make in Vietnam nhằm xây dựng nền tài chính số hiện đại, bền vững.

VNF
“Chúng tôi làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển thành giải pháp, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam,” CEO TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ.

Từ áp lực thay đổi…

Theo Tổng giám đốc TPBank, lĩnh vực ngân hàng, tài chính là một trong các lĩnh vực chịu nhiều cơ hội mới cũng như rủi ro tiềm ẩn trước sự mở rộng của các fintech và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đòi hỏi các ngân hàng nội phải chủ động hơn, tích cực hơn đầu tư vào công nghệ để không bị tụt lại phía sau.

Ông Hưng nhận định rằng trước đây ngân hàng tập trung vào các hoạt động huy động, cho vay vốn thì ngày nay, định hướng khách hàng (customer centric) và dữ liệu (data driven) mới là trung tâm. Một số mô hình hoạt động truyền thống của ngân hàng sẽ thay đổi, nhường chỗ cho tự động hóa,  và ứng dụng công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong nền kinh tế số, các ngân hàng sẽ đổi mới quy trình vận hành, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ, đến kết nối, chia sẻ, tạo giá trị gia tăng và hiệu quả cho khách hàng.

“Ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái, kết nối với các ngân hàng khác, fintech, doanh nghiệp, nhà bán hàng, nền tảng thương mại điện tử... Ngân hàng đang dần dần trở thành ngân hàng mở”, ông Hưng nhấn mạnh.

…đến câu chuyện Make in Vietnam của TPBank

Là một ngân hàng trẻ được thành lập từ năm 2008, TPBank có 4 năm đầu tiên luôn đứng chót trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại.

Trong thời điểm đó, định hướng công nghệ từ cổ đông chiến lược mới, ban điều hành mới đã giúp TPBank chuyển mình, nằm trong nhóm 10 ngân hàng vững mạnh nhất cả về chất lượng lẫn hiệu quả hoạt động. Tổng tài sản đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD, so với vài trăm triệu USD trước đây. Số lượng khách hàng tăng mạnh từ con số vài chục ngàn lên tới gần 4 triệu người.

“Ứng dụng công nghệ đã giúp ngân hàng tối ưu hoạt động kinh doanh và tăng lợi thế cạnh tranh lên nhiều lần. Đặc biệt, TPBank duy trì đà tăng trưởng bình quân mỗi năm 30 - 40%, song lượng nhân sự các năm chỉ tăng 4 – 5%. Các lao động giản đơn đã được thay thế hoàn toàn bằng công nghệ”, ông Hưng chia sẻ.

Khái niệm Ngân hàng số không chỉ gồm các giải pháp, ứng dụng số cung cấp cho khách hàng mà còn là việc chuyển đổi số, số hóa toàn bộ các hệ thống cũng như các quy trình nội bộ trong ngân hàng, nhằm hướng tới một chuẩn mực ngân hàng số đúng nghĩa.

Nhưng theo ông Hưng, hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai các dự án nền tảng số chỉ là giải pháp.

“Việc triển khai, khai thác hiệu quả các công nghệ, giải pháp vào mục đích kinh doanh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới quan trọng. Chúng tôi làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển thành giải pháp, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam,” ông Hưng nói, đồng thời nhấn mạnh ngân hàng cũng chủ động xây dựng ý tưởng, phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong nước, thuê ngoài hoặc tự phát triển các giải pháp công nghệ mới.

Dĩ nhiên, quá trình chuyển đổi, làm chủ công nghệ cần nhiều thời gian, đòi hỏi ngân hàng phải làm từng bước một. Phương châm của TPBank, ông Hưng cho biết, là: “Think big, start small, scale success.” (Nghĩ lớn, bắt đầu từ việc nhỏ, nhân rộng thành công sang các lĩnh vực khác)

Biểu tượng lớn nhất trong sự dịch chuyển công nghệ của TPBank đó là mô hình LiveBank, hệ thống phòng giao dịch tự động 24/7 thay thế phòng giao dịch truyền thống. Được triển khai từ năm 2017, đến nay, TPBank đã có 330 điểm LiveBank trên toàn quốc. Tổng giám đốc TPBank ước tính, 3 điểm LiveBank có hiệu quả hoạt động tương đương với 1 chi nhánh ngân hàng. Với 330 điểm LiveBank, TPBank đã phát triển được mạng lưới tương đương với hơn 100 chi nhánh, điều này một ngân hàng phải mất 20 năm mới có được nếu phát triển mạng lưới chi nhánh truyền thống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dù là một tổ chức tài chính, nhưng TPBank lại có khả năng tự nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới nhất trên thế giới để nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.

Đơn cử trong năm nay, TPBank đã tự phát triển được 70 robot ứng dụng trong quy trình hoạt động, dự kiến số lượng robot do TPBank tự phát triển trong năm 2021 là 140. Hoặc hiện nay, hơn 80% ứng dụng công nghệ mới của ngân hàng đều có sử dụng AI. TPBank hiện cũng là ngân hàng tích cực ứng dụng Big Data để nâng cao trải nghiệm khách hàng, và là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động chuyển tiền quốc tế tại Việt Nam.

Tổng giám đốc TPBank khẳng định nhờ làm chủ được những công nghệ hiện tại, sáng tạo và ứng dụng vào trong hoạt động kinh doanh, TPBank đã trở thành một thương hiệu ngân hàng số Việt có đủ sức cạnh tranh và đủ khả năng vượt qua được những thách thức mới trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0.

Cùng chuyên mục
Tin khác