Tài chính quốc tế

Chiến dịch mới ông Tập Cận Bình: Thứ trưởng, chủ tịch LĐBĐ, huấn luyện viên ĐTBĐ Trung Quốc cùng vào tù

(VNF) - Nhiều người đứng đầu các hiệp hội, liên đoàn thể thao ở Trung Quốc đã bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo SCMP, người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Trung Quốc và các cộng sự cấp cao của ông bị điều tra do nghi án tham nhũng, biển thủ công quỹ và nhận hối lộ.

Cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Xiao Tan cũng đã bị tuyên án 10,5 năm tù do nhận hối lộ 1,15 triệu USD trong giai đoạn từ năm 1997 – 2014. Một số quan chức đứng đầu các cơ quan quản lý thể thao quốc gia về bộ môn điền kinh, chèo thuyền cũng đã sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, nhóm công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào Tổng cục Thể thao (GAS) khi bắt giữ Giám đốc Cơ quan Quản lý thể thao Ni Huizhong và Thứ trưởng thể thao Du Zhaocai.

Ông Ni Huizhong là người đóng vai trò vô cùng quan trọng với thành công của Trung Quốc trong lần đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022. Trong khi đó, Thứ trưởng Thể thao Du Zhaocai là quan chức cấp cao nhất của liên đoàn thể thao Trung Quốc bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng mới nhất.

Nhiều quan chức của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc bị bắt.

Vào ngày 17/10, cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc Chen Xuyuan đã bị truy tố tại tòa án Hồ Bắc với cáo buộc nhận hối lộ “số tiền đặc biệt lớn”.

Cựu cầu thủ Li Tie, người từng chơi ở giải Ngoại hạng Anh trước khi trở thành huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia Trung Quốc, hiện đang bị giam giữ vì cáo buộc nhận hối lộ.

Nhiều nhà quản lý cao cấp trong lĩnh vực thể thao tại Trung Quốc cũng đã sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình như ông Li Yaguang, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội bóng rổ Trung Quốc; ông Liu Aijie, cựu Chủ tịch Hiệp hội chèo thuyền Trung Quốc và phó chủ tịch Liên đoàn ca nô quốc tế; ông Yu Hongchen, chủ tịch Hiệp hội điền kinh Trung Quốc và ông Chen Xuyuan, chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc.

Liên tiếp những tên tuổi lớn trong làng thể thao Trung Quốc “ngã ngựa” gợi nhớ đến hàng loạt vụ bắt giữ liên quan đến các nhà quản lý thể thao của nước này vào năm 2014.

Vào năm đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã hạ bệ ông Xiao Tian khi đó là Thứ trưởng Thể thao; ông Shen Lihong, người đứng đầu Liên đoàn cưỡi ngựa Trung Quốc; Yu Li, cựu giám đốc môn bơi của Cục bơi lội cùng nhiều quan chức thể thao cấp tỉnh.

Các quan chức trong các hiệp hội, liên đoàn thể thao của Trung Quốc đã tận dụng những lỗ hổng trong quản lý để phân bổ nguồn lực một cách thiếu minh bạch. Trong nhiều trường hợp khác, những quan chức thể thao cấp tỉnh còn ăn hối lộ để quyết định số lượng vận động viên trong tỉnh tham gia các sự kiện quốc tế.

Trung Quốc quyết tâm loại bỏ những ung nhọt trong lĩnh vực thể thao.

Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng đã quét đáng kể những “ung nhọt” trong lĩnh vực thể thao nhưng việc thiết lập một môi trường trong sạch, lành mạnh ở các liên đoàn thể thao Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Ông Yven Cheng, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu thể thao ở Bắc Kinh nhận định, thể thao Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ bùng nổ, bắt đầu từ việc giành được quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 2001 và kết thúc với lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông năm 2022. Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào thể thao với mục đích kinh tế, chính trị và chiến lược.

Giai đoạn 2010 – 2019 được xem là giai đoạn hoàng kim của bóng đá Trung Quốc khi được đầu tư hàng tỷ USD. Mặc dù “bong bóng” bóng đá đã vỡ vào năm 2020 – 2021 nhưng sự bành trướng với tốc độ chóng mặt trước đó cũng đã sinh ra nạn tham nhũng trên diện rộng trong lĩnh vực bóng đá Trung Quốc, tờ SCMP nhận định.

“Khi kết thúc một chu kỳ cũng là lúc xem xét lại các hóa đơn. Các nhiệm vụ chính đã hoàn thành, đã đến lúc chính quyền Bắc Kinh cần kiểm tra xem ai đã lấy những gì và làm sạch thể thao thông qua đợt chống tham nhũng này”, ông Chen nói.

Tin mới lên