Chiến sự càng kéo dài, kinh tế Nga càng lộ rõ bất ổn

Minh Đăng - 27/11/2023 00:40 (GMT+7)

(VNF) - Quân đội Nga và các nhà máy vũ khí của nước này đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực khi Moscow chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. Điều này đã khiến các lĩnh vực dân sự rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng và tiềm tàng nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế.

Cơn khát nhân lực

“Tình trạng khan hiếm lao động ở Nga đang trở nên trầm trọng. Đó không chỉ là việc huy động lực lượng tham gia chiến đấu hay làn sóng tháo chạy khỏi Nga. Vấn đề chính là sản xuất vũ khí”, người đứng đầu một công ty khai thác mỏ lớn của Nga chia sẻ vớ Financial Times.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nhiều lần chỉ ra tổng sản phẩm quốc nội ngày càng tăng của Nga là bằng chứng về sức khỏe kinh tế của nước này và sự thất bại của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng những con số này được củng cố bởi sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng.

Tình trạng thiếu lao động đã làm lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế Nga. Theo Financial Times, Nga không phải là quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế công nghiệp hóa có thị trường lao động rất eo hẹp và thực tế là dân số nước này đang già đi và thu hẹp lại chỉ làm tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận rằng tình trạng thiếu lao động đang bắt đầu ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhưng chiến sự khiến cuộc khủng hoảng ở Nga trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Năm ngoái, 300.000 nam giới bất ngờ được huy động để tòng quân. Hàng trăm ngàn người khác, hầu hết trong số họ là những thanh niên có học vấn, di cư ra nước ngoài để trốn lệnh động viên. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác phụ thuộc vào lao động có tay nghề cao.

Trong khi các công ty quốc phòng đang làm việc hết công suất để cung cấp cho lực lượng vũ trang, các ngành công nghiệp dân sự đang phải vật lộn để tìm nguồn lao động.

Tại Nga, công nhân trong lĩnh vực quốc phòng có thể được miễn nghĩa vụ quân sự. Điều này khiến công việc ở những công ty như vậy trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với những nam giới muốn tránh phải nhập ngũ.

Thách thức nền kinh tế

Tỷ lệ thất nghiệp của Nga đã giảm xuống 3%, mức thấp nhất trong 30 năm, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động cho các ngành sử dụng nhiều lao động đang thống trị nền kinh tế đất nước.

“Khó có thể ước tính mức độ chính xác của sự gia tăng sản xuất và số lượng công nhân trong lĩnh vực quốc phòng liên quan đến chiến sự từ dữ liệu hiện có, nhưng chúng tôi đã thấy mức tăng 30-40% trong chỉ số quản lý mua hàng trong lĩnh vực quân sự kể từ tháng 1/2023”, ông Pavel Luzin, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết.

Chiến sự khiến cuộc khủng hoảng lao động ở Nga trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Chính phủ Nga hồi tháng trước cho biết họ dự định chi 10,8 nghìn tỷ rúp (118 tỷ USD), tương đương khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng vào năm tới. Con số này gấp ba lần số tiền được phân bổ vào năm 2021, năm cuối cùng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine và nhiều hơn 70% so với kế hoạch ban đầu cho năm nay.

Các nhà phân tích độc lập cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nếu tính cả những ước tính về chi tiêu mật.

Một minh họa về tình trạng thiếu lao động có thể thấy là thời gian làm việc trong tuần ngày càng kéo dài ở Nga. Các nhà phân tích tại công ty tư vấn FinExpertiza cho hay, thời gian làm việc của các công nhân Nga đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ. Nhiều nhà máy đã bắt đầu hoạt động theo ba ca.

“Thị trường lao động Nga và toàn bộ nền kinh tế đang hoạt động ở mức giới hạn, nó đã bị ép đến công suất tối đa và đơn giản là không thể sản xuất thêm nữa”, một chuyên gia nhận định.

Ví dụ, tại vùng Nizhny Novgorod, chính quyền báo cáo tình trạng thiếu lao động chưa từng có, ấn bản địa phương của tờ báo Kommersant đưa tin.

Số người thất nghiệp đăng ký đã giảm 27% trong tháng 9 và có 17.000 vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất trong khu vực. Trong số đó, 7.500 việc làm thuộc ngành công nghiệp quốc phòng và nhu cầu ngày càng tăng, với 1.600 vị trí được bổ sung trong năm qua.

Phát biểu trong cuộc họp với các doanh nghiệp lớn ở Điện Kremlin mới đây, ông Putin thừa nhận rằng: “Tình trạng thiếu lao động đang bắt đầu ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Vào tháng 9, Bộ trưởng kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đã mô tả tình trạng thiếu lao động là “rủi ro nội bộ lớn nhất đối với nền kinh tế Nga”.

Tỷ phú Oleg Deripaska, ông trùm khai thác mỏ và kim loại của Nga, cũng đồng ý rằng các công ty quốc phòng đang thu hút công nhân từ các lĩnh vực khác.

Xem thêm >> Cuộc chiến giá dầu: Nga và Arab Saudi không còn ‘nắm đằng chuôi’

Theo Financial Times
Cùng chuyên mục
Tin khác