Chiến sự Nga - Ukraine: Nước Nga tổn thương và tự chữa lành khiến EU bất ngờ

Mai Lý - 20/07/2023 00:05 (GMT+7)

(VNF) - Nền kinh tế Nga đang gặp phải nhiều "thương tổn" do cuộc chiến Nga - Ukraine gây ra. Thế nhưng, giữa bức tranh ảm đạm, Nga vẫn gặt hái được nhiều thành tựu đáng chú ý.

VNF

Trở thành cái bóng của chính mình

Trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 1/2022, nền kinh tế Nga đứng thứ 11 trên thế giới và Nga được ví như một nhà xuất khẩu đáng tin cậy. Thế nhưng, sau nhiều tác động, nền kinh tế Nga giờ đây lại trở thành “cái bóng của chính nó vào 16 tháng trước”, tờ Business Insider nhận định.

Từ sự suy yếu của đồng Rúp đến sự ảm đạm trong giao dịch thương mại, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy nền kinh tế Nga đang suy giảm nghiêm trọng và đối mặt nhiều khó khăn.

Kinh tế Nga chịu nhiều tổn thương

Đồng Rúp là một trong những đơn vị tiền tệ hoạt động kém nhất trong năm nay. Chưa kể, đơn vị tiền tệ này còn phải hứng chịu nhiều biến động do sự bất ổn địa chính trị. Cuộc nổi dậy của Tập đoàn Wagner vào tháng 6 thất bại khiến nhiều công dân Nga hoảng loạn, đổi đồng rúp lấy các loại tiền tệ khác. Vì thế, giá trị của đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua so với đồng USD. Trong tháng 6 vừa qua, giá trị của đồng rúp đã giảm tới hơn 6,8%. Trong năm ngoái, giá trị đồng rúp còn giảm tới 35%.

Không chỉ đồng rúp suy yếu, số dư tài khoản vãng lai của Nga cũng chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương, tính từ tháng 4 đến tháng 6, Nga có thặng dư tài khoản vãng lai và 5,4 tỷ USD, giảm tới 93% so với mức kỷ lục 76,7 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm này là do khối lượng giao hàng hóa xuất khẩu giảm và tình hình giá cả đối với hàng hóa cơ bản giảm, theo Ngân hàng Trung ương Nga. Thặng dư tài khoản vãng lai ít dần là dấu hiệu cho thấy Nga không thể đảm bảo nhập khẩu những thứ cần thiết trong khi lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng không thể hỗ trợ nền kinh tế như trước.

Đồng rúp lao dốc

Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính Nga cho biết doanh thu từ thuế dầu khí đã giảm tới 36% so với một năm trước đó. Lợi nhuận từ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ cũng chịu kịch bản tương tự, giảm tới 31%.

Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga chịu trách nhiệm cung cấp gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 1/4 dầu thô của liên minh châu Âu. Cuộc chiến nổ ra khiến những con số này gần như bằng 0. Mặc dù đã chuyển hướng sang Trung Quốc và Ấn Độ nhưng Nga vẫn khó tìm lại thời đỉnh cao khi phải bán năng lượng với giá chiết khấu cao. Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga chia sẻ với CNN: “Kỷ nguyên lợi nhuận khủng từ dầu thô và khí đốt của Nga đã kết thúc”.

Ngành công nghiệp ô tô của Nga cũng bị ảnh hưởng phần nào. Từ 100.000 xe/tháng, giờ đây, doanh số bán ô tô tại Nga chỉ còn 1/4. Hầu hết các hãng xe trên thế giới đã rút khỏi Nga vì chiến tranh. Nguồn cung xe khan hiếm, giá cả tăng vọt và tâm lý người tiêu dùng sa sút khiến sức mua ô tô tại quốc gia này tụt dốc không phanh.

Làn sóng di cư và chảy máu chất xám cũng bùng nổ ở Nga sau xung đột Nga – Ukraine. Theo dữ liệu của Yale, hàng triệu công dân Nga đã chọn rời đất nước, chuyển sang các nước láng giềng như Armenia, Georgia và Kyrgyzstan. Vào tháng 3/2022, khoảng 500.000 công nhân lành nghề và ít nhất 700.000 người Nga (chủ yếu là nam giới) đã di cư khỏi Nga do lo sợ phải nhập ngũ.

Làn sóng di cư "bùng nổ" ở Nga

Hơn 1.200 công ty toàn cầu cũng tự nguyện rời khỏi Nga trong tháng 2 năm 2022. Những công ty này có vốn doanh thu trong nước tương đương với 35% GDP của Nga, theo CNBC. Chưa kể, họ còn sử dụng 12% lực lượng lao động của quốc gia này. Điều này đã khiến nền kinh tế của Nga bị “tổn thương” nghiêm trọng.

Nỗ lực tìm cách vượt khó

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến Nga phải hứng chịu hơn 13.000 lệnh hạn chế, nhiều hơn số biện pháp trừng phạt áp đặt với Triều Tiên, Cuba và Iran cộng lại. Dù nền kinh tế đang chao đảo nhưng không thể không thừa nhận rằng Nga vẫn đạt được một số thành công nhất định.

Đầu tiên phải kể đến phản ứng nhanh nhạy của chính phủ Nga đã giúp giảm thiểu nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Khi Mỹ và Liên minh châu Âu sử dụng “con át chủ bài” – đóng băng dự trữ và ngoại hối cũng như đẩy một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi SWIFT (hệ thống kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính và ngân hàng tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới), Ngân hàng Trung ương Nga lập tức tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%. Hành động quyết liệt và kịp thời này đã giúp ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Nga đang nỗ lực tự cứu lấy mình

Bên cạnh đó, nền kinh tế Nga cũng bật chế độ “hướng nội” khi chuyển sang tự cung tự cấp. Với chính sách có tên “Pháo đài Nga”, chính phủ nước này đã đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước. Trong khi đó, các nhà máy cũng tăng cường sản xuất hàng hóa quân sự và các sản phẩm thay thế cho những mặt hàng nhập khẩu từ phương Tây.

Nền công nghiệp ô tô tại Nga cũng đang đi theo hướng “nội địa hóa”. Vào năm 2022, tập đoàn ô tô lớn nhất Nga Avto VAZ và là công ty mẹ của hãng xe Lada đã cho nối lại dây chuyền sản xuất mẫu xe Granta. Ngoài ra, Nga cũng hồi sinh lại thương hiệu ô tô Moskvich sau 20 năm ngừng sản xuất với mục tiêu sản xuất cả ô tô sử dụng động cơ đốt trong lẫn ô tô điện.

Hãng xe Lada là hãng xe bán chạy nhất Nga trong 6 tháng đầu năm 2023

Nỗ lực cứu lấy ngành ô tô nội địa của Nga đang thu về những “trái ngọt” đầu tiên khi hãng xe nội địa Lada đứng đầu thị trường ô tô trong 6 tháng đầu năm 2023 với doanh số 143.618 xe. Với lợi thế là một nước sản xuất hàng hóa cơ bản vào hàng lớn nhất thế giới, rõ ràng, Nga đã tự tạo ra sức bền cho nền kinh tế bất chấp nhiều khó khăn bủa vây, nhà phân tích Hassan Malik của công ty tư vấn Loomis Sayles, Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, chính Tổng thống Nga Putin cũng phải thừa nhận rằng việc thay thế hàng hóa nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước “không phải là thuốc chữa bách bệnh”. Và trước khi Nga tìm kiếm được các đối tác thương mại mới cũng như phát triển được ngành công nghiệp trong nước để thay thế những công nghệ hiện đại của phương Tây, nền kinh tế Nga sẽ vẫn còn phải hứng chịu “những cơn gió ngược” trong thời gian tới.

Theo Business Insider, CNN, CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác