Tài chính

Chiều chuộng doanh nghiệp FDI, Việt Nam lãnh ‘trái đắng’ trốn thuế

(VNF) - Chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam có phạm vi khá rộng và dàn trải, không những làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Chiều chuộng doanh nghiệp FDI, Việt Nam lãnh ‘trái đắng’ trốn thuế

Chiều chuộng doanh nghiệp FDI, Việt Nam lãnh ‘trái đắng’ trốn thuế

Doanh nghiệp FDI chiếm 76% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giãm

Theo báo cáo "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam” do VEPR thực hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế hội nhập nhất do hệ số tương quan giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư thấp (-0.06) trong suốt 20 năm qua.

Lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2010– 2018. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có tới khoảng 28% dòng vốn này đến từ các và vùng lãnh thổ có mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp hoặc bằng 0 trong giai đoạn vừa qua như: Singapore, Hồng Kông, quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh, quần đảo Cayman…

Do vậy, rất có thể các doanh nghiệp đa quốc gia đến từ những nước và vùng lãnh thổ kể trên có hành vi chuyển lợi nhuận từ Việt Nam sang các nơi đó nhằm giảm bớt mức thuế đáng ra phải nộp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo “Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi tài chính” của Bộ Tài chính, từ 2012 đến 2017, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI duy trì tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng doanh thu cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (14%). Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các doanh nghiệp FDI có báo cáo đạt 344.607 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016.

Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối, bao gồm: kinh doanh bất động sản (tăng 193,3%); khai thác, chế biến khoáng sản (tăng 146,3%); linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử (tăng 40,3%)…

Trong khi đó, trong 16.718 doanh nghiệp FDI có báo cáo năm 2017, có 8.646 doanh nghiệp kê khai lỗ (chiếm 52%) với trị giá lỗ là 86.180 tỷ đồng, có 10.582 doanh nghiệp lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng và có 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn (chiếm 16%) với trị giá vốn chủ sở hữu là âm (–85.604 tỷ đồng).

Trong 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2017 có đến 1.590 doanh nghiệp lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Như vậy, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI tăng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm.

Số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI giai đoạn 2012 – 2017 cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 52% (đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng doanh nghiệp có báo cáo).

Đáng chú ý là tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và có lỗ lũy kế cũng cao.

“Điều đó cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp”, VEPR nhận xét.

Theo VEPR, cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…).

Một cách khác là chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina…).

Gần đây còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo nhận định của Kiểm toán Nhà nước, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam có phạm vi khá rộng và dàn trải, không những làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Mỗi năm, tổng số tiền mà ngân sách nhà nước ưu đãi cho các doanh nghiệp chiếm khoảng 5,5 – 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi thuế chiếm tới trên 80%.

So với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Cụ thể, doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi với mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thậm chí, một số doanh nghiệp FDI còn được áp dụng mức thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm của tất cả các doanh nghiệp cả nước là 76%.

Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,6% và của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 14%.

Lợi dụng chính sách ưu đãi thuế lớn, nhiều doanh nghiệp FDI thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, sau đó áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức thuế suất ưu đãi.

Một số doanh nghiệp FDI thuộc các ngành như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, sản xuất lắp ráp ô–tô, xe máy và xe có động cơ khác luôn duy trì tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân qua các năm ở mức rất cao (khoảng trên 30%) và có trụ sở đặt ở những vùng có ưu đãi rất lớn về thuế là những doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược. Ví dụ điển hình cho việc được hưởng ưu đãi thuế quá mức là dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Doanh nghiệp nội địa cũng chuyển giá

Cùng với hiện tượng chuyển giá quốc tế, VEPR cho biết chuyển giá nội địa cũng ngày một phổ biến, gây thất thu ngân sách lớn và làm méo mó môi trường kinh doanh.

Chuyển giá nội địa thường xảy ra ở những giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con thuộc các tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước, giữa các doanh nghiệp FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau.

Kiểm toán Nhà nước trong những năm gần đây đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu trốn thuế thông qua hình thức chuyển giá, trong đó tiêu biểu là Tổng công ty Cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Bằng cách thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại, hai công ty này đã thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con, không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngân sách nhà nước.

Sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco phải truy nộp vào ngân sách nhà nước 408,8 tỷ đồng và Habeco là 920 tỷ đồng.

Hàng chục vạn doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2010 – 2018, công tác thanh tra kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp thu về là 35.922 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.002 tỷ đồng.

Trong suốt giai đoạn này, số doanh nghiệp vi phạm tăng mạnh, từ 31.759 doanh nghiệp năm 2010 lên 103.211 doanh nghiệp năm 2017 và 95.936 doanh nghiệp năm 2018; lượng giảm lỗ tăng mạnh, từ 10.841,9 tỷ đồng năm 2010 lên 40.914,56 tỷ đồng năm 2018, góp phần làm tăng số thuế thu về cho ngân sách nhà nước từ 1.783,07 tỷ đồng (0,37% tổng thu thuế) năm 2010 lên 7.144,73 tỷ đồng (0,77% tổng thu thuế hay 2,85% số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp) năm 2018.

Tin mới lên