Chiêu lừa rút tiền từ thẻ tín dụng: Chiếm mã bảo mật, rút sạch hạn mức

Linh Anh - 26/08/2022 11:57 (GMT+7)

(VNF) - Thẻ tín dụng hiện được rất nhiều người sử dụng vì có nhiều tiện ích. Song tội phạm công nghệ cao cũng có nhiều chiêu thức lừa đảo rút tiền từ thẻ tín dụng một cách rất tinh vi. 

VNF
Cung cấp thông tin nhờ người khác rút tiền là hành vi mất an toàn.

Thủ đoạn chiếm đoạt mã thẻ tín dụng

Một trong những hình thức mới nhất là giả danh cán bộ, nhân viên ngân hàng "mời" rút tiền qua thẻ tín dụng sau đó đánh cắp thông tin bảo mật thẻ để chiếm đoạt tiền trong thẻ.

Kẻ lừa đảo thường dùng SIM "rác" gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hay chuyển trả góp với phí với lãi suất thấp hoặc lãi suất 0%… Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, gồm: số thẻ và mã CVV/CVC (mã của thẻ tín dụng Visa/ Mastercard). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Fe Credit thông tin, gần đây, các nhóm tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin 2 mặt (trước và sau) của thẻ tín dụng, thực hiện các giao dịch trực tuyến mà không cần thẻ vật lý. Có đối tượng còn giả mạo nhân viên công ty tài chính đến tận nhà khách hàng thu hồi thẻ do lỗi hoặc đề nghị thu hồi thẻ không sử dụng để chiếm đoạt hoặc thực hiện giao dịch rút tiền mặt qua thẻ.

Hiện nay, hầu hết website thương mại điện tử đều chấp nhận cho khách hàng sử dụng mã CVV/CVC khi thanh toán online thay cho mã pin. Chỉ cần nhập số thẻ tín dụng, thời hạn hết hiệu lực của thẻ, họ tên chủ thẻ và mã CVV/CVC là có thể thực hiện giao dịch.

Vì thế, người dùng để lộ dãy số thẻ tín dụng và mã CVV/CVC thì kẻ gian có thể lợi dụng những thông tin này để thực hiện các giao dịch bất chính thông qua thanh toán, mua hàng online, khiến chủ thẻ bị mất tiền.

Thậm chí, việc để lộ số CVV/CVC còn là “cơ hội vàng” để những tin tặc tiếp cận và thực hiện chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp.

Thực tế, việc mời chào rút tiền mặt qua thẻ tín dụng và chuyển đổi trả góp đã xảy ra từ lâu. Trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật nhưng nay được quảng cáo rầm rộ, công khai trên các website, Facebook, Zalo...

Các ngân hàng đều khẳng định, không cung cấp bất kỳ dịch vụ đăng ký rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hay dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng lấy phí qua kênh nhân viên tư vấn mở thẻ hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng. Khách hàng muốn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chỉ có thể thực hiện tại máy ATM và có sử dụng mã PIN.

Các ngân hàng cho biết, việc yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như toàn bộ thông tin 16 số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã bảo mật CVV hoặc mã OTP khi mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng đều là lừa đảo. Dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin trên.

Việc rút tiền mặt qua thẻ tín dụng là hành vi không được khuyến khích, thậm chí có thể vi phạm quy định của ngân hàng. Nếu có người đề nghị cung cấp số thẻ và số CVV thì chắc chắn là lừa đảo.

Làm gì để không mất tiền oan?

Các ngân hàng, công ty tài chính khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp CMND, CCCD, số thẻ, mã thẻ, mã OTP, thông tin về tài khoản ví liên kết… cho bất cứ ai.

Đồng thời, khách hàng cũng cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn, email từ người lạ; luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp).

Hiện nay, bên cạnh việc cho phép khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các cây ATM, một số ngân hàng còn hỗ trợ khách rút tiền thẻ tín dụng trực tiếp tại quầy hoặc rút trực tuyến.

Với hình thức rút tiền trực tuyến, khách hàng cần liên hệ số hotline của ngân hàng mở thẻ, sẽ có giao dịch viên hướng dẫn làm các thủ tục cho khách hàng.

Không khuyến khích rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

 

Hội thẻ Việt Nam khuyến cáo khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ ai, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.
Khách hàng cũng không nên cho mượn thẻ, không chụp ảnh thẻ, không gửi hình ảnh thẻ qua mạng xã hội, đồng thời luôn luôn bảo mật các thông thẻ, quản lý thẻ trong tầm quan sát khi giao dịch thẻ trực tiếp tại POS.

Ngoài ra, để tăng tính bảo mật, khách hàng nên sử dụng tính năng nhiều lớp xác thực bảo mật. Khi chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch; khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày).

Nếu gặp tin nhắn liên quan đến vay, rút tiền, thế chấp…, người dùng thẻ không nên nhấp vào đường link. Trong trường phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo…), khách hàng cần lập tức: khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng; liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ; liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.