Ngân hàng

Chính phủ: 'NHNN không tạo ra biến động mạnh, thay đổi đột ngột chính sách tiền tệ'

(VNF) - Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Chính phủ: 'NHNN không tạo ra biến động mạnh, thay đổi đột ngột chính sách tiền tệ'

Chính phủ yêu cầu NHNN không được tạo ra biến động mạnh, đột ngột trong chính sách tiền tệ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4/10/2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Chính phủ cũng yêu cầu, NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Ngoài ra, nghị quyết cũng yêu cầu tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, có giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Cần hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

Chính phủ đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/10/2023.

Tin mới lên