Tiêu điểm

Chính phủ quyết cơ cấu lại thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản

(VNF) - Cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản là một trong số nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 01 vừa được ban hành.

Chính phủ quyết cơ cấu lại thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản

Chính phủ cơ cấu lại thị trường trái phiếu, chứng khoán và bất động sản.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Cụ thể, năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Bên cạnh đó, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp…

Trước bối cảnh này, nghị quyết 01 đã đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Cụ thể, Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. "Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống", nghị quyết nêu rõ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước phải quyết liệt, bảo đảm thi đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đồng thời hoàn thiện thể chế quản lý thuế.

Đặc biệt, về thị trường vốn, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản, không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

"Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bên vững", nghị quyết nêu.

Đối với tín dụng, nghị quyết Chính phủ yêu cầu điều hàng tăng trưởng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, đồng thời kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị triển khai đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 22021 - 2025", cũng như đẩy mạnh xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cũng theo Nghị quyết 01, Chính phủ yêu cầu xử các vấn đề tổn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương như 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.

Tin mới lên