Diễn đàn VNF

Chính quyền ‘xé rào’ thuê đất nông nghiệp của dân, GS Đặng Hùng Võ nói ‘đó là vi phạm đáng yêu’

(VNF) - Phát biểu tại hội thảo kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp diễn ra hôm nay (26/12), GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc chính quyền địa phương thuê lại đất của người nông dân để cho doanh nghiệp thuê làm nông nghiệp quy mô lớn là trái Luật Đất đai nhưng được Chính phủ cho phép thử nghiệm.

Chính quyền ‘xé rào’ thuê đất nông nghiệp của dân, GS Đặng Hùng Võ nói ‘đó là vi phạm đáng yêu’

GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quyền nhà nước chỉ thu hồi đất chứ không cho thuê đất, tuy nhiên đừng phê phán những vi phạm pháp luật “đáng yêu” trên vì việc này sẽ đóng góp cho sự phát triển.

Ông Võ cũng cho biết lãnh đạo của các địa phương trên chia sẻ với ông rằng có nhiều rủi ro trong việc thử nghiệm này, thành công được khen mà thất bại thì bị kiểm điểm, thậm chí tù tội.

“Thế nhưng, với kinh nghiệm này có thể hoàn thiện sơ cấp về thị trường đất nông nghiệp. Tức là có thể cho thuê đất, nhà nước thuê đất, giao cho chủ đầu tư làm, lợi nhuận đó trả cho người có đất”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Bình luận về vấn đề trên, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng chính quyền địa phương đứng ra thuê đất cho doanh nghiệp thuê lại là một sáng kiến tốt. Thông qua hợp tác xã hoặc chính quyền địa phương thì người dân rất yên tâm.

Đây là cơ chế tốt tuy nhiên chưa được hợp pháp hóa, TS Phong nhấn mạnh và cho biết có ít nhất 2 tiền lệ cho vấn đề này. Cơ chế thứ nhất là chính quyền địa phương bỏ tiền ngân sách ra lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ chế thứ 2 là dự án thương mại, doanh nghiệp phải thương lượng với người dân nhưng thông qua nhà nước dàn xếp cho ổn thỏa.

“Việc nhà nước đứng ra làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp nên được hợp pháp hóa trong tương lai”, ông Phong kiến nghị.

Cũng theo TS Lê Minh Phong, cả nước có 82% diện tích đất nông nghiệp, chia cho 9 triệu hộ dân. Người nông dân cứ khư khư giữ đất thì không thể hình thành bất động sản nông nghiệp được. Vì vậy, TS Phong cho rằng cần có cơ chế bảo lãnh.

Đánh giá về thị trường bất động sản nông nghiệp, ông Phong cho biết vẫn còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, ông cho rằng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, cơ chế chuyển đổi còn nhiều rào cản.

Thứ hai, kỳ vọng khai thác hệ thống sử dụng đất còn chưa cao, dẫn đến hạn chế giá thị trường của đất nông nghiệp không bằng các loại đất khác.

Hạn chế thứ ba là bất động sản nông nghiệp có xu hướng phát triển mạnh, khó quay trở lại trạng thái ban đầu, dẫn đến những mâu thuẫn tranh chấp của người nông dân, khiến doanh nghiệp ngại ngần.

Hạn chế thứ tư là giá bất động sản nông nghiệp khó tiếp cận giá thị trường. Tính thị trường bị hạn chế.

Năm là cơ chế xử lý tranh chấp trong bất động sản nông nghiệp khá phức tạp.

>>> Xem thêm: TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường mua bán đất nông nghiệp không minh bạch, không an toàn

Tin mới lên