Tiêu điểm

Chợ Việt xưa và nay: Đi chơi, đi dạo chợ làng…

(VNF) - Mỗi làng quê ở Bắc Bộ thường có một cái chợ. Làng Phú La của tôi cũng thế. Chợ thường đông và kéo dài vào ngày phiên, cách nhau thường năm ngày, ngày 2 ngày 7, hay ngày 3 ngày 8, chẳng hạn. Những ngày còn lại thì sáng nào chợ cũng họp nhanh, từ khi trời mới sáng rõ, đến khi nắng lên, là tan dần. Người ta đi chợ sớm, mua bán những thứ cần dùng trong ngày, rồi còn về nhanh mà đi làm đồng hay theo những công việc thường nhật khác.

Chợ Việt xưa và nay: Đi chơi, đi dạo chợ làng…

Mỗi vùng quê gồm nhiều làng quần tụ lại. Chợ của các làng cứ luân phiên nhau ngày chợ phiên, thế nên nếu ai muốn đi chợ lâu, mua nhiều thứ phong phú hơn, mua cây giống, con giống và vật dụng phục vụ việc đồng áng hay việc nhà, nếu không đúng phiên chợ mình làng mình, thì đi sang làng khác gần quanh đấy. Cứ xoay một vòng cả tháng, ngày nào cũng có thể đi chợ làng hay chợ phiên. Từ xa xưa đã thế, đến nay vẫn thế. Hay thật đấy, cái cách đáp ứng, thỏa mãn mọi nhu cầu của con người ở làng quê gắn với chợ làng nơi miền đồng bằng của tôi.

Đi dạo chợ làng sáng sớm ra, vui lắm. Xôn xao những tiếng chào, câu thăm hỏi nhau của người làng, người trong họ mạc. Đi hết một vòng là đầy đủ thông tin, nhà ai có khách, nhà ai có cỗ vui, rồi việc này, việc nọ… Có cả những đưa đẩy, chuyện chưa vui, chuyện lo lắng này khác cũng đến tai mình… Hàng hóa đơn sơ nhưng tươi non mơn mởn, thanh mát, như những gánh rau vừa hái bên sông, như nón chè tươi, buồng cau mới cắt trong vườn, những mớ cá vừa đánh dưới ngòi lên. Rồi bánh đúc, bánh chưng, bánh nếp, bánh đa… bày sàng, nào khoai sắn thơm dẻo, nào các loại hoa quả vừa chín tới…

Đi chợ phiên còn thích mắt lắm hơn, còn phong phú hơn, lại no nê cái cảm giác với những cây giống, con giống, cây cảnh, hoa tươi, đều đẫm mùi vị của cuộc sống nơi đồng ruộng, thôn ổ bao bọc quanh cuộc sống của mình.

***

Hai vợ chồng tôi giờ đã thành khách quen của quán bún trong chợ làng. Mỗi dịp về, khác với ở thành phố thức khuya dậy muộn, thì ở quê là ngủ sớm, ngủ sâu đẫy giấc, sáng ra sảng khoái, dậy sớm, hai vợ chồng dẫn nhau ra chợ. Đi xem chợ xong rồi sà vào một hàng nào đó, ăn sáng no nê, khi trả tiền thì bất ngờ là chỉ bằng tiền trả cho đánh một đôi giày trên phố.

Lần đi dự một trại viết, kể với mấy ông nhà văn đang ở thành phố, rằng: “Chợ làng tôi, ăn bát bún xương chỉ có năm ngàn đồng”. Các bác ấy cứ ngây ra, bảo tôi bịa. Một ông còn nói: “Giá thế thành ra như bán ở thiên đường à. Bát bún bán năm ngàn, không bõ công rửa bát?”.

Thì đây, bữa sáng hai người, hai bát bún mười ngàn, đĩa đậu phụ rán nóng hổi năm ngàn, tổng cổng lại là mười lăm ngàn. Ăn xong còn ngồi chán chê, chè xanh, thuốc lào, chuyện vãn đủ mọi thứ... Có người chạy đến mời quả chuối, người cho mấy múi mít, quả cam, quả ổi...

Ngồi ăn đấy, có người đến chào, rồi nắm tay: “Ông ơi, con đọc Mùa hạ khó quên của ông rồi. Vẫn còn giữ sách đấy”. Có bác khề khà, bảo: “Này, anh tán ra cái nguồn gốc món gỏi lòng Phú La của làng ta, không đâu có, để in báo, kể cũng uyên thâm đới”. Có cụ nhận họ với tôi: “Ông Phong là họ xa với nhà chồng tôi, phải gọi tôi bằng chị”… Đại loại, nhiều chuyện như thế... Lại còn được nghe kể khối những chuyện chỉ có ở làng nữa. Ngồi chợ làng mà biết đủ thông tin trong nước, quốc tế, cơ cấu bố trí nhân sự cấp cao thì đúng như thần, nói đâu trúng đó, thế có vui không cơ chứ!

***

Cái lão chủ quán bún xương ở chợ ấy, nói chuyện cuốn hút lắm. Ngày xưa, lão đi bộ đội, ăn nói có duyên, dáng vóc cao lớn, có bộ dạ tá đóng vào, đi đâu ai cũng tưởng sĩ quan cao cấp, chào hỏi cung kính. Lão từng làm chủ hôn đám cưới, chả cần soạn trước, nếu gia chủ vui vì kén mãi mới được dâu hiền rể thảo, bảo lão cứ nói cho dài cho hay, thì lão nói dài, hay ho, nếu bảo đám này vầy vậy thôi, thì lão nói ngắn, sao cho đủ lệ bộ, tịnh chả đám nào chê trách. Lão làm đủ nghề rồi mới yên vị chủ quán chợ làng gần hai chục năm nay.

Theo lão kể, đứng chân ở đây được lâu thế, không dễ! Cũng có xung đột, cũng phải biết ứng xử với nhiều kẻ tinh tướng, cũng lắm vấn đề… Nhưng cứ từ, chuẩn chỉ, mực thước, mềm nắn rắn buông cho nó hết nhẽ đi, rồi cũng đến lúc ổn. Lão chủ quán đưa ra một câu nhận định làm tôi nghĩ mãi: “Ở làng xã này cũng có vài thằng chẳng ra gì. Tôi từng xuôi Nam ngược Bắc, thì gặp tới cả ngàn thằng như thế. Còn anh, đã từng nước ngoài nước trong thì có khi thấy cả triệu thằng như thế ấy chứ. Thế mà mình vẫn ra gì, vẫn đàng hoàng thì còn sợ gì nữa, nhỉ?”.

Tôi nói lại với lão chuyện mấy ông nhà văn không tin giá bún, giá đậu rán ở đây. Lão thủng thẳng: “Có khối người bảo ăn bát bún năm ngàn của tôi, no quá, muốn mua bát ít hơn, ba ngàn thôi, tôi cũng bán. Có lần, mấy ông đại gia quê làng, có dịp về, quần cộc áo phông ra chợ, bảo tôi mua cái cổ hũ với đoạn phèo ngon nhất chợ cho vào luộc lên, ngồi uống rượu cả buổi. Xong xuôi, thanh toán, tôi bảo hết năm củ, liền móc ví đưa cho tôi tờ 500.000 đồng. Tôi bảo không đủ tiền trả, chỉ có năm mươi ngàn, chứ không phải năm trăm ngàn đâu, sao đưa tiền to ra thế! Mấy ông ấy tròn mắt, tưởng tôi nói đùa. Người từng ở làng này còn như thế, nữa là... Tốt nhất, hôm nào anh dẫn mấy ông nhà văn ấy về đây chơi đi!”.

***

Kể nhiều cái thích, cái vui chợ làng rồi, thì cũng nên kể đến cái tiếc, cái mong khi về chợ làng nữa. Chợ làng tôi, cũng như nhiều chợ làng khác trong vùng, còn đơn sơ, đôi khi nhếch nhác lắm. Bây giờ, chúng ta có điều kiện hơn trong đầu tư xây dựng nông thôn mới. Giá như chú trọng hơn chút nữa, đầu tư cho cái nơi họp chợ làng khang trang lên một chút thì hay biêt bao nhiêu. Mà cũng chỉ cần khang trang lên chút thôi, chứ đừng ngăn ô với xây lớn như chợ phố, thì thành ra không hợp. Chợ làng không chỉ là chợ, là nơi mua bán, trao đổi đơn thuần, nó còn là nơi lưu giữ và biểu hiện ra cái văn hóa, phong tục của mỗi miền quê, mỗi làng quê. Vậy thì y phục phải xứng kỳ đức một chút, phải khang trang lên một chút mà thực hiện cho tốt chức năng ấy.

Nếu được như thế, chợ làng còn hấp dẫn hơn, để những người làng đi làm ở phố, có dịp về quê, càng thích đến chợ làng. Như thế thì lại nâng lên giá trị thương mại, kinh tế và phát triển.

Còn với lớp người như tôi, đã đi công tác nhiều rồi, đã thấy đóng góp đủ rồi, có khi cũng thăng trầm lăn lóc quan trường mãi, chán rồi, thì nên nhanh chuyển về quê mà sống, khỏe re! Mình về quê thì để lại thành phố cho những người trẻ hơn họ sống, sẽ rộng rãi hơn đấy…

Tin mới lên