Tài chính

Chốt giá bán mỗi cổ phần Vinamilk ở mức 150.000 đồng, SCIC dự thu ít nhất 7.250 tỷ

(VNF) – SCIC chính thức chốt giá bán mỗi cổ phần VNM của Vinamilk ở mức 150.000 đồng. Với hơn 48 triệu cổ phần sắp đưa ra đấu giá sắp tới, SCIC dự kiến thu về ít nhất 7.250 tỷ đồng.

Chốt giá bán mỗi cổ phần Vinamilk ở mức 150.000 đồng, SCIC dự thu ít nhất 7.250 tỷ

Mỗi cổ phần của Vinamilk sẽ được Vinamilk bán đấu giá với giá khởi điểm 150.000 đồng

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ban hành quyết định số 94/QĐ-ĐTKVD.HĐTV về việc phê duyệt mức giá bán cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Theo đó, SCIC chính thức phê duyệt mức giá khởi điểm chào bán cạnh tranh 48.333.400 cổ phần (tương đương 3,33% vốn điều lệ) của Vinamilk do SCIC làm đại diện chủ sở hữu là 150.000 đồng/cổ phần. Giá bán cổ phần không thấp hơn mức giá khởi điểm trên và mức giá sàn tại ngày tổ chức chào bán cạnh tranh.

Như vậy, SCIC dự kiến thu về ít nhất 7.250 tỷ đồng từ đợt chào bán trên.

Phía SCIC cho biết, trong đợt chào bán sắp tới, số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu 20.000 cổ phần (khối lượng tối thiểu để thực hiện giao dịch thỏa thuận) và đăng ký mua tối đa 48.333.400 cổ phần. Bước khối lượng 10 cổ phần, bước giá 100 đồng.

Nhà đầu tư tham gia phải đặt cọc trước 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm.

Điểm khác biệt trong quy chế chào bán cổ phiếu VNM trong năm 2017 so với năm 2016 là nhà đầu tư chỉ phải chuẩn bị đúng 100% giá trị giao dịch do tiền đặt cọc/ký quỹ được trả về cho SCIC và khấu trừ trên tổng số tiền nhà đầu tư phải thanh toán (năm trước là 110% giá trị giao dịch trong các trường hợp giá trúng ngoài biên độ và nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ bằng USD, tiền ký quỹ chỉ được trả lại sau khi SCIC nhận đủ tiền thanh toán).

Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài được chậm nộp mã số giao dịch, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp; bổ sung hình thức đặt cọc bằng USD, ký quỹ được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được phép; cơ chế thanh toán nhà đầu tư chỉ phải chuẩn bị đúng 100% giá trị giao dịch.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, Nhà nước không e ngại việc nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền biểu quyết tại Vinamilk. Sau khi bán, SCIC vẫn giữ quyền biểu quyết các vấn đề quan trọng của Vinamilk thông qua 36% vốn sở hữu còn lại. Việc thoái tiếp hay không sẽ tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ.

Ông Chi cũng cho biết trong trường hợp bán không hết cổ phần của VNM thì phải chấp nhận tất cả các nguyên tắc của thị trường, bởi SCIC phải bảo đảm nguyên tắc người mua người bán gặp nhau.

Tin mới lên