Chu kỳ của cổ phiếu chứng khoán: Nước lên thuyền lên

Bằng Lai - 21/09/2023 09:55 (GMT+7)

(VNF) - “Chứng khoán là một ngành chu kỳ và khó để đầu tư dài hạn. Thông thường, chúng tôi sẽ lựa chọn giai đoạn thanh khoản có dấu hiệu cải thiện để đầu tư vào ngành này”, chuyên gia của TVI chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance.

VNF
Chu kỳ của cổ phiếu chứng khoán: Nước lên thuyền lên

Nước lên thuyền lên

Chứng khoán là một ngành có chu kỳ rõ nét khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán.

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Quốc Tuyển, Trưởng nhóm phân tích, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính TVI, cho hay từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp ngành chứng khoán đã có những giai đoạn tăng tốc về kết quả kinh doanh như 2009-2010, 2016-2018, 2020-2021. Đặc điểm chung của các giai đoạn này là thanh khoản thị trường chứng khoán tăng và các chỉ số chính tăng điểm. Tiêu biểu nhất là giai đoạn 2020-2021 vừa qua, dòng tiền lớn tìm đến thị trường chứng khoán và chỉ số VN-Index đã có lúc chạm đỉnh thời đại 1.500 điểm.

“Ngược lại, trong những giai đoạn thị trường giảm điểm, thanh khoản cũng giảm theo khiến ngành chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đây là đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam bởi nhà đầu tư (bao gồm cả công ty chứng khoán) chỉ có thể ghi nhận lợi nhuận khi cổ phiếu tăng giá. Khác với nhiều thị trường phát triển, các sản phẩm bán khống cổ phiếu được sử dụng, nhà đầu tư có thể kiếm lời ngay cả khi thị trường giảm điểm, nên kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán tại các thị trường này có tính ổn định hơn”, ông Tuyển cho biết.

Theo đại diện TVI, có 2 yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán nói chung và ngành chứng khoán nói riêng, tạo ra chu kỳ của ngành này, đó là dòng tiền và triển vọng kinh tế.

“Việc thị trường có dòng tiền mới tham gia và duy trì liên tục sẽ đẩy mức định giá của các doanh nghiệp lên, từ đó đưa thị trường chung đi vào xu hướng tăng điểm (uptrend). Như trong giai đoạn 2020-2021, một số phiên giao dịch có thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 2 tỷ USD/phiên. Đây cũng là giai đoạn mà các công ty chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục. Và khi dòng tiền rút dần khỏi thị trường, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng sụt giảm”, ông Tuyển dẫn chứng.

Chuyên gia này cho biết dòng tiền vào/ra khỏi thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân. Tuy nhiên trong dài hạn, tác nhân tác động mạnh nhất là lãi suất, điều này ngày càng rõ rệt kể từ năm 2020 đến nay.

Đối với yếu tố triển vọng kinh tế, theo ông Tuyển, thị trường chứng khoán trước nay vẫn được xem là “hàn thử biểu” của nền kinh tế và mức độ tương quan của thị trường chứng khoán và nền kinh tế ngày càng mật thiết khi các doanh nghiệp lớn lần lượt niêm yết. Đơn cử, trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022 thì có đến 7 doanh nghiệp niêm yết. Và về bản chất, các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức tham gia vào thị trường chứng khoán kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

Chiến lược nào khi đầu tư cổ phiếu ngành chứng khoán?

Đồng pha với chu kỳ lợi nhuận ngành chứng khoán cũng như chu kỳ của thị trường chứng khoán, cổ phiếu chứng khoán là loại cổ phiếu có chu kỳ rõ nét.

“Chứng khoán là một ngành chu kỳ và khó để đầu tư dài hạn. Thông thường, chúng tôi sẽ lựa chọn giai đoạn thanh khoản có dấu hiệu cải thiện để đầu tư vào ngành này. Chúng tôi nhận thấy ngành chứng khoán là ngành có tính cạnh tranh cao khi 10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất đã chiếm 70% thị phần. Trong khi khoảng 70 công ty còn lại chia nhau miếng bánh 30%. Vì vậy, trong giai đoạn thị trường cải thiện về thanh khoản, chúng tôi ưu tiên lựa chọn trong 10 công ty có thị phần lớn nhất. Bởi đây là những công ty có lợi thế cạnh tranh và duy trì được lợi thế trong nhiều năm”, đại diện TVI nêu quan điểm.

Chuyên gia này lưu ý thêm, các cổ phiếu nhóm chứng khoán thường sẽ có tính biến động (beta) cao hơn thị trường chung. Vậy nên nhà đầu tư cần tự xác định mức độ chịu đựng rủi ro của mình để phân bổ tỷ trọng danh mục khi đầu tư các cổ phiếu nhóm này.

Việc xác định vùng đáy và vùng đỉnh trong một chu kỳ luôn khó, tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu góp phần nhận biết các vùng này. Theo ông Tuyển, đáy dài hạn của ngành chứng khoán là giai đoạn các doanh nghiệp đồng loạt công bố kết quả kinh doanh xấu, tăng trưởng suy giảm không chỉ so với cùng kỳ năm trước mà so với quý trước đó. Ở giai đoạn này, các chính sách về vĩ mô bắt đầu đảo chiều, như lãi suất bắt đầu giảm và rất nhiều chính sách lúc này được ban hành để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù các chính sách chưa thể phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 1-2 quý gần nhất nhưng có thể nói là giai đoạn “không còn gì có thể xấu hơn”. Đối với thị trường chứng khoán, thị trường lúc này bắt đầu tăng điểm khi sự kỳ vọng được đặt cho các triển vọng hồi phục, nhiều cổ phiếu định giá rẻ bắt đầu được kéo lên. Thanh khoản thị trường cũng bắt đầu tăng lên một mức mới.

Ở giai đoạn đỉnh, các doanh nghiệp được định giá quá cao, nhiều cổ phiếu được kéo đến mức định giá cao lịch sử, thậm chí nhiều cổ phiếu không có triển vọng kinh doanh rõ ràng cũng được thị trường kéo lên một cách bất hợp lý. Thanh khoản lúc này ở mức rất cao. Trong những lần tạo đỉnh dài hạn của thị trường, thường sẽ đi kèm với chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất bắt đầu tăng và dòng tiền rút rất nhanh khỏi thị trường khiến nhiều cổ phiếu định giá cao và những cổ phiếu đầu cơ rơi mạnh.

Nhìn nhận về triển vọng của cổ phiếu chứng khoán Việt Nam, đại diện TVI cho rằng với việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất và duy trì ở mức này từ nay đến cuối năm, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán sẽ được cải thiện rõ rệt. Trước đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3/2023, thanh khoản thị trường chứng khoán liên tục được cải thiện.

Tuy nhiên, cổ phiếu ngành chứng khoán đã có mức tăng khá cao trong thời gian vừa qua, khiến cho định giá các công ty không còn rẻ. Vì vậy, phía TVI lưu ý rằng cổ phiếu nhóm này vẫn còn triển vọng tăng từ nay đến cuối năm nhưng dư địa tăng tùy thuộc vào dòng tiền trên thị trường.

“Về dài hạn, ngành chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng thế giới và được coi là kênh trụ cột để huy động vốn của nền kinh tế. Hiện tại mới có khoảng 7% dân số tham gia thị trường chứng khoán, thấp hơn các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển. Vì vậy, chúng tôi cho rằng về dài hạn, ngành chứng khoán nói chung và các cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành nói riêng sẽ còn nhiều triển vọng ít nhất 10 năm tới”, đại diện TVI nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác