Tài chính

Chủ tịch Lê Viết Hải: Những bước đường tái cấu trúc HBC và nỗ lực giữ việc cho 7.000 lao động

(VNF) - Đối diện một năm đầy khó khăn, thách thức, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), vừa phải nỗ lực duy trì công việc và thu nhập cho khoảng 7.000 nhân viên, vừa đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp để chuẩn bị cho chu kì phát triển mới.

Chủ tịch Lê Viết Hải: Những bước đường tái cấu trúc HBC và nỗ lực giữ việc cho 7.000 lao động

Chủ tịch HBC Lê Viết Hải

Một năm vật lộn

Là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, Hòa Bình đã có một “thập kỉ vàng” với tốc độ tăng trưởng doanh thu “siêu tốc”, cứ 5 năm lại tăng gấp 5 lần. Cụ thể, doanh thu năm 2008 là 696 tỷ đồng; năm 2013 tăng gấp 5 lần, lên 3.432 tỷ đồng; đến năm 2018 lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỷ đồng.

Năm 2019, dù thị trường khó khăn, Hòa Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 4% về doanh thu, đạt 18.822 tỷ đồng, qua đó trở thành doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam (xét theo doanh thu).

Tuy nhiên, đến năm 2020, với “cú đấm bồi” từ đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng đã chậm lại. Hòa Bình cũng không phải ngoại lệ khi doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5.410 tỷ đồng, giảm 67%; lãi trước thuế chỉ đạt 47 tỷ đồng, giảm 400% so với cùng kì năm trước.

Là doanh nghiệp có quy mô lớn với 6 công ty con trực tiếp, 15 công ty con gián tiếp, lãnh đạo Hòa Bình đã phải vật lộn để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn con người.

Dù vậy, nói với VietnamFinance, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết tập đoàn không có chủ trương cho người lao động nghỉ vì không sắp xếp được việc làm.

“Tinh thần chung là giữ lại cán bộ, công nhân viên, dù công việc không có nhiều. Chúng tôi đã áp dụng các giải pháp cơ bản gồm giảm giờ làm, giảm một số chế độ khen thưởng, trợ cấp, đảm bảo sao cho anh em có thu nhập để sống qua đại dịch. Điều quan trọng là chúng tôi tìm thêm việc cho anh em làm, trong khi tạm thời nghỉ công tác chuyên môn”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, dù khó khăn, tập đoàn vẫn cố gắng hỗ trợ cho những ai không đủ thu nhập để trang trải cuộc sống.

“Tất nhiên, nếu anh em tìm được việc khác tốt hơn, chúng tôi cũng đành để anh em nghỉ, cố gắng hết sức rồi nhưng cũng phải chấp nhận có vài trăm anh em rời tập đoàn. Tuy vậy, xét tổng quy mô nhân sự khoảng 7.000 người, số người nghỉ chỉ khoảng vài phần trăm”, ông Hải trải lòng.

Những bước đường tái cấu trúc

Chủ tịch Hòa Bình cho rằng đại dịch Covid-19 là một thách thức rất lớn song cũng là một cơ hội để tập đoàn tập trung vào công cuộc tái cấu trúc, nhằm chuẩn bị cho sự bứt phá ở giai đoạn tiếp theo.

Hiện, Hòa Bình đang trong quá trình “lột xác” để vươn ra quốc tế, sau khi đã trở thành “gã khổng lồ” của ngành xây dựng Việt Nam. Nội dung tái cấu trúc của Hòa Bình khá đa dạng nhưng tập trung vào các nhóm: tái cấu trúc dịch vụ, sản phẩm, thị trường; tái cấu trúc mô hình kinh doanh; tái cấu trúc tài chính; tái cấu trúc nhân sự; đầu tư nghiên cứu phát triển…

Cụ thể, đối với nhóm dịch vụ, sản phẩm và thị trường, năm 2020, trước sự chững lại của mảng xây dựng nhà ở dân dụng cao tầng, Hòa Bình đã phát triển thêm sản phẩm dịch vụ của mảng xây dựng công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Về trình độ phát triển, trải qua các vai thầu phụ, thầu chính, hiện tại Hòa Bình đang là tổng thầu thiết kế thi công (Design & Build) và nuôi tham vọng trở thành tổng thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction).

Về công nghệ, bên cạnh việc phát triển các hệ thống quản lý nội bộ, Hòa Bình đang mở rộng quy mô của ứng dụng mô hình BIM (Building Information Modeling) vào thiết kế, quản lý xây dựng. Hiện tỷ lệ dự án áp dụng BIM đã lên tới 30%.

Về thị trường, Hòa Bình đang dần vươn tay ra thị trường quốc tế, gồm cả xây dựng lẫn kinh doanh địa ốc. Cụ thể, về xây dựng, Hòa Bình đã thi công tại các thị trường Malaysia, Myanmar, Kuwait…; về kinh doanh địa ốc, Hòa Bình đang hợp tác với một đơn vị để triển khai dự án nhà ở cao tầng tại Canada.

Đối với việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh, Hòa Bình đang trù bị kế hoạch thoái vốn tại hàng loạt công ty con. Song song với đó, tập đoàn sẽ xem xét sáp nhập các công ty có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp. Hòa Bình cũng sẵn sàng tham gia liên kết với các công ty chuyên sâu khác để mở rộng lợi thế cạnh tranh.

Theo Chủ tịch Lê Viết Hải, vừa qua, Hòa Bình đã mua bán, sáp nhập thành công Công ty Cổ phần 479, chuyên ngành thi công xây dựng cầu đường, cảng sông, cảng biển, công trình thủy lợi ở Việt Nam, sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình.

Ngoài ra, Hòa Bình còn có kế hoạch mua một công ty tại Romania để biến đơn vị này thành công ty con. Nếu thành công, Hòa Bình sẽ trở thành công ty xây dựng số 1 tại Romania đồng thời nuôi tham vọng thành công ty xây dựng số 1 Đông Âu, xa hơn là định hướng xuất khẩu dịch vụ xây dựng sang các nước EU.

Đối với việc tái cấu trúc tài chính, Hòa Bình dự tính sẽ lấy nguồn từ việc thoái vốn khỏi các công ty con cộng thêm các nguồn lực khác để tài trợ cho hoạt động M&A.

Chủ tịch Hòa Bình cho biết trước đây tập đoàn thường tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu, nhưng nay sẽ chuyển sang phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Hiện, Hòa Bình đang từng bước cân đối nợ vay cả ngắn và dài hạn. Được biết nợ vay của Hòa Bình tại ngày 30/6/2020 đã lên tới hơn 5.000 tỷ đồng (ngắn hạn 4.939 tỷ đồng, dài hạn 165 tỷ đồng).

Đáng chú ý, thông qua hợp tác với Infinity Blockchain Group, Hòa Bình đã giới thiệu quỹ đầu tư Hòa Bình Infinity, mục tiêu là quản lý các nguồn quỹ, vốn và khởi tạo các công cụ quản lý tài chính hiệu quả theo đặc thù của ngành xây dựng để mở rộng kinh doanh và phát triển thị trường nước ngoài.

Về thu hồi nợ, Hòa Bình đã lập hẳn một ban chuyên môn đảm nhiệm công tác này do tổng giám đốc làm trưởng ban. Theo báo cáo hợp nhất 6 tháng, khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình là 10.611 tỷ đồng. Ông Lê Viết Hải kì vọng việc đôn đốc thu hồi nợ sẽ mang về cho tập đoàn “vài nghìn tỷ” để hoạt động kinh doanh.

Đối với việc đầu tư nghiên cứu phát triển, Hòa Bình đang chuẩn bị đầu tư trung tâm sáng tạo Hòa Bình tại khu công nghệ cao TP. HCM. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng cho biết sẵn sàng chi tiền để mua bản quyền sáng chế, công nghệ mới, vật liệu mới…

Những bước đường tái cấu trúc nói trên chắc chắn sẽ hao tốn một nguồn lực không hề nhỏ của Hòa Bình. Tuy vậy, đó gần như là con đường phải đi, khi phương thức cũ và các yếu tố nội tại không còn phù hợp trong tình hình mới, nhất là khi thị trường xây dựng trong nước đã chạm ngưỡng bão hòa.

Ông Lê Viết Hải tỏ ra khá tự tin khi nói về việc “đem chuông đi đánh xứ người”. Năm ngoái, nói với VietnamFinance, ông đã bày tỏ: “Tôi cho rằng nếu biết làm đúng cách, xây dựng sẽ là ngành có lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam và Việt Nam sẽ có thể trở thành một quốc gia nổi tiếng về xây dựng”.

“Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể đi ra thế giới…”, ông Hải nhấn mạnh thêm.

Tin mới lên