Chủ tịch Nguyễn Sơn chỉ ra sự khác biệt trong mô hình hoạt động mới của VSD

Thanh Long - 16/09/2021 09:55 (GMT+7)

(VNF) - Chia sẻ với VietnamFinance, Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn cho hay ngoài việc kế thừa các hoạt động của VSD đang thực hiện, dự thảo Quyết định thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam đã được bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty.

VNF
Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn

Như VietnamFinance đã đưa tin, Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo Quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) trên cơ sở sắp xếp lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Trên cơ sở báo cáo trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của VSDC.

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT VSD.

PV: Ông có thể chia sẻ vài nét về mô hình tổ chức hoạt động của VSD kể từ khi thành lập đến nay?

Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn: Trước đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán được thành lập theo Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg ngày 27/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị sự nghiệp có thu.

Triển khai thực hiện quy định của Luật Chứng khoán năm 2006, ngày 18/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động sang mô hình công ty TNHH Nhà nước một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước với mức vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành của VSD bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc gồm chi nhánh và các phòng/ban chuyên môn.

Với vị thế mới này, VSD đã nâng cao tính tự chủ về tài chính, tách biệt quản lý nhà nước với công tác điều hành, nâng cao vai trò trong quan hệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường và nhu cầu đổi mới công nghệ.

Từ năm 2008 đến nay, với mô hình hoạt động nêu trên, hoạt động đăng ký lưu ký, bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán và đặc biệt là hoạt động phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới tại VSD đã đạt được những bước tiến vượt bậc cả về lượng và chất.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ thanh toán và thực hiện quyền cho các cổ phiếu niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK), VSD đã tích cực mở rộng và thực hiện cung cấp các dịch vụ sau giao dịch cho các thị trường bao gồm: thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt, tín phiếu kho bạc, thị trường UPCoM, kết nối với Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện chuyển khoản TPCP để phục vụ giao dịch cho thị trưởng mở (OMO).

Cùng với đó là triển khai dịch vụ chuyển quyền sở hữu cho chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, dịch vụ evoting, đăng ký mã số giao dịch trực tuyến, dịch vụ vay và cho vay chứng khoán, dịch vụ cho các quỹ đầu tư chứng khoán, chuyển chức năng thanh toán tiền tiền giao dịch TPCP qua Ngân hàng Nhà nước, cung cấp dịch vụ bù trừ thanh toán cho các giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác trung tâm (CCP), cung cấp dịch vụ cho chứng quyền có bảo đảm (CW)...

Bên cạnh đó, VSD đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp tái cấu trúc tổ chức thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ giao dịch trên thị trường chứng khoán, mở rộng hội nhập và đẩy mạnh quan hệ quốc tế; chủ động triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới phục vụ thị trường.

Có thể nói, với mô hình hoạt động trên đây, VSD đã khẳng định được vai trò và vị thế là tổ chức duy nhất của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ sau giao dịch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo cho các dòng tiền và tài sản trên thị trường chứng khoán luôn chu chuyển nhịp nhàng, thông suốt, an toàn hiệu quả và bảo mật. Điều đó càng khẳng định vai trò không thể thiếu của VSD với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức của VSD theo Luật Chứng khoán năm 2006 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, cụ thể:

Về mô hình tổ chức, trong giai đoạn 2008-2020, VSD hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước trong khi bộ máy hoạt động của VSD theo Luật chứng khoán 2006 lại được quy định tương tự như công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Do vậy, trên thực tế, VSD gặp một số vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định liên quan đến 2 loại hình doanh nghiệp này (công ty TNHH một thành viên có HĐQT).

Về năng lực tài chính, vốn điều lệ của VSD hiện là 1.000 tỷ đồng. Mức vốn này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu phát triển dịch vụ/sản phẩm của VSD trong giai đoạn đầu phát triển khi quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ, các sản phẩm/dịch vụ còn chưa đa dạng và chưa có thị trường chứng khoán phái sinh cũng như chưa phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các giao dịch xuyên biên giới và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế tiền lương... của VSD.

Đó là những hạn chế, tồn tại chính trong mô hình hoạt động của VSD ở giai đoạn 2008-2020, các hạn chế, tồn tại nêu trên đã được khắc phục tại Luật Chứng khoán năm 2019, theo đó, VSD sẽ chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty với tên gọi mới là Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).

 - Mô hình hoạt động mới có gì khác biệt so với mô hình hiện tại của VSD, thưa ông?

Theo quy định của Luật chứng khoán năm 2019, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, VSD sẽ hoạt động theo mô hình Tổng công ty với tên gọi mới là Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

So với mô hình hiện tại, ngoài chức năng tổ chức thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoàn tất giao dịch chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết, việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty theo Luật chứng khoán năm 2019 sẽ giúp VSD nâng tầm vị thế, mở rộng hơn nữa khả năng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ giao dịch cho thị trường như triển khai chức năng đối tác trung tâm (Central Counterparty – CCP) cho không chỉ thị trường chứng khoán phái sinh mà cả thị trường chứng khoán cơ sở; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSDC theo yêu cầu của khách hàng thay vì việc khách hàng phải đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, cũng như mở rộng và hoàn thiện hệ thống thành viên của VSDC.

Theo dự thảo Quyết định thành lập VSDC, cơ cấu tổ chức sẽ bao gồm: Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các ban nghiệp vụ chuyên môn.

VSDC có nhiệm vụ chính sau đây:

Thứ nhất, ban hành các quy chế về đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán, quy chế thành viên của VSDC và các quy chế nghiệp vụ khác sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; xây dựng quy trình hoạt động và quản lý rủi ro cho từng nghiệp vụ.

Thứ hai, cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSDC theo yêu cầu của khách hàng; cung cấp dịch vụ khác quy định tại Điều lệ VSDC; thực hiện cấp mã chứng khoán trong nước và mã số định danh chứng khoán quốc tế cho các chứng khoán đăng ký tập trung tại VSDC; chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ đăng ký chứng khoán tại VSDC.

Thứ ba, giám sát hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; giám sát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của thành viên của VSDC.

Thứ tư, cung cấp thông tin và phối hợp với Sở GDCK Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động nghiệp vụ chứng khoán và cơ quan có thẩm quyền trong công tác điều tra, phòng, chống vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thứ năm, hoạt động vì lợi ích của người gửi chứng khoán, người sở hữu chứng khoán; bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, ngoài việc kế thừa các hoạt động của VSD hiện đang thực hiện, dự thảo Quyết định thành lập VSDC đã được bổ sung thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty.

- Để thực hiện chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty thì VSD đã có những chuẩn bị gì, thưa ông?

Ngay sau khi Luật Chứng khoán năm 2019 được ban hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo VSD đã phối hợp với các đơn vị để triển khai việc chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty, theo đó, VSD đã triển khai, hoàn thiện công tác đánh giá trong việc thực hiện Quyết định 171/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đưa ra các kiến nghị, đề xuất mô hình hoạt động của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo Luật Chứng khoán mới.

Song song, VSD đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VSDC cũng như xây dựng Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VSDC giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường thêm năng lực về tài chính để VSDC đảm bảo thực hiện phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.

Trên cơ sở các đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính đã chấp thuận phương án và đề xuất trong Quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của VSDC. Theo đó, vốn điều lệ của VSDC là 2.000 tỷ đồng và Tổng công ty được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của VSDC đã được công khai lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ ngành có liên quan và đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của VSDC được Thủ tướng ban hành sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD, góp phần vào việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.

Cùng chuyên mục
Tin khác