Tài chính quốc tế

Chủ tịch Tập Cận Bình: ‘Không quốc gia nào nên nằm trong thực đơn của nước khác’

(VNF) - Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia nên ngồi vào bàn đàm phán và không quốc gia nào nên “nằm trong thực đơn” của bất kỳ quốc gia nào khác.

Ngày 14/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thành phố Trùng Khánh - phía Tây Nam Trung Quốc, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Scholz tới Trung Quốc với tư cách thủ tướng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, nhà lãnh đạo Đức đã đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Trùng Khánh. Đi cùng ông có lãnh đạo các doanh nghiệp Đức, bao gồm hãng xe Mercedes-Benz, BMW...

"Trợ cấp công nghiệp là thông lệ trên thế giới"

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường để trao đổi một số vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, ông Scholz nhấn mạnh rằng các công ty Đức muốn tăng cường đầu tư vào Trung Quốc nhưng cần có các điều kiện thuận lợi hơn.

Ngày 14/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thành phố Trùng Khánh - phía Tây Nam Trung Quốc.

Trước đó, thủ tướng Đức đã kêu gọi các quan chức Trung Quốc giải quyết tình trạng dư thừa công suất và đối xử công bằng hơn với các công ty nước ngoài.

"Chúng tôi muốn nói đến việc tiếp cận thị trường bình đẳng và điều kiện cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và một hệ thống tư pháp đáng tin cậy. Chúng tôi muốn thực hiện những cải tiến cụ thể trên những lĩnh vực đó", ông Scholz nêu rõ.

Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc đã làm lệch thị trường theo hướng có lợi cho các công ty của họ một cách không công bằng và lập luận rằng sự hỗ trợ của nhà nước là tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO.

“Trợ cấp công nghiệp là một thông lệ trên thế giới và nhiều quốc gia có nhiều khoản trợ cấp hơn Trung Quốc”, ông Cường nói. Vị thủ tướng nhấn mạnh thêm rằng: “Sự dư thừa công suất phù hợp nhằm đảm bảo sự cạnh tranh toàn diện và sự sống còn của kẻ mạnh nhất".

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu và Mỹ đang gia tăng, dẫn đến mối đe dọa về các rào cản mới. EU đã tiến hành điều tra các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện và hỗ trợ cho điện gió, đồng thời sắp tiến hành cuộc điều tra về việc mua sắm thiết bị y tế.

Bloomberg New Energy Finance (BNEF) ước tính trong một báo cáo tháng 3 rằng các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư 469 tỷ USD vào sản xuất thiết bị năng lượng sạch dư thừa trong ba năm tới.

Mỹ đã đưa ra một loạt vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc vì bán phá giá các tấm pin mặt trời mà Washington cho rằng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng.

Theo BNEF, sản lượng pin và tấm pin mặt trời của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi nhu cầu toàn cầu trong vòng 2 đến 3 năm tới.

Làm phong phú thêm nguồn cung cho thị trường toàn cầu"

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Scholz, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng: “Việc xuất khẩu xe điện, pin lithium và các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã làm phong phú thêm nguồn cung cho thị trường toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát, đồng thời đóng góp lớn cho các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh”.

Thủ tướng Đức Scholz gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông cho rằng Trung Quốc và Đức nên xem xét vấn đề một cách “khách quan” và giải quyết nó từ góc độ thị trường. Ông cũng cảnh báo chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Trước đó, trong lần xuất hiện cùng ông Tập, ông Scholz khẳng định “cả Trung Quốc và Đức đều là những quốc gia thương mại được hưởng lợi lớn” từ việc trở thành thành viên của WTO.

“Chúng tôi cam kết tăng cường các quy tắc thương mại toàn cầu và phát triển chúng hơn nữa cùng với các thành viên WTO khác”, nhà lãnh đạp Đức nhấn mạnh thêm.

Mặc dù ông Scholz muốn giữ mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, nhưng ông tỏ ra quyết đoán hơn trước những lo lắng của đất nước so với người tiền nhiệm là bà Angela Merkel, người ưu tiên lợi ích kinh doanh.

Những lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc xuất hiện khi ông Tập dựa vào ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của quốc gia mình để phục hồi tăng trưởng kinh tế vốn đang phải đối mặt với những trở ngại từ cuộc khủng hoảng bất động sản, áp lực giảm phát và nhu cầu tiêu dùng mờ nhạt.

Trong cuộc thảo luận về cuộc chiến của Nga với Ukraine, ông Tập đã nhắc lại quan điểm đã được xác lập của Trung Quốc với ông Scholz. Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập cho hay “để ngăn chặn xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát, tất cả các bên nên hợp tác để khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt”.

Ông Tập cũng nói với ông Scholz rằng tất cả các quốc gia nên ngồi vào bàn đàm phán và không quốc gia nào nên “nằm trong thực đơn” của bất kỳ quốc gia nào khác.

Phái đoàn Đức coi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét nghiêm túc mối lo ngại của châu Âu về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Ông Tập trước đó đã ca ngợi tầm quan trọng của mối quan hệ Trung-Đức khi thế giới phải đối mặt với “ngày càng nhiều thách thức và rủi ro”. Ông cho rằng hai quốc gia nên “chung tay để tạo thêm sự chắc chắn” trên phạm vi quốc tế.

Xem thêm >> Sau công nghiệp xanh, EU lại ‘sờ gáy’ thiết bị y tế Trung Quốc

Tin mới lên