Bất động sản

Chủ tịch Vinalines: 'Đường thủy nội địa giúp giảm chi phí rất nhiều'

(VNF) - Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), giao thông đường thủy nội địa là hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

Chủ tịch Vinalines: 'Đường thủy nội địa giúp giảm chi phí rất nhiều'

Gỡ ‘nút thắt’ hạ tầng phát triển logistics

Theo ông Lê Anh Sơn, giao thông bằng đường thủy nội địa giúp giảm chi phí rất nhiều, cụ thể tuyến Hải Phòng - Việt Trì giảm 1/3 chi phí so với đường bộ; tuyến cảng Cái Lân - Hải Phòng chỉ bằng 1/5 chi phí đường bộ... 

“Chúng tôi là nhà vận tải và khai thác cảng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt có cảng Nước Sâu, cảng khu Cái Mép - Thị Vải. Tại cảng Cái Mép - Thị Vải, chúng tôi đón siêu tàu trọng tải 200.000 tấn và là một trong 19 cảng trên toàn cầu đón được loại tàu này. Nếu thiếu sự kết nối của đường thủy nội địa thì sẽ gây tắc nghẽn toàn diện và tổn thất về mặt kinh tế vô cùng lớn. Đối với vận chuyển hành khách, tiềm năng vẫn chưa khai phá được, vẫn đang tổ chức manh mún”, Chủ tịch Vinalines đánh giá.

Vừa qua, TP. HCM đã tổ chức hệ thống taxi nước nhưng chỉ hạn hẹp ở một số điểm. Hiện nay, Vinalines đang vận chuyển cán bộ công nhân viên từ TP. HCM xuống các cảng khu vực Cái Mép bằng 2 đường chính nhưng đường thủy nội địa vẫn đang hạn chế phát triển và chưa có phương tiện nào phù hợp.

"Khi sang thăm nước ngoài, phương tiện đi lại của họ không tạo sóng nhiều, vừa đi trên đường thủy lại có thể đi trên bộ, tôi nghĩ đó cũng là giải pháp rất hay để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông đang nhức nhối tại khu vực miền Nam”, ông Sơn kiến nghị.

“Có những đối tác cần chúng tôi triển khai, thiết lập cái mới, giảm giá thành cạnh tranh với đường bộ nhưng chúng tôi lại không thể tìm được đất. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn chậm trễ, khiến gia tăng chi phí vận tải, gia tăng chi phí logistics”, Chủ tịch Vinalines nói thêm.

Vị lãnh đạo này cũng chỉ ra rằng thói quen của người sử dụng là muốn sử dụng ô tô đi cho nhanh, trong khi tại cảng đường thủy nội địa phải có tuyến, có những nơi không có tuyến thì phải chạy lòng vòng. Vì vậy, cần phải quy hoạch rõ ràng và quy hoạch phải đi trước nhưng hiện nay chúng ta vẫn vướng một vấn đề là quy hoạch luôn đi sau phát triển kinh tế, luôn đi sau nhu cầu của thị trường.

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam, có 3 lý do cần phát triển loại hình này. Thứ nhất, vận chuyển đường thủy có ưu điểm là có thể vận chuyển với khối lượng rất lớn. 1 sà lan nhỏ cũng có thể vận chuyển bằng 25 xe tải, 1 sà lan cũng có thể chở được 30 container.

Thứ hai, giá vận tải thủy thông thường chỉ bằng 1/2  - 1/3  giá của vận tải đường bộ. Điều  này giúp giảm giá thành vận tải.

Thứ ba, để phát triển kinh tế bền vững thì vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông được đặt lên hàng đầu. Vận tải thủy nội địa rác thải CO2 rất thấp, tỉ lệ số người bị tử vong, bị thương trên 1 tấn hàng hóa vận chuyển cũng rất thấp.

>>> Xem thêm: ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Nhân lực và tài chính là điểm nghẽn trong giao thông đường thủy nội địa

"Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số hoạt động logistics Việt Nam xếp thứ 39 trên 160 nước tham gia điều tra, tăng 20 bậc so với hạng 64 của năm 2017. Ở khu vực ASEAN, chúng ta xếp thứ 3 sau Singapore, Thái Lan, trên cả Indonesia, Malaysia, Philippine và các nước khác.

Về vận tải những năm qua chúng ta phát triển với tốc độ tốt, năm 2017 sản lượng vận tải tăng 9,8%, vận tải hành khách tăng 11%, 10 tháng đầu năm 2018 tăng tương tự.

Về đường thủy nội địa, ngành giao thông vận tải hết sức quan tâm, trước hết là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội đã thông qua Luật Giao thông đường thủy nội địa từ 2004 đến 2014 có sửa đổi bổ sung. Chính phủ đã ban hành những văn bản hướng dẫn và Bộ GTVT nhiều lần điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa….

Đó là sự quan tâm lớn tuy nhiên đầu tư chưa đồng bộ, giai đoạn 2011 - 2015 cơ cấu tỷ trọng đầu tư đường bộ chiếm đến hơn 70%, đường sắt là 15%, đường thủy nội địa 2%, hàng hải 4,6% và hàng không là 7,6%. Rõ ràng đường thủy nội địa có tiềm năng nhưng được đầu tư ít nhất. Trong thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa cho đường thủy nội địa".

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải

Tin mới lên