Bất động sản

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Nhân lực và tài chính là điểm nghẽn trong giao thông đường thủy nội địa

(VNF) - Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bến Tre, nguồn nhân lực và nguồn đầu tư tài chính sẽ quyết định sự thành công của hệ thống đường thủy nội địa.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Nhân lực và tài chính là điểm nghẽn trong giao thông đường thủy nội địa

nguồn nhân lực và nguồn đầu tư tài chính sẽ quyết định sự thành công của hệ thống đường thủy nội địa.

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Tháo điểm nghẽn - khơi thông đường thủy nội địa” vào chiều 2/11, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua nghiên cứu hệ thống chính sách phát triển giao thông đường thủy nội địa có thể thấy nhận thức về lĩnh vực này chưa cao, trong đó có nhận thức chính trị và nhận thức kinh tế - xã hội.

“Chúng ta đang thiếu một quy hoạch theo chiều sâu và quy hoạch tổng thể. Vì thế, dẫn đến việc không có được cơ chế để đầu tư và các mức đầu tư, huy động các nguồn trong nước và ngoài nước, huy động cả vốn ngân sách và vốn xã hội cho lĩnh vực này. Chúng ta cũng không có chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề sâu trong lĩnh vực này”, ông Nhưỡng đánh giá.

Cũng theo ông Nhưỡng, khi nghiên cứu về hệ thống chính sách nhận thấy nhiều vấn đề. Cụ thể, trước đây Chính phủ có Quyết định 16/2000/QĐ-TTg về việc quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sông đến năm 2020. Đến năm 2008, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định 13/2008/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển tổng thế để phát triển đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020. Như vậy, có một sự đổi mới từ phát triển giao thông vận tải đường sông đến phát triển đường thủy nội địa.

Đến năm 2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 355/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

“Lúc này, chúng ta đã thu lại toàn bộ hệ thống giao thông vận tải vào một chiến lược phát triển chung trong đó có đường thủy, đường sông, đường biển... Và gần đây nhất có Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 định hướng đến năm 2030”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng cần có một quy định chung, ví dụ có một đạo luật về giao thông vận tải chung, sau đó sẽ có các Nghị định, Quyết định để phê duyệt về từng loại hình vận tải đường sắt, vận tải đường sông, đường biển, đường bộ...

“Hiện nay chúng ta xây dựng luật đường sắt, luật hàng không, luật hàng hải nhưng lại chưa có luật đường sông, cần làm thế nào để mỗi lĩnh vực có một chiến lược phát triển riêng. Nếu chúng ta không có được chiến lược phát triển thì chúng ta sẽ rất khó để nhìn nhận, đánh giá các vấn đề để có thể chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương”, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu quan điểm.

Liên quan đến việc tồn tại nhiều điểm nghẽn khiến cho phát triển giao thông thủy nội địa chậm trễ, ông Nhưỡng cho rằng cần gỡ nút thắt về nguồn tài chính đầu tư và nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược phát triển hệ thống đường thủy nội địa.

“Nếu chúng ta có nguồn nhân lực và nguồn đầu tư tài chính thì sẽ quyết định được hệ thống đường thủy nội địa”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho hay điểm lại trong chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 47/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa nhưng chính sách ưu tiên cho tư nhân tham gia ở đây vẫn còn hạn chế, chưa thực sự khiến doanh nghiệp tư nhân cảm thấy hứng thú.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa phát biểu tại tọa đàm.

Ông Giang viện dẫn, nhiều năm nay điểm nghẽn Cầu Đuống nhưng chưa có nguồn lực để tháo gỡ, cùng với đó hệ thống luồng tuyến hiện đang mò mẫm do kinh phí duy tu, quản lý hàng năm chưa đủ. Hệ thống phao tiêu, báo hiệu, biển báo chưa có đầy đủ. Tại sông Hồng vào ban đêm, đứng trên cầu Nhật Tân sẽ không thấy có phương tiện thủy địa, thiếu đèn báo hiệu khiến tàu bè không đi lại được.

“Về cảng bến, Việt Nam có khoảng 8.000 bến, nhưng manh mún, nhỏ lẻ, chưa có phương tiện bốc xếp container, dùng nhân lực là chính. Ở phía Bắc, hầu như các cảng bến đều nằm ngoài đê, khi lũ lụt tải trọng vận chuyển hàng hóa qua thân đê bị hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống doanh nghiệp, nhân lực rất yếu, chúng ta có khoảng 15.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn kinh doanh cá thể, sinh sống trên tàu luôn chứ chưa có quy mô lớn”, ông Giang phân tích.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho rằng, vận tải thủy nội địa bản chất là không đi từ cửa đến cửa, không đi từ nhà máy đến người tiêu dùng mà chỉ đi từ bến thủy nội địa này đến bến thủy nội địa kia. Do vậy, vận tải thủy nội địa đến nay chưa có quan tâm được.

Tin mới lên