Tiêu điểm

‘Chưa bao giờ số cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Việt Nam lại tăng nhanh như vậy’

(VNF) – Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, cho hay năm 2019 đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của những xung đột thương mại giữa Việt Nam, các doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác trên thế giới.

‘Chưa bao giờ số cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Việt Nam lại tăng nhanh như vậy’

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Chưa hình thành được ngành công nghiệp mũi nhọn

Sáng nay (27/12), Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận trong thời gian qua, dù đã đạt được nhiều tiến bộ tuy nhiên quá trình tái cơ cấu các ngành công nghiệp vẫn chưa đạt được tiến độ và chưa tạo dựng được nền tảng để hướng tới sự phát triển bền vững.

“Tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp còn diễn ra chậm, chưa thực sự hình thành được ngành công nghiệp mũi nhọn và có vai trò dẫn dắt cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cũng nhận xét Việt Nam có rất nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn làm nền tảng, cơ sở tiền đề để tạo điều kiện phát triển cụm công nghiệp chế biến, chế tạo của công nghiệp cơ bản nhưng bản thân các ngành công nghiệp này lại cũng chưa tạo dựng được nền tảng bền vững và tốc độ tăng trưởng của chính mình.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dù đã đạt được thành tích kim ngạch hai chiều vượt 500 tỷ USD và xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa đạt được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đòi hỏi ngành phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh “bão mậu dịch” đang diễn biến phức tạp, làm cản trở quá trình thương mại hóa toàn cầu.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương là phải phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, làm cơ sở cho sự phát triển của thương mại quốc tế.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được ông Tuấn Anh nêu ra là ngành Công Thương phải đạt được chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình nâng cao năng suất và chất lượng của nền kinh tế, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quá trình chuyển đổi số.

“Sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số làm gia tăng nhanh quy mô thị trường trên không gian mạng, tạo môi trường rộng lớn hơn cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển.

“Đó cũng là những nội dung lớn trong các chính sách khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang được Chính phủ tập trung mạnh mẽ, cần những nội hàm, nội dung cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thương mại trong vai trò quản lý nhà nước của ngành Công Thương”, ông Tuấn Anh nói.

Chưa khi nào số lượng các cuộc điều tra tăng nhanh như vậy

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhiệm vụ quan trọng thứ 3 của ngành Công Thương trong năm 2020 là bảo vệ những lợi ích chính đáng và phù hợp với khuôn pháp quốc tế, cam kết hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Tuấn Anh nhận xét năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng rất nhanh chóng của xung đột thương mại. “Chưa bao giờ chúng ta thấy số lượng các cuộc điều tra về chống buôn lậu, chống bán phá giá cũng như các tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam ở trên thị trường quốc tế lại tăng nhanh như vậy”.

Vì vậy, ông Tuấn Anh đề nghị cơ quan thực thi về các biện pháp phòng chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại phải phát huy các cơ chế phối hợp cũng như có những biện pháp rất cụ thể để tạo ra sự tương tác và kết dính chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong nước với các đối tác quốc tế ở trong khu vực và quốc tế.

Về công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh, người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay Bộ đã hoàn thành giai đoạn 2 trong năm 2019 và cam kết sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ trong năm 2020.

Ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình cắt giảm thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành.

“Chắc chắn trong năm 2020, mỗi đơn vị trong Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, có biện pháp cụ thể để cắt giảm thủ tục để kiểm tra/chuyển giao liên ngành/chuyên ngành không còn cản trở doanh nghiệp”, ông Tuấn nói và hứa sẽ tiếp tục đưa các dịch vụ công của ngành Công Thương lên Cổng dịch vụ công quốc gia và nâng cấp các dịch vụ công lên cấp độ 3, 4…

Tin mới lên