Chưa có cơ chế chính thức, ngân hàng vẫn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp

Vân Linh - 10/03/2020 08:04 (GMT+7)

Ngân hàng đang chờ văn bản hướng dẫn chi tiết trong dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19.

VNF
(Ảnh minh họa)

Phó tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho hay, ngân hàng ông đang thống kê con số dư nợ của khách hàng thiệt hại bởi dịch để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết trong dự thảo thông tư của NHNN để làm cơ sở hỗ trợ.

Điều này càng được các ngân hàng có vốn nhà nước quan tâm nhiều hơn để tránh những phát sinh không mong muốn sau này. Các ngân hàng cho hay, dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngày càng tăng, song vẫn sẵn sàng giảm lãi vay cho khách hàng.

Chẳng hạn, tại Viet Capital Bank, khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng, nên giai đoạn này Ngân hàng quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là cho vay mới.

Với Eximbank, trong 3 tuần đầu tháng 2/2020, ngân hàng này đã xác định hơn 4.000 tỷ đồng dư nợ cho vay thuộc nhóm khách hàng bị ảnh hưởng ở các ngành hàng không, du lịch, khách sạn.

Song, việc dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng sang nhiều ngành nghề khác nên có thể đẩy dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch tại Eximbank lên gấp đôi.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo lên NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,27% trên tổng dư nợ của các TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó nhiều ngành chịu ảnh hưởng lớn như nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Trước đó, nhiều TCTD đã có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đơn cử, Eximbank đã giảm thêm lãi vay 0,5-1%/năm tùy theo đối tượng khách hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp.

OCB “gỡ khó mùa dịch” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cho vay tín chấp đến 1 tỷ đồng, hoặc vay bổ sung vốn lưu động với tỷ lệ cho vay lên đến 85% giá trị tài sản bảo đảm với điều kiện xét tín dụng mở hơn.

Nam A Bank triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona”, với lãi suất giảm thêm 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với các loại tiền VND, USD.

Cùng chung tay, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Chiều ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng giao NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng); chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2019; tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công; trình ngay Thủ tướng quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).

Xem thêm >> Chủ tịch UBCKNN mong nhà đầu tư tin vào nội lực nền kinh tế, tránh bán tháo không cần thiết

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác