Tài chính quốc tế

Chứng khoán Mỹ quay lại đà bán tháo, Dow Jones có lúc 'rơi' hơn 800 điểm

(VNF) - Các chỉ số trung bình chính của Phố Wall đã giảm vào phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/12) với mức giảm 2% của Nasdaq Composite, còn Dow Jones có lúc mất hơn 800 điểm.

Chứng khoán Mỹ quay lại đà bán tháo, Dow Jones có lúc 'rơi' hơn 800 điểm

Sau 2 phiên tăng liên tiếp, chứng khoán Mỹ đã quay lại đà giảm trong phiên 22/12.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 348,99 điểm, tương đương 1,05%, xuống 33.027,49. Có thời điểm, chỉ số này đã giảm tới 803,05 điểm trước đó trong phiên. 

S&P 500 giảm 1,45%, tương đương 56,05 điểm, xuống 3.822,39. Trong khi đó, Nasdaq Composite mất 233,25 điểm, hay 2,18%, xuống mức 10.476,12. 

Sự sụt giảm này diễn ra sau đợt phục hồi 526 điểm của chỉ số Dow vào thứ Tư (21/12) sau những báo cáo thu nhập tốt hơn mong đợi từ Nike và FedEx, cũng như dữ liệu tâm lý người tiêu dùng mạnh mẽ cho tháng 12. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,49% và 1,54% vào phiên giao dịch trước đó.

Tuy nhiên, việc bán ra đã quay trở lại vào thứ Năm khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa từ các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Cổ phiếu công nghệ nằm trong số những cổ phiếu thua lỗ hàng đầu, với các công ty bán dẫn như Lam Research
và Advanced Micro Devices lần lượt giảm gần 8,7% và 5,6%.

Cổ phiếu Tesla đã giảm gần 8,9% trong ngày sau khi nhà sản xuất ô tô bắt đầu giảm giá 7.500 USD cho một số mẫu xe tại Mỹ trong tháng này, làm tăng thêm mối lo ngại của nhà đầu tư về nhu cầu ô tô điện đang chậm lại.

Cổ phiếu CarMax giảm khoảng 3,7% sau khi nhà bán lẻ ô tô đã qua sử dụng không đạt kỳ vọng về lợi nhuận và doanh thu. Cổ phiếu của Micron Technology giảm 3,4% do kết quả hàng quý đáng thất vọng, được công bố vào cuối ngày thứ Tư. Cổ phiếu của AMC Entertainment Holdings giảm 7,4% sau khi chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ huy động được 110 triệu USD thông qua bán cổ phiếu ưu đãi.

Tổn thất ở các cổ phiếu tăng trưởng nhạy cảm với lãi suất khiến các chỉ số công nghệ (.SPLRCT) và tiêu dùng tùy ý (.SPLRCD) bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 11 ngành của S&P 500 (.SPX).

Cho đến tháng 12, chỉ số Dow đã giảm 4,5%, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 6,3% và 8,7%. Cả ba chỉ số trung bình chính đều được dự kiến ​​sẽ phá vỡ chuỗi 3 năm liên tục tăng và ghi nhận hiệu suất hàng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008, thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế.

David Tepper, người sáng lập Appaloosa Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Squawk Box ” của CNBC hôm 22/12: “Tôi không mấy phụ thuộc vào thị trường chứng khoán. Đối với tôi, xu hướng tăng/giảm không có ý nghĩa gì khi có quá nhiều ngân hảng trung ương cho tôi biết họ sẽ làm gì".

Xem thêm >> Phố Wall 'hồi sức', Dow Jones tăng hơn 500 điểm nhờ loạt thông tin tích cực

Tin mới lên