Chứng khoán Phố Wall báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp

Minh Ý - 01/10/2022 08:18 (GMT+7)

(VNF) - Trong 9 tháng đầu năm 2022, Phố Wall đã trải qua 3 quý sụt giảm liên tiếp, ghi nhận chuỗi giảm dài nhất đối với S&P và Nasdaq kể từ năm 2008 và là đợt sụt giảm hàng quý dài nhất của chỉ số công nghiệp Dow Jones trong 7 năm.

VNF
Chứng khoán Mỹ giảm quý thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm nay.

Vào ngày cuối cùng của quý III, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,51% xuống 3.585,62, kết thúc tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, với ít nhất 53 cổ phiếu chạm mức thấp nhất trong 52 tuần trong phiên giao dịch chiều 30/9.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa dưới 29.000 lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Chỉ số này giảm 500,10 điểm, tương đương 1,71%, xuống 28.725,51. Nasdaq Composite thấp hơn 1,51%, kết thúc ngày ở mức 10.575,62.

Trong tháng 9, chỉ số Dow giảm 9,26%, trong khi S&P 500 giảm 9,6%. Nasdaq mất 10,26%.

Chín tháng năm 2022, Phố Wall đã trải qua ba quý giảm liên tiếp, đây là chuỗi giảm dài nhất đối với S&P 500 và Nasdaq kể từ năm 2008 và là đợt sụt giảm hàng quý dài nhất của Dow trong 7 năm, theo Reuters.

Từ đầu năm tới nay, Dow Jones đã giảm 21,48%, S&P giảm 25%, trong khi Nasdaq ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên tới hơn 33%.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, bất động sản (.SPLRCR) là ngành tăng điểm duy nhất, trong khi tiện ích (.SPLRCU) và công nghệ (.SPLRCT) chịu mức giảm tỷ lệ phần trăm lớn nhất, với những đại diện tiêu biểu là Apple, Microsoft, Amazon và Nike.

Các nhà phân tích hiện nhận thấy mức tăng trưởng thu nhập hàng năm của S&P 500 là 4,5%, giảm so với mức ước tính 11,1% khi quý bắt đầu.

Việc chứng khoán Phố Wall báo lỗ 3 quý liên tiếp phản ánh thị trường đầy biến động từ đầu năm tới nay với mức với lạm phát nóng trong lịch sử, lãi suất tăng cao liên tiếp và lo ngại suy thoái kinh tế.

Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm “chao đảo” thị trường bằng cách khởi xướng một loạt các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ trong nhiều thập kỷ nhằm kiềm chế lạm phát cao, khiến nhiều người tham gia thị trường bắt đầu chú ý đến các dữ liệu kinh tế quan trọng để nhận biết các dấu hiệu về một cuộc suy thoái đang rình rập.

Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại Carson Group ở Omaha, Nebraska, cho biết: “Việc nhận ra rằng Fed đang làm bất cứ điều gì có thể để chống lại lạm phát cao kéo dài 40 năm khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng họ sẽ đẩy nền kinh tế đến bờ vực và suy thoái”.

Theo ông Zachary Hill, người đứng đầu của quản lý danh mục đầu tư tại Horizon Investments, việc Fed giữ mức lãi suất ngày càng cao trong thời gian dài đã khiến môi trường trở nên khắc nghiệt hơn với cả cổ phiếu và thu nhập cố định. Ông Hill cũng nhận định thị trường có nhiều khả năng tiếp tục biến động xấu khi bước vào mùa thu nhập mới.

Một báo cáo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang công bố hôm 30/6 cho thấy giá tiếp tục tăng với tốc độ nhanh, qua đó, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm lạm phát, nói rằng ngân hàng trung ương “cam kết tránh kéo lùi sớm” chính sách tiền tệ hạn chế.

Xem thêm >> Chứng khoán châu Á trải qua tháng tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác