Tiêu điểm

'Chương trình phục hồi kinh tế giải ngân chậm, chỉ đạt 16% sau 8 tháng'

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, từ đầu năm đến nay, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã giải ngân hơn 55.000 tỷ đồng.

'Chương trình phục hồi kinh tế giải ngân chậm, chỉ đạt 16% sau 8 tháng'

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, đã có trên 55.500 tỷ đồng được giải ngân.

Cụ thể, giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 23/8/2022 đạt 10.073 tỷ đồng; giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 02/9/2022 đạt khoảng 3.045 tỷ đồng, cho gần 4,54 triệu người lao động.

Trong khi đó, giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tính đến hết tháng 8/2022 đạt 13,5 tỷ đồng.

Khoản giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng. Gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình triển khai chương trình, ông Dũng nói rằn  hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện “chưa được như kỳ vọng”.

Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, ông Dũng cho biết chủ yếu do chênh lệch giữa số liệu tại thời điểm xây dựng chính sách và triển khai thực tế; đồng thời, trình tự, thủ tục xác nhận, giải ngân còn phức tạp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chưa quyết liệt.

“Trong khi đó, việc cho vay chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội gặp một số khó khăn; không chỉ huy động nguồn vốn cho vay gặp nhiều khó khăn, mà còn có sự lệch pha giữa nhu cầu và kế hoạch cho vay của các chương trình tín dụng; chưa kể, một số thông tư hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc.

"Việc hỗ trợ lãi suất 2% cũng còn hạn chế, chủ yếu do khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn ngần ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán chi phí; cần xây dựng hệ thống theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu. Các khách hàng cũng có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, với hợp phần quan trọng nhất của chương trình là phân bổ phân bổ vốn chi đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình; đồng thời, tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp bất thường ngày 29/8/2022.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình còn chậm. Tính đến ngày 27/8/2022, vẫn còn 3 bộ và 57 địa phương chưa báo cáo. Để đôn đốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hai lần có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đối với danh mục nhiệm vụ, dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư dự án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn.

“Cần chủ động về nhân công, mặt bằng, mỏ nguyên vật liệu… để sẵn sàng thực hiện và giải ngân đồng thời xem xét áp dụng các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, với danh mục dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư đúng thời hạn yêu cầu, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tin mới lên