Tiêu điểm

'Bộ Y tế luôn đứng tốp đầu chậm giải ngân vốn đầu tư công'

(VNF) - Đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1, 2 năm mà diễn ra cả giai đoạn.

'Bộ Y tế luôn đứng tốp đầu chậm giải ngân vốn đầu tư công'

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Quốc hội

Ngày 8/8, đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm tổ trưởng đã làm việc với Bộ Y tế và có báo cáo kết quả rà soát về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Báo cáo của tổ công tác khẳng định, báo cáo của Bộ Y tế gửi đoàn giám sát còn chậm, chưa bảo đảm thời hạn theo yêu cầu của đoàn giám sát; nhiều nội dung, thông tin, số liệu chưa báo cáo đầy đủ theo yêu cầu. Tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, kit test COVID-19. Nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng tài sản công, chưa kiểm soát được hết tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu. Một số cán bộ chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn. Bộ Y tế luôn đứng tốp đầu của tốp chậm giải ngân vốn đầu tư công. 

Theo bà Mai, khi phân bổ nguồn lực, có 2 lĩnh vực được quan tâm là y tế và giáo dục nhưng khi được phân bổ tỷ lệ giải ngân tại ngành Y tế thấp sẽ gây lãng phí rất lớn.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, với 12 ý kiến phát biểu về 49 vấn đề, các thành viên đoàn giám sát đã góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng. Trong đó, nhiều đại biểu chia sẻ với Bộ Y tế đã trải qua "cơn địa chấn" lớn cả về công tác phòng chống dịch bệnh và công việc nội bộ.

Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của nhân dân trong đó có cán bộ nhân viên ngành y. Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc (6 tháng năm 2022 gần 10 nghìn viên chức y tế trong bệnh viện công xin thôi việc) là thực trạng đáng quan tâm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm.

Sau buổi này giám sát này, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của tổ công tác, các thành viên đoàn giám sát;

Từ góc nhìn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá kết quả những việc đã làm được; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục.

Tin mới lên