Ngân hàng

Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Thực trạng và kiến nghị

(VNF) - Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, nền kinh tế internet của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025. Đây là kết quả bước đầu của chuyển đổi số nền kinh tế trong thời gian qua, trong đó, không thể không nhắc đến kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng, nhất là từ năm 2020 khi được xác định là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Thực trạng và kiến nghị

Ngày 4/8/2022, ngành ngân hàng là một trong những ngành đầu tiên công bố lựa chọn “Ngày Chuyển đổi số” là ngày 11/5 hằng năm, điều này giúp lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Bài viết sau đây sẽ tập trung đánh giá thực trạng hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng thời gian qua thông qua việc nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, thách thức – tồn tại và kiến nghị giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng một cách hiệu quả, bền vững thời gian tới.

Tiến trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam

Tiến trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện khá đồng bộ, từ cơ quan quản lý đến bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD), đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:

a) Hành động của cơ quan quản lý:

Một là, tạo lập hành lang pháp lý: NHNN vạch ra các chiến lược, định hướng chuyển đổi số của toàn ngành ngân hàng. Theo đó, NHNN đã có Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, Quyết định số 260/QĐ-NHNN ngày 04/3/2021 ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của NHNN Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 03/11/2022 phê duyệt “Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 - 2025”...v.v.

Theo đó, Quyết định 810/QĐ-NHNN đã đề ra chi tiết lộ trình để đạt được các mục tiêu theo từng đối tượng cụ thể như: đến năm 2025, 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của NHNN được xác thực điện tử...v.v. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%; chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 70%...v.v.

Hai là, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của ngành. Theo đó, NHNN đã nghiên cứu ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng như: (i) Ban hành và hướng dẫn triển khai việc mở tài khoản, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử eKYC; (ii) Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; (iii) Xây dựng và trình Chính phủ 2 Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng;…v.v. Theo đó, khung pháp lý về Fintech tập trung chủ yếu vào hoạt động thanh toán của các công ty Fintech, tuy nhiên, vẫn chưa quản lý, điều chỉnh bản chất của các hoạt động Fintech còn lại như tư vấn đầu tư tự động, chuyển tiền xuyên biên giới; cho vay ngang hàng; huy động vốn cộng đồng…v.v.

Ba là, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao khả năng xử lý dữ liệu: Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) – đơn vị trực thuộc của NHNN cũng chủ động xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ mới để nâng cao khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động; thực hiện thu thập và cập nhật dữ liệu trong ngành; mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành và khoảng 50 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng; mở rộng thu thập dữ liệu từ các tổ chức bán lẻ để nâng cao điểm chiều sâu thông tin tín dụng và độ phủ thông tin. NHNN đã phối hợp với Bộ Công an ký thỏa thuận xác thực 51 triệu dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng để làm sạch dữ liệu.

Bước đầu phối hợp triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, NHNN đã kết nối kỹ thuật trên môi trường thử nghiệm với 4 dịch vụ (dịch vụ xác thực công dân; xác nhận thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin công dân; gợi ý số định danh cá nhân từ căn cứ công dân) do Bộ Công an cung cấp và đang làm thủ tục đề nghị kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống trước khi kết nối chính thức. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an thử nghiệm thành công một số giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ ngân hàng như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; (iii) Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành… Các ngân hàng cũng đang phối hợp với Bộ Công An nghiên cứu triển khai phương án kết nối khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử (VneID) để xác minh khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ đánh giá khách hàng trong cấp tín dụng cá nhân, nhỏ lẻ.

Theo kế hoạch, NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích.

b) Đối với hệ thống TCTD:

Thứ nhất, chuyển đổi mô hình hoạt động: các TCTD Việt Nam đã thành lập riêng bộ phận ngân hàng số tập trung để nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, các TCTD đã thay đổi mạnh mẽ về mô hình tổ chức phục vụ phát triển ngân hàng số theo hướng thiết lập mảng kinh doanh mới hoặc thành lập pure digital banks tại các NHTM CP hoặc thành lập Trung tâm ngân hàng số, Trung tâm quản trị dữ liệu như tại BIDV, Vietcombank, VP Bank, TPBank…v.v. Hiện nay, có đến 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile.

Thứ hai, đầu tư vào công nghệ mới: theo thống kê của NHNN, đến tháng 10/2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40%/năm về thanh toán số trong 3-4 năm qua). Các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để chuyển đổi số, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái NH mở. Một số thí dụ điển hình gần đây như BIDV hoàn thành việc xây dựng hạ tầng hiện đại dành cho Open API - BIDV SmartConnect vào tháng 9/2022 với tốc độ lên tới 5.000 giao dịch/giây, các kết nối, chia sẻ được bảo mật theo nhiều cấp độ; Agribank ra mắt mô hình Ngân hàng số - Agribank Digital vào tháng 8/2022;…v.v.

Nhiều công nghệ hiện đại, đột phá đòi hỏi đầu tư lớn về nhân sự và tài lực như giải pháp thanh toán điện tử, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học… đã được các ngân hàng ứng dụng vào hoạt động nhằm mục tiêu: (i) cá thể hóa (ví dụ: tóm tắt phản hồi của khách hàng để cải thiện thiết kế sản phẩm); (ii) Kết nối với trải nghiệm đa kênh của người dùng (xây dựng hồ sơ động của khách hàng theo thời gian thực để hỗ trợ hành trình của khách hàng liền mạch trên các kênh kỹ thuật số và vật lý), tăng trải nghiệm khách hàng; (iii) Tối ưu hóa quy trình dịch vụ (sử dụng dữ liệu hoạt động trong quá khứ của khách hàng để gợi ý sản phẩm dịch vụ phù hợp)…v.v.

Đặc biệt, các NHTM Việt Nam đã dần tiếp cận Metaverse banking – bước phát triển cao nhất trong xu hướng tiến hóa của hệ thống ngân hàng, giúp khách hàng có thể giao dịch hoàn toàn trên nền tảng số, sáng tạo các dịch vụ theo yêu cầu riêng. Ngân hàng Metaverse sẽ cung cấp các trải nghiệm 3-D liền mạch trong vũ trụ kỹ thuật số, hỗ trợ khách hàng thực hiện các nghiệp vụ, giao dịch và sử dụng các sản phẩm ngân hàng trên cả nền tảng tài sản/tiền tệ ảo và thực, không còn rào cản chuyển đổi giữa thế giới thực vào ảo khi thực hiện các giao dịch tài chính. Đơn cử như VIB đã triển khai hoạt động trên Metaverse thông qua hợp tác với nền tảng thực tế ảo Bizverse World.

Thứ ba, các Fintech, Bigtech phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng tốc độ chuyển đổi số cho hệ thống ngân hàng. Đối với Fintech, đã có 48 tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ tài chính, trong đó có hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Số lượng người dùng Fintech cũng tăng trưởng tích cực từ mức khoảng 34,2 triệu người dùng năm 2018 lên 57,6 triệu người dùng đến hết năm 2022 (ước tính) và dự báo lên mức 63 triệu người vào năm 2023. Đối với Bigtech, các DN công nghệ lớn (FPT, Viettel, CMC, VNG, VC Corp…) hay Vingroup, Grab... với lượng người dùng khổng lồ đã và đang tiếp cận mảng dịch vụ tài chính thông qua phát triển công nghệ thanh toán điện tử. Ngoài ra, hiện nay xu hướng ngân hàng hợp tác với Fintech, Regtech, Insurtech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau, trong đó Regtech là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các định chế tài chính; Proptech là ứng dụng CNTT và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản.

TS. Cấn Văn Lực

Những lợi ích đem lại từ quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng

Kết quả chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho khách hàng cũng như bản thân các TCTD thông qua sự đổi mới trong sản phẩm, dịch vụ, cách thức tiếp cận, giao tiếp, quy trình phục vụ khách hàng (tăng trải nghiệm) hay trong cách thức quản lý, ra quyết định của bản thân ngân hàng, giảm chi phí. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với nền kinh tế, số hóa ngành ngân hàng giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ tài chính nói chung, giúp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử. Theo kết quả khảo sát của Báo cáo e-Conomy SEA 2022, người dùng kỹ thuật số ở khu vực thành thị của Việt Nam sử dụng dịch vụ thương mại điện tử cao thứ 2 khu vực, chiếm tỉ lệ 96%, chỉ đứng sau Singapore (97%). Trong 12 tháng tới, 90% người tiêu dùng số Việt Nam dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử. Thêm vào đó, 29% người dùng dự tính chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ Tạp hóa trực tuyến, và 22% người dùng dự tính chi tiêu nhiều hơn ở dịch vụ Giao đồ ăn. Cả ba lĩnh vực này tại Việt Nam đều ghi nhận mức độ “dự định sử dụng nhiều hơn” cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã tăng trưởng rất cao, góp phần thực hiện tốt đề án phát triển TTKDTM của NHNN. Theo thông tin từ Vụ Thanh toán của NHNN, trong năm 2022, giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,4% về giá trị so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng 89,4% về số lượng và 40,6% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị...v.v.

Theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, tài chính số cũng là lĩnh vực được kỳ vọng phát triển vượt bậc khi thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025.

Thứ hai, đối với khách hàng của ngân hàng, chuyển đổi số giúp mang lại cho khách hàng dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn. Các ngân hàng đã số hóa các quy trình và kênh giao tiếp, và ứng dụng vào việc ra quyết định kinh doanh tự động dựa trên nền tảng dữ liệu cũng như đa dạng hóa các dịch vụ tài chính theo nhu cầu khách hàng.

Về quy trình phục vụ khách hàng, một số ngân hàng đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, ứng dụng một phần dữ liệu lớn như BIDV, Vietcombank, Techcombank, TPBank…, từ đó giúp đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Đến nay, đã có 90% hồ sơ của ngân hàng đã không sử dụng giấy tờ trong các quy trình nghiệp vụ.

Về cách thức giao tiếp với khách hàng, một số ngân hàng đã ứng dụng AI, học máy (machine learning) và đưa các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 thông qua các hội thoại trên website hoặc mạng xã hội của ngân hàng. Chẳng hạn, Nam A Bank đã cho ra đời không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA; hay như OCB đã xây dựng kênh OCB OMNI. Theo đó, các kênh giao dịch số được kết nối, đồng nhất cho khách hàng trải nghiệm xuyên suốt khi họ có sự chuyển dịch giữa các kênh, giúp khách hàng có thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà không cần đến phòng giao dịch…

Về việc ra quyết định và vận hành hoạt động, các TCTD đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến như điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), AI/ML… trong việc đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực để tự động hóa các hoạt động, ra các quyết định kinh doanh, kiểm soát rủi ro…v.v. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài chính…); nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.

Về việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ: các ngân hàng đã đa dạng hóa dịch vụ giúp xây dựng hệ sinh thái ngân hàng (banking ecosystems) hoàn chỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu về tài chính của khách hàng. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đã dần xây dựng được đủ 3 lớp dịch vụ bao gồm dịch vụ ngân hàng lõi, dịch vụ ngân hàng bổ sung và lớp dịch vụ phi ngân hàng. Các ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VPBank, Techcombank, TPBank… đã dần hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số, và phối hợp với các đối tác để cung cấp các dịch vụ tài chính số hoàn chỉnh cho các khách hàng.

Các ngân hàng đã áp dụng mô hình kết nối do ngân hàng làm chủ/kiểm soát (Orchestrator) với các khách hàng của ngân hàng như VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp, Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+;…, đồng thời cũng triển khai mô hình tham gia hệ sinh thái đối tác (Partnership) khi ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho các hệ sinh thái như BIDV đã có quan hệ đối tác với VNPT, Viettel, FPT…

Thứ ba, lợi ích của chuyển đổi số với bản thân các TCTD cũng đã được nhìn thấy rõ ràng. Quá trình chuyển đổi số đã giúp tăng tốc xử lý hoạt động của hệ thống TCTD, tăng năng suất lao động. Trong năm 2022, trung bình một ngày có khoảng hơn 624 nghìn món với giá trị khoảng 780 nghìn tỷ đồng qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và có khoảng 11,7 triệu món với giá trị 115,86 nghìn tỷ đồng qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Ngành ngân hàng đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tích hợp toàn bộ hệ thống, hướng tới kết nối liên thông toàn bộ các bộ, ngành.

Đồng thời, theo thông tin của NHNN, nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… tích cực trong chuyển đổi số giúp gia tăng CASA lên đến 40-50% - mức cao kỷ lục trong ngành, góp phần giúp các NHTM gia tăng ổn định thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và đưa đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng tăng lên đáng kể.

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng còn một số hạn chế cần quan tâm, hoàn thiện trong thời gian tới, bao gồm:

Thứ nhất, khung pháp lý còn chưa hoàn thiện cho các dịch vụ số mới. Theo đó, các quy định trong pháp luật còn nhiều mâu thuẫn như vướng mắc trong Luật Giao dịch điện tử, Luật Kế toán... liên quan đến số hóa hoạt động trong ngành ngân hàng. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng hiện đang dừng lại ở dự thảo, nhiều dịch vụ như cho vay, đầu tư vẫn chưa được cho phép thực hiện online 100%...v.v.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập, các tổ chức tài chính (như ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán gây ra lãng phí vì không tận dụng được hạ tầng chung hay trong cùng hệ sinh thái.

Thứ ba, rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số tăng, đặc biệt an ninh mạng, pháp lý, dữ liệu, vấn đề bảo mật. Theo thống kê của chương trình Đánh giá an ninh mạng dành cho người dùng của Bkav tháng 12/2022, cứ 4 người dùng Việt nam thì có đến 3 người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online. Hay như Báo cáo tình hình an ninh mạng quý II/2022 của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS), 68% tổng số các cuộc tấn công mạng có liên quan đến các tổ chức tài chính ngân hàng…v.v.

Thứ tư, nhận thức của các bên có liên quan, người dùng về chuyển đổi số, về các rủi ro trong giao dịch trực tuyến chưa đầy đủ, coi nhẹ bảo mật thông tin cá nhân; còn xảy ra hiện tượng sinh viên, người lao động… cho thuê thông tin, tạo điều kiện cho tội phạm tạo các tài khoản ma, gây khó khăn trong điều tra; các giao dịch, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, khó phát hiện…

Kiến nghị nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2022, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức. Giai đoạn 2023-2025 là giai đoạn tăng tốc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cụ thể trên nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương để đạt được mục tiêu như mong đợi. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là một định hướng phát triển quan trọng của ngành, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Để quá trình này phát triển hiệu quả, Nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị như sau:

Một là, việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số cần được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, trước mắt cần ưu tiên các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tháo gỡ các vướng mắc trong quy định pháp lý hiện tại, hoàn thiện dự thảo các Thông tư hướng dẫn khi Nghị định về TTKDTM được Chính phủ ban hành, rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng; rà soát văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng…v.v. Đặc biệt, trong bối cảnh Luật các TCTD đang được xem xét sửa đổi thì cần tập trung vào rà soát các quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hoạt động mới của ngành như bổ sung các quy định về ngân hàng số, thanh toán số, các SP-DV mới trên nền tảng số, và cơ chế Sandbox về fintech trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính khác nhau (không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng), cho vay online, dùng dịch vụ đám mây (cloud)…

Hai là, NHNN cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nền kinh tế, trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia. Bên cạnh đó, NHNN cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu, cạnh tranh, viễn thông, CNTT, an ninh mạng nhằm phối hợp giám sát ngân hàng số. Đối với cơ sở dữ liệu nền kinh tế số quốc gia, NHNN cần hợp tác với các bộ, ngành liên quan chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn hóa tiêu chuẩn kết nối chia sẻ dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số trong tương lai.

Ba là, NHNN cần nhanh chóng xây dựng các quy định pháp lý về quản lý rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số trong ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang dần tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số thuần túy. NHNN nên xem xét các phương án đưa ra các yêu cầu về quản trị rủi ro CNTT, dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn trong dịch vụ thuê ngoài, quyền riêng tư, bảo vệ an toàn dữ liệu...

Bốn là, NHNN cùng với các TCTD phải phối hợp nâng cao nhận thức của các bên liên quan, của người dùng đối với các rủi ro trong các dịch vụ số nói chung và sử dụng dịch vụ tài chính số một cách an toàn. Theo đó, cần tăng cường tổ chức các chiến dịch quảng bá, cảnh báo rủi ro, hướng dẫn bảo mật trong dịch vụ tài chính…. nói riêng cũng như xây dựng các chương trình giáo dục tài chính, đặc biệt là lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin trên không gian mạng, ứng dụng các dịch vụ tài chính số mới như tiền kỹ thuật số, thanh toán số, fintech; tiến tới xây dựng quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính…

Năm là, với các TCTD, sau khi đã hoàn thành chuyển đổi công nghệ lõi, các TCTD nên chuyển đổi số một cách có chọn lọc, hướng tới giảm sự phụ thuộc vào con người trong các vai trò vận hành, tăng cường tự động hóa, thiết kế lại các quy trình và tăng cường giao diện kỹ thuật số..., đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất còn cao, chi phí đầu tư khá lớn, thị trường ngày càng cạnh tranh và khách hàng ngày càng khắt khe. Các TCTD nên tham khảo cách triển khai của các tập đoàn công nghệ lớn, tức là thử nghiệm các thay đổi đầu tiên ở quy mô nhỏ và thường là trong lĩnh vực kinh doanh mới trước khi nhân rộng ra toàn bộ tổ chức và liên tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trong quá trình triển khai.

Sáu là, với các TCTD, chuyển đổi số của ngân hàng phải đảm bảo việc tận dụng công nghệ và dữ liệu để làm hài lòng khách hàng cũng như đón đầu được sự thay đổi công nghệ trong tương lai. Theo đó, các ngân hàng cần xây dựng được một kiến trúc công nghệ gốc tốt nhất, sau đó là xây dựng được một bộ API linh hoạt và sau đó là tích hợp và triển khai các sản phẩm cụ thể. Theo kinh nghiệm quốc tế, các NHTM sẽ đạt được hiệu quả tăng năng suất lên khoảng 25% trong 6 đến 18 tháng thay đổi công nghệ, và có thể tiếp tục việc giảm chi phí trên các nền tảng kế thừa, cho phép giảm đáng kể - trong một số trường hợp lên đến 50% - chi phí vận hành CNTT cho các ngân hàng và có thể đổi mới với tốc độ - cung cấp chức năng mới nhanh hơn tới 95% so với phương pháp truyền thống…v.v. Đồng thời, các TCTD cần xây dựng, thực thi chiến lược chuyển đổi số, trong đó các vấn đề như văn hóa số, nguồn nhân lực số, số hóa cả bên trong (nội bộ) lẫn bên ngoài (trải nghiệm khách hàng); quan tâm đến rủi ro CNTT, an ninh mạng, an toàn thông tin – dữ liệu, tham gia giáo dục tài chính và góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tài chính…

Tin mới lên