Ngân hàng

Hệ số an toàn vốn cao: Chìa khóa tăng trưởng dài hạn của các ngân hàng

(VNF) - Một ngân hàng tư nhân của Việt Nam mới đây đã vươn lên sánh ngang với các ngân hàng ngoại về hệ số an toàn vốn sau đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tới từ Nhật Bản. Hệ số vượt trội sẽ trở thành bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển trung và dài hạn của ngân hàng này, trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn và thách thức.

Hệ số an toàn vốn cao: Chìa khóa tăng trưởng dài hạn của các ngân hàng

Hệ số an toàn vốn cao: Chìa khóa tăng trưởng dài hạn của các ngân hàng

CAR đạt mức cao

Hệ thống ngân hàng Việt Nam mới đây đã ghi nhận một ngân hàng tư nhân có hệ số an toàn vốn (CAR) cao nhất hệ thống.

Đây không phải cái tên xa lạ khi hệ số CAR của ngân hàng này cũng luôn nằm trong top đầu hệ thống những năm vừa qua. Nhờ ký kết thành công thương vụ bán 15% vốn cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã bổ sung thêm gần 36 nghìn tỷ đồng vào vốn cấp 1, qua đó tăng cường bộ đệm vốn và nâng hệ số CAR lên mức cao nhất trong số các ngân hàng thương mại.

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, CAR của ngân hàng này hiện đã tăng tương ứng lên hơn 20%, tương đương với 5 điểm phần trăm cộng thêm vào con số 14,9% ghi nhận tại thời điểm kết thúc năm 2022.

Câu lạc bộ các ngân hàng có tỷ lệ CAR cao, tính tới 31/12/2022, ngoài VPBank còn có Techcombank (15,2%), HDBank (13,4%), VIB (12,7%), LienVietPostBank (12,36%) và MB Bank (11,5%).

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính tới tháng 12/2022, CAR của khối các ngân hàng TMCP áp dụng thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận chuẩn mực quốc tế Basel II đạt 12,01%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP nhà nước và nước ngoài lần lượt đạt 9,16% và 19,16%.

CAR của nhiều ngân hàng nội đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, khi ghi nhận hệ số CAR hàng năm cao hơn quy định tối thiểu là 8%. Tuy nhiên, các ngân hàng nội được cho là vẫn đang đi chậm hơn so với các đối thủ trong khu vực và quốc tế, khi vẫn đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Một số ít ngân hàng đã bước sang giai đoạn áp dụng chuẩn mực quản trị rủi to Basel III được ghi nhận, trong đó có VPBank.

Hỗ trợ tăng trưởng dài hạn

Một bộ đệm vốn dày với hệ số CAR lý tưởng đã, đang và sẽ là đích ngắm của nhiều ngân hàng, nhằm củng cố nội lực và các mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng chịu áp lực thu hẹp do chi phí vốn tăng cao trong năm 2022, một bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng giảm sốc khi môi trường vĩ mô và kinh doanh dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023.

Tại VPBank, ngân hàng cho biết sau nhiều đợt tăng vốn lớn ngân hàng này đã đạt quy mô vốn chủ sở hữu hơn 103 nghìn tỷ tại thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ, cùng với đó, đạt hơn 67 nghìn tỷ, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ hàng đầu hệ thống.

Sau khi nhận được khoản đầu tư chiến lược từ SMBC, VPBank đã trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Đây là một yếu tố quan trọng giúp gia tăng sức mạnh tài chính của ngân hàng này, qua đó có thể tiến tới đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở những phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền tảng vốn lớn còn cho phép VPBank có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.  

“Hệ số CAR cao sẽ là yếu tố tích cực, hỗ trợ cho sự tăng trưởng dài hạn của VPBank và có vai trò rất quan trọng đối với 1 ngân hàng thương mại có khẩu vị rủi ro cao hơn bình quân trong môi trường kinh doanh nhiều khó khăn như hiện nay”, Công ty chứng khoán HSC nhận định trong một báo cáo phát hành hồi tháng 3.

Tin mới lên