Chuyển động ở 2 siêu cường: Trung Quốc họp lưỡng hội, Mỹ đón ngày 'Siêu thứ Ba'

Minh Ý - 10/03/2024 10:32 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần vừa qua, Trung Quốc đã khai mạc kỳ họp Lưỡng hội - cuộc họp thường kỳ quan trọng bậc nhất đất nước, trong khi đó, Tổng thống Mỹ đã đọc Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Cũng trong tuần này, nước Mỹ đã trải qua ngày "Siêu thứ Ba" quan trọng định hình cuộc bầu chọn Tổng thống.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Trung Quốc họp lưỡng hội

Ngày 4/3, Trung Quốc chính thức khai mạc kỳ họp lưỡng hội, bao gồm kỳ họp thứ 2 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa XIV và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) khóa XIV tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Đây là sự kiện chính trị thường niên quan trọng bậc nhất của nước này, với nhiều quyết sách quan trọng liên quan tới các lĩnh vực kinh tế - chính trị sẽ được đưa ra. Sự kiện dự kiến kéo dài 1 tuần, kết thúc vào ngày 10/3.

Sự kiện năm nay đặc biệt đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên chính phủ mới của Trung Quốc sẽ trình bày báo cáo công tác trước Quốc hội trước ánh mắt của truyền thông toàn cầu.

Về mặt kinh tế, ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiết lộ trong Báo cáo công tác của Chính phủ rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2024 của nước này là "khoảng 5%".

Ngoài mục tiêu tăng trưởng GDP, Báo cáo công tác của Chính phủ còn có một loạt mục tiêu khác. Theo báo cáo, tỷ lệ thâm hụt trên GDP, một con số được theo dõi chặt chẽ khác, được đặt ở mức 3% vào năm 2024.

Ông Lý Cường cho biết: “Khi đặt ra các mục tiêu này, chúng tôi đã xem xét các động lực phát triển trong và ngoài nước, các yếu tố liên quan khác cũng như những gì cần thiết và những gì có thể thực hiện được”.

Nước Mỹ trải qua "Siêu thứ Ba"

Ngày 5/3 năm nay được gọi là "Siêu thứ Ba" và là ngày quan trọng hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khi 16 tiểu bang và vùng lãnh thổ thuộc nước này cùng tổ chức bỏ phiếu sơ bộ và giúp định hình "cuộc đua" cam go trước khi đến giai đoạn nước rút.

Cụ thể, các khu vực sẽ bỏ phiếu sơ bộ bao gồm Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, bang Virginia và lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ.

"Siêu Thứ Ba" này sẽ liên quan đến việc sở hữu 1.420 phiếu đại biểu Đảng Dân chủ và 874 phiếu đại biểu Đảng Cộng hòa, trở thành những ứng viên sơ bộ đại diện Đảng để tham gia giai đoạn "nước rút" của cuộc đua Tổng thống.

Như kỳ vọng, ông Donald Trump và ông Joe Biden là những tên tuổi nổi trội sau "Siêu thứ Ba", tiến gần hơn với trận "tái đấu" lịch sử năm 2020.

Mặc dù vậy, cả ông Donald Trump và ông Joe Biden đều không thể chính thức giành được đề cử của đảng họ vào Siêu Thứ Ba. Thời gian sớm nhất để một trong hai người có thể trở thành ứng cử viên giả định của đảng là ngày 12/3 đối với ông Trump và ngày 19/3 đối với ông Biden.

Thuỵ Điển chính thức gia nhập NATO

Ngày 7/3, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Thủ tướng nước này Ulf Kristersson chuyển các tài liệu gia nhập cho chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, D.C.

Thủ tướng Kristersson đã ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển. Phát biểu tại Washington sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Kristersson nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm và rủi ro với các đồng minh".

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh, khẳng định quốc gia Bắc Âu này giờ đây đã có được sự đảm bảo an ninh tối thượng.

Trước đó, Thuỵ Điển đã nhận được sự chấp thuận từ Hungary - "rào cản" cuối cùng để có thể gia nhập NATO.

Xem thêm >> Vượt qua 'rào cản' Hungary, Thuỵ Điển chính thức là thành viên thứ 32 của NATO

Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp Liên bang 2024

Ngày 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, trong đó ông Biden nhấn mạnh những thành tựu kinh tế đã đạt được và tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ cho chiến sự Ukraine.

Trong bối cảnh đất nước chia rẽ về Đảng phái, Nghị viện bế tắc và phát biểu trước người tiền nhiệm và có thể là đối thủ của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, ông Biden đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ được cho là mang nhiều đặc trưng của Đảng Dân chủ. 

Nhắc tới việc "tự do và dân chủ bị tấn công", ông Biden tiếp tục lên án chiến sự tại Ukraine và kêu gọi Nghị viện “đứng lên” chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bài phát biểu của ông Biden tiếp tục nhấn mạnh những thành tựu xã hội và kinh tế của đất nước sau những năm ông cầm quyền, qua đó "tranh thủ" kêu gọi sự ủng hộ từ các thành viên Nghị viện và người dân Mỹ. 

Ông Biden cũng đặt ra những tham vọng về việc đánh thuế, tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và giới siêu giàu Mỹ, thông qua đó giảm thâm hụt ngân sách và dành nguồn lực cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ.

Bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 70.000 USD

Ngày 8/3, giá Bitcoin lên tới 70.105 USD, xác lập mức cao nhất trong lịch sử. Trước đó, cũng trong tuần này, BTC đã lập kỷ lục về mức cao mới trên 69.000 USD, vượt qua đỉnh giá 68.982,20 USD ghi nhận vào ngày 10/11/2021.

Động thái tăng giá của BTC bắt đầu vào khoảng thời gian thị trường chứng khoán Mỹ mới mở cửa. Với sự ra đời của các quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin giao ngay (ETF) ở Mỹ, các động thái lớn liên quan tới tiền điện tử giờ đây có xu hướng diễn ra trong giờ giao dịch chứng khoán truyền thống.

Cùng ngày, ethereum (ETH) - đồng tiền số lớn thứ 2 thế giới theo vốn hoá thị trường, đã quay trở lại cột mốc 4.000 USD lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Lần cuối cùng ETH đạt mức cao lịch sử này là vào ngày 28/12/2021.

Đáng chú ý, ETH ghi nhận mức tăng vượt trội hơn BTC trong 30 ngày qua, với mức tăng 67%, trong khi BTC chỉ tăng 57%.  

Xem thêm >> Lần đầu tiên trong lịch sử, bitcoin vượt mốc 70.000 USD

Cùng chuyên mục
Tin khác