Tài chính quốc tế

Thông điệp Liên bang Mỹ 2024: TT Biden 'đả kích' trực diện ông Trump

(VNF) - Ngày 7/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, trong đó ông Biden nhấn mạnh những thành tựu kinh tế đã đạt được và tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ cho chiến sự Ukraine.

Thông điệp Liên bang Mỹ 2024: TT Biden 'đả kích' trực diện ông Trump

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang ngày 7/3.

Tổng thống Joe Biden đã đọc Thông điệp Liên bang lần thứ ba trong nhiệm kỳ của mình, cũng là thông điệp cuối cùng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Trong bối cảnh đất nước chia rẽ về Đảng phái, Nghị viện bế tắc và phát biểu trước người tiền nhiệm và có thể là đối thủ của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, ông Biden đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ được cho là mang nhiều đặc trưng của Đảng Dân chủ. 

Tổng thống Mỹ bắt đầu bài phát biểu của mình với tuyên bố rằng nền dân chủ sẽ có trên lá phiếu vào tháng 11. Ông chỉ ra những thời điểm "chưa từng có" khác trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, so sánh khoảnh khắc này với bài phát biểu của cố tổng thống Franklin Roosevelt vào tháng 1/1941, khi "Hitler đang hành quân" ở châu Âu. 

Ông Biden nhắc lại mục đích của Tổng thống Roosevelt là đánh thức Nghị viện và cảnh báo người dân Mỹ rằng đây không phải là thời điểm bình thường, mà là thời điểm "tự do và dân chủ đang bị tấn công trên thế giới". 
   
Trong suốt quá trình phát biểu, ông Biden cho thấy trạng thái hào hứng và thể hiện khả năng ứng biến tốt khi liên tục gặp phải gián đoạn từ phía các đại biểu Đảng Cộng hòa. Trạng thái của Tổng thống phần nào giảm bớt những lo ngại về tuổi tác và sức khỏe của ông.

Kêu gọi ủng hộ Ukraine

Nhắc tới việc "tự do và dân chủ bị tấn công", ông Biden tiếp tục lên án chiến sự tại Ukraine và kêu gọi Nghị viện “đứng lên” chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Trên thực tế, không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine. Và tôi quyết tâm giữ nguyên như vậy. Nhưng hiện tại, viện trợ cho Ukraine đang bị chặn lại bởi những người muốn chúng tôi rời xa vai trò lãnh đạo của mình trên thế giới", Tổng thống Mỹ cho biết, kêu gọi các nhà lập pháp thông qua Dự luật An ninh Quốc gia. 

Ông Biden nhấn mạnh: "Nếu Mỹ bỏ đi bây giờ, điều đó sẽ khiến Ukraine gặp nguy hiểm. Châu Âu gặp nguy hiểm. Thế giới tự do đang gặp nguy hiểm, khuyến khích những người khác muốn làm hại chúng ta. Thông điệp của tôi gửi tới Tổng thống Putin rất đơn giản. Chúng tôi sẽ không bỏ đi. Chúng tôi sẽ không cúi đầu. Tôi sẽ không cúi đầu". 

Chỉ trích "người tiền nhiệm"

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden không chỉ đích danh ông Donald Trump, nhưng nhiều lần nhắc tới "người tiền nhiệm" với những lời lẽ không mấy thân thiện.

Trước hết, ông Biden chỉ trích người tiền nhiệm về lập trường đối với Tổng thống Nga Putin, cáo buộc ông Trump cúi đầu trước Nga. Ông Biden cũng nói về cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6/1, cáo buộc ông Trump và đảng Cộng hòa đang cố gắng "chôn vùi sự thật" về sự kiện này.

Không chỉ vậy, ông Biden còn "đả kích" ông Trump bằng cách nói người tiền nhiệm của mình "đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản nhất" là quan tâm tới người dân Mỹ.

"Bốn năm trước, trước khi tôi nhậm chức, đất nước chúng ta đã phải hứng chịu một trận đại dịch tồi tệ nhất và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong một thế kỷ", ông Biden nhấn mạnh, nhằm làm nổi bật những thành tựu kinh tế ông đã tạo ra trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Ông Biden nói tiếp: "Giờ đây nền kinh tế của chúng ta khiến cả thế giới phải ghen tị! 15 triệu việc làm mới chỉ trong ba năm - đó là một kỷ lục! Thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm. Kỷ lục 16 triệu người Mỹ đang bắt đầu kinh doanh nhỏ và mỗi doanh nghiệp là một hy vọng".

Kêu gọi tăng thuế với người giàu và công ty năng lượng

Sau khi ca ngợi những thành tựu kinh tế, ông Biden nói tới những vấn đề cần "cùng xây dựng" với các nhà lập pháp và người dân, bao gồm việc đánh thuế các tập đoàn lớn, đánh thuế giới siêu giàu và cải thiện hệ thống y tế, giáo dục.

"Bây giờ mục tiêu của tôi là cắt giảm thâm hụt liên bang thêm 3.000 tỷ USD bằng cách buộc các tập đoàn lớn và những người rất giàu cuối cùng phải trả phần công bằng của họ", ông Biden nói.

Ông Biden tiếp tục chỉ trích "chính quyền trước đây đã ban hành khoản cắt giảm thuế trị giá 2.000 tỷ USD, mang lại lợi ích lớn cho những người rất giàu có và các tập đoàn lớn nhất, đồng thời làm bùng nổ thâm hụt liên bang. Chúng đã làm tăng thêm khoản nợ quốc gia hơn bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ".

Vào năm 2020, 55 công ty lớn nhất ở Mỹ đã kiếm được 40 tỷ USD lợi nhuận và không phải trả thuế thu nhập liên bang. Nhưng kể từ đạo luật áp thuế do ông Biden ký, các công ty này đã phải đóng thuế 15%. Tổng thống kêu gọi tăng thuế tối thiểu cho doanh nghiệp lên ít nhất 21%.

"Tôi cũng muốn chấm dứt việc giảm thuế cho Big Pharma, Big Oil, máy bay phản lực tư nhân và mức lương khổng lồ cho các giám đốc điều hành!", ông Biden nói.  

Theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ, những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm sẽ không phải trả thuế. Với các tỷ phú, ông Biden đề xuất mức thuế tối thiểu 25%.

Tổng thống Biden khẳng định: "Điều đó sẽ huy động được 500 tỷ USD trong 10 năm tới". 

Xem thêm >> Thông điệp Liên bang Nga 2024: TT Putin gửi lời cảnh báo đanh thép đến phương Tây

Tin mới lên