Tài chính quốc tế

Bloomberg: Huawei sử dụng chính công nghệ Mỹ để sản xuất chip tiên tiến

(VNF) - Các công ty Trung Quốc bao gồm tập đoàn viễn thông Huawei Technologies và nhà sản xuất chip hàng đầu SMIC đã sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc vào năm 2023, hãng tin Bloomberg trích dẫn các nguồn thạo tin cho hay.

Cụ thể, các nguồn tin của Bloomberg cho biết SMIC đã sử dụng công nghệ của hai công ty Mỹ là Applied Materials và Lam Research Corp để phát triển chip 7 nanomet tiên tiến cho Huawei vào năm ngoái, đồng thời cho biết thêm rằng SMIC đã mua được máy móc của Mỹ trước khi nước này ban hành lệnh cấm vào tháng 10/2022.

 Sự hồi sinh của Huawei bắt đầu bằng việc công ty bất ngờ tung ra Mate 60 Pro 5G vào tháng 8/2023.

Bộ Thương mại Mỹ, Huawei, Applied Materials, Lam Research và SMIC hiện chưa có phản hồi về thông tin này.

Mỹ đã vạch ra một lộ trình chậm rãi nhằm tước bỏ quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của SMIC và Huawei.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm Huawei vào danh sách hạn chế thương mại vào năm 2019 vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt. SMIC đã được thêm vào danh sách tương tự vào năm 2020 vì bị cáo buộc có quan hệ với tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc. Cả hai công ty trước đây đều phủ nhận cáo buộc từ Mỹ.

Sau một thời gian “lao đao” vì các hạn chế của Mỹ, sự hồi sinh của Huawei bắt đầu bằng việc công ty bất ngờ tung ra Mate 60 Pro 5G vào tháng 8/2023.

Máy được trang bị vi xử lý cao cấp Kiri900S phát triển và sản xuất trong nước, bất chấp các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, cùng với nền tảng di động HarmonyOS thay thế Android.

Đây là bước tiến khiến giới công nghệ quốc tế bất ngờ bởi công ty Trung Quốc chịu sự cấm vận của Mỹ, không thể tiếp cận với các kiến trúc xử lý mới và thiết bị quang khắc tinh vi.

Chiếc điện thoại nhanh chóng trở thành cơn sốt ở đất nước tỷ dân, đánh dấu sự hồi sinh công nghệ của Trung Quốc bất chấp hàng loạt lệnh cấm từ phía Mỹ.

Tháng trước, Reuters đưa tin rằng chính phủ Mỹ đã nhắm mục tiêu vào SMIC và cắt quyền nhập khẩu của nhà máy tiên tiến nhất của họ từ Mỹ sau khi họ sản xuất chip cho Huawei để trang bị cho điện thoại Mate 60 Pro.

“Chiến trường” bán dẫn

Ngoài nỗ lực to lớn và tốn kém nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một số bước để cố gắng ngăn chặn công nghệ tiên tiến nhất lọt vào tay Trung Quốc.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng.

Mỹ đã đưa ra các hạn chế đối với các chip điện toán tiên tiến nhất được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sản xuất chip vào năm 2022 với mục đích ngăn chặn khả năng sản xuất và phát triển chất bán dẫn tiên tiến giúp tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc.

Danh sách hạn chế kể từ đó đã được mở rộng và một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen.

Vào cuối năm 2023, Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố một loạt các biện pháp để bao trùm nhiều công nghệ hơn, cũng như hạn chế bán hàng cho các quốc gia trung gian có thể làm suy yếu lệnh cấm.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay chính phủ Mỹ đang kêu gọi Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ muốn các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các hóa chất chuyên dụng cần thiết cho sản xuất chip, bao gồm cả chất quang dẫn.

Bên cạnh đó, Washington được cho là cũng đang thúc ép Hà Lan ngăn chặn nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML mở ra cơ chế mới trong việc bảo trì và sửa chữa thiết bị sản xuất chip cho các khách hàng Trung Quốc đã mua trước khi lệnh cấm bán các thiết bị đó được áp dụng trong năm nay.

Xem thêm >> Huawei ‘hồi sinh’, doanh số của Apple tại Trung Quốc giảm sâu

Tin mới lên