Tài chính quốc tế

EU 'nắn gân' Big Tech, phạt Apple 2 tỷ USD

(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/3 đã phạt gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple 1,8 tỷ euro (gần 2 tỷ USD) vì vi phạm luật cạnh tranh của khối khi ưu ái không công bằng dịch vụ phát nhạc trực tuyến của chính họ so với các đối thủ.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của khối 27 quốc gia và cơ quan thực thi chống độc quyền hàng đầu, cáo buộc Apple đã cấm các nhà phát triển ứng dụng “thông báo đầy đủ cho người dùng iOS về các dịch vụ đăng ký âm nhạc thay thế và rẻ hơn bên ngoài hệ sinh thái Apple".

Apple bị cáo buộc ưu ái không công bằng dịch vụ phát nhạc trực tuyến của chính họ so với các đối thủ.

“Điều này là bất hợp pháp và nó đã ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng châu Âu”, ông Margrethe Vestager, ủy viên cạnh tranh của EU, cho hay.

Theo EC, Apple đã hành xử theo cách này trong gần một thập kỷ, điều đó có nghĩa là nhiều người dùng phải trả “giá cao hơn đáng kể cho việc đăng ký phát nhạc trực tuyến” vì phí hoa hồng cao mà Apple áp đặt cho các nhà phát triển, và khoản phí này được chuyển sang người tiêu dùng.

Khoản tiền phạt 1,8 tỷ euro được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài do khiếu nại từ dịch vụ phát trực tuyến Spotify của Thụy Điển cách đây 5 năm.

Apple cho hay họ sẽ kháng cáo và nhấn mạnh rằng: “Quyết định này được đưa ra bất chấp việc EC không phát hiện ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về ảnh hưởng đối với người tiêu dùng và bỏ qua thực tế về một thị trường đang phát triển mạnh, cạnh tranh và phát triển nhanh chóng”.

Họ cho biết Spotify được hưởng lợi từ quyết định này, khẳng định rằng dịch vụ phát trực tuyến của Thụy Điển nắm giữ 56% thị phần phát nhạc trực tuyến ở châu Âu.

Apple cho biết: “Trớ trêu thay, nhân danh sự cạnh tranh, quyết định ngày hôm nay chỉ củng cố vị trí thống trị của một công ty thành công ở châu Âu và là công ty dẫn đầu thị trường âm nhạc kỹ thuật số”.

Cuộc điều tra của Ủy ban ban đầu tập trung vào hai mối lo ngại. Một là nhà sản xuất iPhone buộc các nhà phát triển ứng dụng đang bán nội dung kỹ thuật số phải sử dụng hệ thống thanh toán nội bộ của mình, hệ thống này tính phí hoa hồng 30% cho tất cả các đăng ký.

Nhưng EU sau đó đã bỏ điều đó để tập trung vào cách Apple ngăn chặn các nhà sản xuất ứng dụng thông báo với người dùng của họ về những cách rẻ hơn để thanh toán cho các đăng ký không liên quan đến việc sử dụng ứng dụng.

Cuộc điều tra cho thấy Apple cấm các dịch vụ phát trực tuyến cho người dùng biết chi phí của các ưu đãi đăng ký bên ngoài ứng dụng của họ, bao gồm các liên kết trong ứng dụng của họ để thanh toán cho các đăng ký thay thế hoặc thậm chí gửi email cho người dùng để thông báo cho họ về các tùy chọn giá khác nhau.

"Nắn gân" Big Tech

Khoản tiền phạt được đưa ra cùng tuần khi các quy định mới của EU được thiết lập nhằm mục đích ngăn chặn các công ty công nghệ thống trị thị trường kỹ thuật số.

EU đã dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm trấn áp các công ty Big Tech.

EU đã dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm trấn áp các công ty Big Tech, bao gồm một loạt khoản phạt hàng tỷ USD đối với Google và buộc tội Meta bóp méo thị trường quảng cáo được phân loại trực tuyến.

Ủy ban cũng đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền riêng biệt đối với dịch vụ thanh toán di động của Apple.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) là một trong những đạo luật cứng rắn nhất thế giới nhắm vào thị trường của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Đạo luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 7/3, áp đặt một số điều nên làm và không nên làm đối với năm tập đoàn công nghệ của Mỹ được coi là "người gác cổng" là Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta và Microsoft, cùng với ByteDance của Trung Quốc.

Các công ty này sẽ đối mặt với các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động. Chẳng hạn như các nền tảng này không được thiên vị các dịch vụ của mình hơn các dịch vụ của đối thủ.

DMA cũng cấm các công ty công nghệ kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau của mình, cũng như sử dụng dữ liệu thu thập được từ các bên bán hàng thứ ba để cạnh tranh với họ. Mục đích của DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các “ông lớn” công nghệ không thể bóp méo sự cạnh tranh trên các thị trường mới.

Xem thêm >> Ghi nhận doanh số yếu ở Trung Quốc, vốn hoá Apple ‘bốc hơi’ 84 tỷ USD

Tin mới lên