Chuyên gia: Cần làm rõ quỹ đất trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng
Hùng Võ -
24/09/2021 07:51 (GMT+7)
Để giúp Hà Nội sớm trở thành đô thị ven sông đáng sống bậc nhất thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần giải quyết vướng mắc bấy lâu nay về vấn đề trị thủy, dòng chảy, giải quyết quỹ đất...
Theo nhận định của giới chuyên gia, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là một trong những động lực thu hút đầu tư, đưa Hà Nội sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần giải quyết vướng mắc bấy lâu nay về vấn đề trị thủy, dòng chảy, phân bổ hợp lý quỹ đất để thúc đẩy tiến trình hiện thực hóa “giấc mơ” đô thị ven sông Hồng.
Trăn trở sau những lần “lỗi hẹn”
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đô thị ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khẳng định đây là trăn trở, là ấp ủ của nhiều nhà quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
“Nói đây là một giấc mơ, bởi đã nhiều lần chúng ta bàn tới quy hoạch sông Hồng. Thậm chí là đưa vào thí điểm nhưng chưa hiện thực được. Mỗi lần chúng ta băn khoăn thì đều dừng dự án lại. Trong khi đó, với quy hoạch ven sông Hồng, số lượng dân ngoài bãi sông Hồng vẫn đang tăng lên khi chúng ta chờ sửa đổi quy hoạch. Nguồn lực sẽ thu hẹp mỗi lần như vậy,” ông Chiến nhấn mạnh.
Nhắc lại lần lập quy hoạch từ năm 2005, với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc, ông Chiến cho biết thành phố Hà Nội đã có nghiên cứu tổng thể quy hoạch sông Hồng, nhưng thời điểm 2005-2007, Hà Nội chưa mở rộng.
Về cơ sở pháp lý thời điểm đó, ông Chiến cho biết mới có Luật Đê điều vừa ban hành thay thế cho Pháp lệnh đê điều trước đây. Cùng với đó là Quyết định 92 phê duyệt tổng thể hệ thống đê có lũ sông Hồng và sông Thái Bình - đây là các căn cứ pháp lý, là mấu chốt cơ sở pháp luật quan trọng để nghiên cứu quy hoạch này.
Đặc biệt, theo ông Chiến, nghiên cứu quy hoạch khi đó cũng “ngại” về số dân cư ngoài bãi lên tới khoảng hơn 20 vạn dân. Đây là con số lớn, do đó quy hoạch sẽ tác động tới vấn đề an sinh. Do đó, nhà nước đã rất cẩn trọng, lấy ý kiến người dân 2 lần, tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa, cơ bản đồng tình với quy hoạch.
Cũng theo ông Chiến, tới năm 2008, Hà Nội được mở rộng và nhà nước mong muốn lồng ghép quy hoạch ven sông hồng vào quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Tới tháng 7/2011, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội sau khi đã mở rộng, trong đó có lồng ghép nghiên cứu quy hoạch ven sông Hồng.
“Vậy đến nay, khi chúng ta đặt vấn đề nghiên cứu quy hoạch cơ bản thì phù hợp hay không phù hợp với định hướng của Quyết định 1259/QĐ-TTG về quy hoạch chung Thủ đô đã phê duyệt và làm thế nào hiện thực hoá giấc mơ ven sông Hồng này?” ông Chiến đặt câu hỏi.
Ông Chiến cho rằng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Quyết định 1259 về quy hoạch chung Thủ đô phải được điều chỉnh để lấy căn cứ, chỗ dựa điều chỉnh quy hoạch phân khu. Nhưng trong bối cảnh này không thể chờ điều chỉnh xong Quy hoạch của Quyết định 1259/QĐ-TTG sửa đổi mới điều chỉnh quy hoạch chung, sau đó mới điều chỉnh quy hoạch phân khu sông hồng này.
“Do vậy, chúng ta phải sửa đổi song song, sau đó lồng ghép điều chỉnh phù hợp. Các cơ quan Trung ương và Hà Nội phải phối hợp để thực hiện nhanh việc phê duyệt quy hoạch này. Nếu hôm nay cứ chần chừ thì quỹ đất ngày mai có còn để thực hiện giấc mơ hay không, hay chỉ như là giấc mơ thôi?,” ông Chiến trăn trở.
Khi nào đô thị ven sông được thực hiện?
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết nhìn lại quá trình quy hoạch và phát triển của Thủ đô, có thể thấy những hướng phát triển đúng đắn. Mặt khác, quy hoạch chung hiện tại cũng xác định sẽ có 2 đại lộ 6 làn xe chạy song song với 2 bờ sông Hồng ở bờ Bắc và bờ Nam. Riêng điều kiện này đã nâng tầm hấp dẫn cho bất động sản ven bờ sông Hồng.
“Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng hiện tại xác định quỹ đất lên tới 11.000 ha sẽ là giải pháp lớn về quỹ đất xây dựng nhà ở cho người dân,” ông Chính chia sẻ.
Tuy vậy, ông Chính cũng lưu ý rằng hiện tại quy hoạch sông Hồng đã bị vướng mắc quá lâu về vấn đề trị thủy, dòng chảy của sông. Vì thế đã đến lúc, các đơn vị lập quy hoạch cần giải quyết vướng mắc này để đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng.
Trong khi đó, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết sau hơn sáu thập niên (từ khi Thủ đô được giải phóng) xây dựng và phát triển, Hà Nội ngày hôm nay đã mở rộng gấp 3,6 lần so với trước năm 2008, với diện tích lên đến hơn 3.300 km2, dân số gần 8 triệu người.
Từ sự mở rộng trên, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng không chỉ có sức hấp dẫn, còn là đồ án có tính “lịch sử.” Tuy nhiên, làm thế nào để có thể khai thác được quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, tạo ra không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.
Ông Tùng cũng cho biết chiều dài sông Hồng chạy qua Hà Nội không nhiều, nhưng thượng nguồn sông nằm ở địa phận Trung Quốc có tới 19 đập, do đó vấn đề phòng chống lũ cũng chính là rào cản với việc phát triển đô thị ven sông.
Góp thêm ý kiến, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay mặc dù Quyết định số 257/QĐ-TTg cho chúng ta huy động nguồn lực từ nhiều hình thức xã hội hóa, nhưng dù hình thức nào thì muốn hấp dẫn được nhà đầu tư, các nhà làm quy hoạch phải chỉ rõ được quỹ đất.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone