Tiêu điểm

Chuyên gia, doanh nhân đánh giá cao cuốn sách 'Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và tại Myanmar'

(VNF) - TS Võ Trí Thành, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam Sơn Phạm Đình Huỳnh cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao cuốn sách "Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và tại Myanmar".

Chuyên gia, doanh nhân đánh giá cao cuốn sách 'Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và tại Myanmar'

Các đại biểu tại lễ ra mắt biểu trưng cuốn sách Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar.

Tại sự kiện công bố cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” do Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance công bố ngày 31/5, nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều đánh giá cao về ấn phẩm.

Cuốn sách rất nhiều ý nghĩa

Ông Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Tôi mong ước cuốn sách này ra sớm hơn, khoảng 5 năm trước, nhưng như ông Ko Tea Yeon, Tổng giám đốc HeeSung Electronics Việt Nam, nói “cuốn này rất nhiều ý nghĩa”.

Khi nói đầu tư nước ngoài, thông thường ta chỉ nói đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi vì Việt Nam là nước nhập khẩu vốn. Nhưng từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu vốn. Điều đáng nói là nếu như ban đầu, việc xuất khẩu vốn chỉ mang tính truyền thống - tức là nước mạnh hơn rót vốn sang nước yếu hơn, Việt Nam xuất vốn sang các nước có trình độ thấp hơn như Myanmar, Campuchia, vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế như khai khoáng, nông nghiệp… - thì 5-7 năm trở lại đây, Việt Nam đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà hàm lượng công nghệ, trí thức đã cao hơn. Đặc biệt, Việt Nam đã đầu tư vào các nước phát triển.

Việt Nam đầu tư vào Singapore rất nhiều, sau đó là châu Âu, điển hình như FPT mua lại công ty công nghệ ở châu Âu rồi mua một công ty công nghệ khác với giá 50 triệu USD ở Mỹ. Chính vì vậy, đây là giai đoạn rất cần những cuốn sách như này.

Không nói con số, nhưng có thể khẳng định bức tranh đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã khác, rất sôi động trong 3 - 4 năm trở lại đây.

Việt Nam hiện có những nền tảng rất tốt cho việc đầu tư ra nước ngoài. Đầu tiên là sự phát triển của kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam. Khi phát triển lên, chúng ta sẽ nhìn thấy cơ hội ở các nước khác.

Nền tảng thứ hai là Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do, độ mở kinh tế rất cao. Đặc biệt là phần lớn đối tác của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đều là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Làm ăn hiện nay cần môi trường thuận lợi và lòng tin, nhất là trong bối cảnh bất định, khó lường của địa chính trị thì lòng tin chính trị là cái nền rất cơ bản. Cuốn sách mà chúng ta đang nói tới đây đã thể hiện được một cách sâu sắc về các nước mà Việt Nam đầu tư.

Nền tảng thứ 3 là khuôn khổ pháp lý. Thách thức của Việt Nam là chưa mở cửa hoàn toàn cho dòng vốn ra nước ngoài.

Cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar”, tôi thấy rất có ý nghĩa và rất tốt. Nếu gợi mở một số điểm để bức tranh được toàn cảnh hơn, chúng ta có thể nhìn vào mấy điểm sau:

Thứ nhất, đầu tư nước ngoài (ra hay vào) có nhiều loại. Một là đầu tư vào khai thác tài nguyên. Hai là đầu tư khai thác hiệu quả. Ba là đầu tư khai thác thị trường nội địa của quốc gia mình tới đầu tư. Bốn là đầu tư vào lĩnh vực mới, giá trị gia tăng cao (như kinh tế số, viễn thông). Tôi cho rằng sẽ rất tốt nếu có phân loại, chứ không phải chỉ nêu các con số thuần túy.

Thứ hai, khi viết về môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý phải gắn với các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ đầu tư vào dịch vụ, khai khoáng, nông nghiệp... mỗi cái có khung khổ riêng.

Một điều rất quan trọng là quy trình để nhận được giấy phép đầu tư.

Ngoài ra, nên có thêm các chỉ số đánh giá của các tổ chức về môi trường đầu tư của các quốc gia như rủi ro chính trị, rủi ro kinh tế vĩ mô, yếu tố thuận lợi… làm cơ sở tham khảo cho các doanh nghiệp Việt muốn đầu tư ra nước ngoài.

Yếu tố cuối cùng là con người. Cuốn sách nên đề cập thêm vấn đề văn hóa của những quốc gia mà Việt Nam đang đầu tư vào. Và bên cạnh các trưởng hợp thành công nổi bật thì trong chừng mực có thể, nên nói cả trường hợp thất bại.

Ấn phẩm cung cấp nhiều thông tin cho doanh nghiệp

TS Lê Minh Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam: Tôi có 10 năm hoạt động trong Hội đồng Lý luận Trung ương, làm công việc tư vấn về đường lối phát triển kinh tế. Tôi rất quan tâm đến vấn đề đầu tư ra nước ngoài nhưng rất ít có sách tổng kết, tổng quan về lĩnh vực này. Bây giờ có tài liệu phát hành có thể nói là tư liệu rất quý. Đây là một ấn phẩm quan trọng, cung cấp nhiều thông tin thêm cho doanh nghiệp.

Mong có những cuốn sách tiếp theo

Ông Phạm Đình Huỳnh, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam Sơn: Doanh nghiệp chúng tôi rất cần những thông tin về môi trường đầu tư, chính sách, thực tiễn ở các quốc gia. Với tư cách nhà đầu tư, cuốn sách này sẽ giúp chúng tôi tiếp cận được môi trường đầu tư nước ngoài để nghiên cứu.

Chúng tôi rất cần những cuốn sách tiếp theo nữa và mong rằng có thể tiếp cận đầy đủ hơn, đặc biệt là thông tin về môi trường đầu tư nước ngoài, vì mỗi nước có đặc thù riêng, cần thông tin thủ tục, quy trình có giống Việt Nam không để tiếp cận thực tiễn nhanh hơn.

Tin mới lên