Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc theo đuổi ‘lợi ích riêng’ trong mối quan hệ với Nga và phương Tây

Quỳnh Anh - 15/03/2022 16:39 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc sẽ cân nhắc lợi ích của mình trước khi quyết định có nên giúp Nga đối phó với tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không, ông Richard Nephew, giám đốc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) chia sẻ với CNBC.

VNF
Trung Quốc duy trì sự trung lập để đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Tham gia phỏng vấn với CNBC ngày 14/3, ông Richard đã có những chia sẻ thẳng thắn về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine và khả năng trợ giúp của quốc gia này với Nga, nước đang hứng chịu nhiều đòn trừng phạt từ phương Tây.

Theo ông Richard, chính phủ Mỹ đang coi Trung Quốc là một mắt xích quan trọng để đảm bảo hiệu lực các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Lý do là một nửa số ngoại hối của Nga, khoảng 300 tỷ USD, hiện đã bị vô hiệu hoá, và Mỹ đang cố ngăn Trung Quốc giúp Nga tiếp cận và sử dụng được số ngoại hối còn lại.

Sau khi cáo buộc Moscow đang trông cậy vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh để đối phó với đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của mình, Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên hỗ trợ quốc gia này ngay trước thềm cuộc gặp mặt giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan vào ngày 14/3.

Giờ đây, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ xem Trung Quốc sẽ làm gì khi các lệnh trừng phạt đó ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga.

Theo ông Richard Nephew, Trung Quốc luôn cân nhắc các lợi ích quốc gia của họ dù trong việc làm ăn tại châu Âu hay Mỹ. Vì vậy, việc Trung Quốc duy trì sự trung lập từ đầu cuộc khủng hoảng tới nay, mà Mỹ và châu Âu coi là phá hoại chiến dịch trừng phạt của họ, cũng là đang duy trì lợi ích riêng của nước này.

Kể từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Bắc Kinh đã từ chối gọi đây là một cuộc xâm lược và nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì thương mại bình thường với cả hai nước. Trung Quốc cũng không tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và các quốc gia khác đối với Nga.

Nếu Washington "mạnh tay" ép Bắc Kinh không ủng hộ Nga, thì điều đó "khó có thể thành công", ông Nephew cho biết. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ không thể hiện sự thân thiết thái quá với Nga và làm mất lòng phương Tây, để đảm bảo được lợi ích của quốc gia.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn sẽ hợp tác với Nga, “nhưng chắc chắn không vi phạm rõ ràng các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga”, ông Richard nói thêm.

Alexander Gabuev, thành viên cấp cao và là chủ tịch của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết ông dự đoán Trung Quốc sẽ “cẩn trọng trong việc tuân thủ” các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Tuy nhiên, Bắc Kinh “sẽ làm mọi thứ có thể” ngoài phạm vi của các lệnh trừng phạt.

Nhiều khả năng, khi tình hình chiến sự ổn định, Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội mua dầu và khí đốt của Nga với giá rẻ. Theo ông Gabuev, việc này chắc chắn không vi phạm các lệnh trừng phạt, mà lại là một sự “cứu cánh” cho doanh thu năng lượng đang bị co hẹp của Nga.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và Ukraine, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục 146,9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo cơ quan hải quan của Trung Quốc. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga cũng đã vượt mốc 10 tỷ USD vào năm ngoái.

Xem thêm >> Mỹ: Trung Quốc sẽ ‘gánh hậu quả’ nếu giúp Nga lách trừng phạt

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác