Chuyên gia ngoại: Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn trong 10 năm tới

Anh Phan - 23/01/2024 16:35 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show), các chuyên gia đánh giá, dù còn những khó khăn trong năm 2024, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng, thị trường chứng khoán qua đó cũng sẽ tiếp tục phát triển và trở thành điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

VNF
Ông Yun Hang Jin và ông Chung Jae Hoon (bên phải) tại chương trình.

"Kinh tế Việt Nam có thể quay lại mức tăng trưởng quanh 6%/năm"

Ông Chung Jae Hoon, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những biến động, giải ngân vốn FDI của Việt Nam vẫn tăng trưởng trong 2023, với tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới của hơn 3.000 dự án, tương đương 20 tỷ USD (tăng trên 60%). Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Việc dòng vốn đăng ký cấp mới gia tăng rất cao cho thấy mức độ hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang trong xu hướng chậm lại.

Đối với dòng vốn FII, thống kê của BSC cho thấy năm 2023, khối ngoại đã bán ròng 10 trong số 12 tháng của năm, với giá trị gần 23.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Lực bán chủ yếu đến từ dòng vốn chủ động. Nguyên nhân dòng vốn FII rút ròng xuất phát từ các yếu tố cơ bản như hiệu suất đầu tư các quỹ chủ động nước ngoài không mang lại hiệu quả, đã tạo áp lực rút vốn, bên cạnh đó là các quy định mới về thuế tại các quốc gia có đầu tư lớn tại Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai là sự chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND và sự chênh lệch lãi suất trái phiếu của Việt Nam với các nước. Và nguyên nhân thứ ba là do tỷ suất sinh lời tại các thị trường khác trong 2023 cao hơn so với Việt Nam.

“Trên nền tảng vĩ mô ổn định và cơ cấu khối tăng trưởng trong nước được duy trì, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể quay lại mức tăng trưởng quanh 6% và là điểm sáng trong khu vực và thế giới khi thương mại quốc tế dần cải thiện trong năm 2024. Theo chúng tôi đánh giá, với dòng vốn FDI, dự kiến tăng trưởng tốt mở ra một “làn sóng” đầu tư FDI mới vào Việt Nam trong bối cảnh vị thế quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao. Thêm vào đó, Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, an toàn, hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc” đại diện BSC nêu.

Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam cho hay trong năm 2023 vừa qua, các quỹ Hàn Quốc (quỹ nước ngoài tại Việt Nam) đã đổ vào 102,2 tỷ won, tương đương 1,9 nghìn tỷ đồng, thống kê này dựa trên 17 quỹ đại chúng.

Triển vọng của Quản lý quỹ KIM Việt Nam đối với thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 là tích cực. Theo đó, các yếu tố tạo nên sự tích cực cho thị trường chứng khoán như việc dự kiến vận hành hệ thống giao dịch KRX vào đầu năm tới, tính khả thi của việc đưa vào chỉ số FTSE EM nửa cuối năm sau và khả năng tăng cường hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ, cũng như việc tiếp nối ảnh hưởng thuận lợi của những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, dòng vốn ngoại được dự đoán sẽ có triển vọng tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2024.

“Thực tế, các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ đã giảm tỷ trọng tại thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) từ vài năm trước đây và họ đang tìm kiếm các khu vực đầu tư thay thế. Do thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những khu vực thay thế nên dự kiến sẽ có dòng vốn đầu tư đổ về từ châu Âu và Mỹ. Mặt khác, các nhà đầu tư ở các nước châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản đang ở trạng thái quan sát và chờ đợi. Có những lo ngại chẳng hạn như việc suy thoái kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đối với Việt Nam và việc gia tăng số tiền trả nợ đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vào năm tới. Tuy nhiên, những lo ngại này không đáng kể nên dòng vốn đầu tư của khu vực châu Á cũng được dự báo sẽ đổ vào Việt Nam”, ông Yun Hang Jin nêu.

"Việt Nam vẫn hấp dẫn trong 10 năm tới"

Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Chung Jae Hoon cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2024 được đánh giá khả quan hơn năm 2023. Các yếu tố thuận lợi đến từ nhiều yếu tố.

Thứ nhất là quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới đều đã đến chặng cuối, sẽ giúp cho các nền kinh tế chủ chốt hạ cánh mềm, qua đó tác động tích cực lên các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Khi Fed hạ lãi suất sẽ giảm áp lực lên tỷ giá và hoạt động rút ròng của khối ngoại có thể giảm bớt.

Thứ hai, Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và Nhật Bản, củng cố mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc sẽ là những yếo tố tạo động lực để nền kinh tế tăng tốc, thu hút thêm dòng vốn FDI, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và doanh nghiệp,  cải thiện kết quả kinh doanh của các công ty, tạo nền tăng trưởng cho thị trường chứng khoán.

Thứ ba, chính sách tiền tệ, tài khóa tiếp tục ủng hộ tăng trưởng kinh tế, các giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách được đẩy mạnh triển khai kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp;

Ngoài ra, mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam đang ở vùng thấp cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo đạt 15-20%, dự kiến những thay đổi về hệ thống giao dịch mới và các quy định hướng tới nâng hạng thị trường sẽ tạo động lực bứt phá cho thị trường chứng khoán.

Ông Yun Hang Jin đánh giá rằng những khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ năm 2022 vẫn đang tiếp diễn và các nhà đầu tư Việt Nam dường đã lo ngại về điều đó. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang có những yếu tố hấp dẫn, như mức PE dự phóng của thị trường chứng khoán Việt Nam là 11,5 lần, vẫn thấp hơn mức trung bình trước đó. Tốc độ tăng trưởng EPS vào năm 2024 dự kiến là 17% và sự cải thiện hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp sẽ càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của cho việc định giá trên thị trường chứng khoán.

“Tiềm năng phát triển của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP của Việt Nam là 17% vào năm 2013 cách đây 10 năm, nhưng hiện đã giảm xuống còn 10,5% vào quý III năm nay. Mặt khác, các ngành sản xuất và dịch vụ đang ngày càng mở rộng. Những chỉ số này sẽ càng trở nên rõ ràng hơn khi nhìn vào xuất khẩu. Năm 2013, sản phẩm xuất khẩu liên quan đến công nghệ thông tin - ngành có giá trị gia tăng cao là 24,4% và xuất khẩu liên quan đến công nghiệp nặng và hóa chất là 12,5%, nhưng đến năm 2023, xuất khẩu liên quan đến Công nghệ thông tin tăng lên 32,7% và công nghiệp nặng và hóa chất lên 25%. Những thay đổi cơ cấu công nghiệp tích cực này sẽ là điểm hấp dẫn để đầu tư vào Việt Nam trong 10 năm tới”, ông Yun Hang Jin nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác