Bất động sản

Chuyên gia: 'Thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, thừa nhà giá cao'

(VNF) - Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Việt Nam chỉ ra sự lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản Việt Nam, hiện tại thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, nhưng lại thừa nhà giá cao. Trong khi với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân hiện nay rất khó để có thể sở hữu nhà.

Chuyên gia: 'Thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, thừa nhà giá cao'

'Thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, thừa nhà giá cao'. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định thị trường bất động sản thời Covid đặt ra nhiều vấn đề khi nguồn cung ngày càng giảm, nhu cầu ngày càng tăng, cả trong nước và nước ngoài, giá nhà cũng tăng theo.

Theo ông Khởi, có một số điểm nghẽn, thứ nhất là cơ chế chính sách mặc dù Chính phủ, Quốc hội đã ban hành chính sách, cơ chế nhằm tháo gỡ nhưng vẫn còn điểm nghẽn như: thiếu nguồn cung nhà ở thu nhập thấp, cung thấp cầu cao. Thứ hai, theo ông Khởi, là giá bất động sản liên tục tăng, đặc biệt các nơi có quy hoạch đô thị.

“Nhiều người đặt vấn đề sốt đất nhưng xin khẳng định rằng, không có chuyện bong bóng bất động sản, dù có điểm sốt nhưng không phải sốt cao. Giá bất động sản tăng chủ yếu do cung ít cầu cao. Một phần là thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ, có dự án 3-4 năm, tình trạng này xảy ra khi chưa có Covid-19, dẫn tới tồn đọng dự án. Nguồn tài chính chưa đa dạng, bền vững, khi tín dụng ngân hàng siết chặt, cổ phiếu, trái phiếu bị kiểm soát, điều này đang được đánh giá lại xem sẽ ảnh hưởng bao lâu tới thị trường; nguồn cung càng ít, giá càng cao”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

“Hiện đa số các địa phương cũng chưa làm tốt thông tin pháp lý về dự án khiến nhiều nhà môi giới lũng đoạn giá. Tuy nhiên, cần thấy rằng một loạt chính sách bất động sản được thiết kế năm 2020-2021 đã đủ độ trễ để thực hiện trong năm 2022; có những chính sách đầu tháng 3 năm nay các chính quyền địa phương mới bắt đầu triển khai thực hiện”, ông Khởi nói.

Ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Việt Nam cũng chỉ ra, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài và ảnh hưởng đến tình hình chung của thế giới. Giao tranh giữa Nga và Ukraine trong thời gian gần đây cũng đã tác động đến giá dầu toàn thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi của thị trường. Bên cạnh đó, áp lực lạm pháp tăng cao ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không đứng ngoài những khó khăn này. Ngoài ra, siết tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây.

“Việc nhà nước rà soát lại việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tác động đến thị trường này. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác, những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, kéo dài thời gian triển khai dự án, làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, tăng chi phí để phát triển dự án. Tiếp đó, sự lệch pha cung - cầu, hiện tại thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, nhưng lại thừa nhà giá cao. Trong khi với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân hiện nay rất khó để có thể sở hữu nhà”, ông Thắng nói.

Ông Trần Thế Anh, Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group khẳng định “niềm tin” của người dân và nhà đầu tư gia tăng nhờ vào hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thách thức đề ra đối với thị trường đó là hiện tượng siết vốn của ngân hàng, việc khó vay vốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các giao dịch; hành lang pháp lý, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại.

Đặc biệt, thị trường vẫn còn tồn tại tình trạng là các dự án nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phát triển mạnh, không có kiểm soát gây nguy cơ vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường, khó kết nối hạ tầng khi nhà nước triển khai…

Từ những khó khăn của thị trường, doanh nghiệp, đại diện Thắng Lợi Group đề xuất về phía sở, ban ngành cần có cơ chế tiếp cận vốn dễ hơn. Khách hàng, nhà đầu tư có nhiều ưu đãi trong vay vốn. Về hạ tầng, cần phát triển mạnh hạ tầng khu vực phía Nam, đặc biệt cao tốc, các tuyến vành đai. Cùng đó, ưu tiên các chính sách BOT để có nguồn lực thực thi mạnh; đa dạng hoá các loại hình giao thông, đặc biệt đường bộ, đường thuỷ (đặc trưng vùng sông nước miền Nam).

Đặc biệt, về loại hình sản phẩm, ông Thế Anh nhấn mạnh cần đầu tư mạnh mô hình nhà ở vừa túi tiền. Đa dạng hoá các loại hình sản phẩm với nhiều phân khúc phù hợp nhu cầu khách hàng.

“Về thủ tục pháp lý, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng phê duyệt pháp lý nhanh hơn. Đồng thời, thí điểm mô hình vừa cấp phép vừa làm dự án để tối ưu hoá chi phí cho doanh và khách hàng”, ông Thế Anh nói.

Tin mới lên