Bất động sản

Chuyển sang đầu tư công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng

(VNF) - Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu chuyển sang đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư của 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sẽ giảm khoảng 3.020 tỷ đồng do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng như đầu tư PPP.

Chuyển sang đầu tư công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng

Chuyển đầu tư công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2017-2020 và dự thảo tờ trình Quốc hội về việc điều chỉnh dự án cao tốc Bắc - Nam.

Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện các nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam hầu hết gặp khó khăn về huy động vốn tín dụng. Nguyên nhân bởi các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn…

Bộ Giao thông vận tải cũng đã tiến hành sơ tuyển đối với 8 dự án thành phần (đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Kết quả, 7/8 dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên vượt qua vòng sơ tuyển. Riêng dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể khởi công và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ tháng 8/2020. Bên cạnh đó, việc triển khai đồng loạt toàn bộ 8 dự án trong năm 2020 còn có thể giải ngân thêm khoảng 11.500 tỷ đồng.

Về vấn đề này, trước đó, kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ về phương thức đầu tư công, chậm nhất đến tháng 8/2020 khởi công.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, nếu chuyển sang đầu tư công sơ bộ tổng mức đầu tư của 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam khoảng 99.493 tỷ đồng (giảm tổng mức đầu tư khoảng 3.020 tỷ đồng do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng như đầu tư PPP).

Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị gần 68.000 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 15.400 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn hơn 7.780 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 8.300 tỷ đồng.

Hiện đã có 55.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 52/2017/QH14 thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. 

Đối với phần còn thiếu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa tiến hành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án trên. Trong đó, đồng ý trình Quốc hội chuyển đổi 8 dự án sang đầu tư công.

Tin mới lên