Tài chính

Chuyện sáp nhập ở Coteccons: Định giá từng công ty là vấn đề mấu chốt

(VNF) – “Việc sáp nhập cần phải xem xét một cách thận trọng lợi ích của tất cả cổ đông vì trong đó sẽ có một số thành viên ban lãnh đạo bán phần lợi ích của mình cho Coteccons. Rõ ràng việc định giá từng công ty là vấn đề mấu chốt”, Công ty Chứng khoán HSC nhận định.

Chuyện sáp nhập ở Coteccons: Định giá từng công ty là vấn đề mấu chốt

Chuyện sáp nhập ở Coteccons: Định giá từng công ty là vấn đề mấu chốt.

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Công ty Xây dựng Coteccons.

HSC cho biết, Coteccons đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2018 vì thị trường bất động sản nhà ở phân khúc cao cấp tăng trưởng kém đi, do điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn, cộng với tình trạng dư cung vừa phải khiến cho giá trị hợp đồng ký mới giảm, buộc công ty phải chuyển hướng sang các phân khúc có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

“Điều này lại xảy ra đúng vào lúc tỷ suất lợi nhuận vốn đã chịu áp lực giảm do chi phí đầu vào tăng, áp lực cạnh tranh lớn hơn và chi phí nhân công tăng lên do có sự thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung hạn và chúng tôi thấy có 2 động lực tiềm năng rất mạnh đang xuất hiện”, HSC cho hay.

Động lực đầu tiên, theo HSC, là tiềm năng sáp nhập với các công ty liên quan (các công ty này hiện đang là nhà thầu phụ cho Coteccons).

Tại đại hội đồng cổ đông 2018, cổ đông Coteccons đã thảo luận về việc sáp nhập các công ty liên quan bao gồm cả Ricons vào Coteccons. Hiện Coteccons có một số công ty liên quan là Ricons, FDC, BM Window và BOHO.

Những công ty này chuyên về các mảng khác nhau trong xây dựng. Chẳng hạn như xây dựng kết cấu, kính và hệ mặt dựng, cung cấp sản phẩm nhôm và nội thất… Các công ty này được sở hữu phần lớn bởi ban lãnh đạo và thường đảm nhiệm vai trò là thầu phụ cho Coteccons tại nhiều dự án.

Một số cổ đông đề xuất sáp nhập toàn bộ những công ty này với Coteccons để loại bỏ lợi ích cổ đông thiểu số, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp và đảm bảo lợi nhuận đều thuộc về cổ đông công ty.

“Kustocem Pte. Ltd, cổ đông lớn nhất của Coteccons với 17,7% cổ phần có vẻ ủng hộ ý tưởng sáp nhập này. Việc sáp nhập cần phải xem xét một cách thận trọng lợi ích của tất cả cổ đông vì trong đó sẽ có một số thành viên ban lãnh đạo bán phần lợi ích của mình cho Coteccons. Rõ ràng việc định giá từng công ty là vấn đề mấu chốt”, HSC nhận định.

Nếu được thực hiện một cách đúng đắn, HSC cho rằng đây sẽ là một nhân tố làm thay đổi cục diện một cách tích cực cho Coteccons.

Động lực thứ hai là sự chuyển hướng sang các ngành kinh doanh có giá trị gia tăng lớn hơn, chẳng hạn như đầu tư và phát triển các dự án thương mại và cơ sở hạ tầng.

Coteccons đang tìm kiếm cơ hội mới ở mảng xây dựng hạ tầng. Đây là một phần trong kế hoạch đa dạng hóa nguồn doanh thu của công ty.

Lãnh đạo Coteccons đã khẳng định ý định đẩy mạnh mở rộng sang phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thị trưởng xây dựng đang cho thấy những dấu hiệu chững lại rõ ràng.

“Coteccons có kế hoạch đầu tư vào một số bất động sản thương mại và một số dự án nhà ở thông qua công ty con Covestcons. Tuy nhiên không có nhiều thông tin cụ thể về tiến độ của những dự án này. Sự lấn sân sang mảng bất động sản đầu tư này có thể là chìa khóa cho tăng trưởng dài hạn tuy nhiên thời gian triển khai có thể kéo dài trong nhiều năm”, HSC đánh giá.

Mục đích của Coteccons là mở rộng sang mảng kinh doanh cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn đồng thời giúp ổn định lợi nhuận hơn bằng cách mua lại một số bất động sản đầu tư để kinh doanh hoặc bán lại ở mức giá hợp lý.

“Rõ ràng tỷ suất lợi nhuận cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản và/ hoặc vận hành BĐS hoạt động cao hơn nhiều so với một công ty xây dựng đơn thuần. Tuy nhiên, quá trình mở rộng đòi hỏi thời gian học hỏi và phải trải qua một vài năm chuyển đổi trước khi thu được thành quả”, HSC đánh giá thêm.

Tin mới lên