Thực chất, việc CII thâu tóm NBB đã rộ lên từ đầu năm 2015. Theo dự kiến, CII sẽ đàm phán với NBB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 45% vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, việc thâu tóm đã diễn ra chậm hơn dự kiến.
Nguyên nhân là nhóm cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài của NBB chưa đồng thuận với đề xuất M&A mức giá 27.200 đồng/cổ phần, dù mức này đã cao hơn thị trường gần 30%.
Trong năm 2016, CII đã tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu NBB xuống 19,99 % và ngưng kế hoạch thâu tóm.
Động thái này, theo lý giải của NBB, xuất phát từ việc Ban lãnh đạo NBB chưa thống nhất được việc CII muốn mua cổ phiếu phát hành thêm để nắm quyền kiểm soát. Còn CII thì cho biết họ muốn thực hiện đánh giá lại các dự án đầu tư của NBB, muốn tự đổ tiền vào các dự án cụ thể chứ không muốn rót vốn cho NBB tự quyết.
Trong thời gian đầu năm 2017, cùng với việc phê duyệt kế hoạch thâu tóm, CII đã mua thêm 1,24 triệu cổ phần NBB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,14% (tương ứng 12,88 triệu cổ phần).
Tuy nhiên do NBB mới thực hiện chuyển đổi 127,5 tỷ đồng giá trị trái phiếu chuyển đổi thành gần 5,67 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư, nâng tổng cổ phiếu của công ty lên 63,98 triệu, nên thực chất tỷ lệ sở hữu của CII chỉ là 20,1%.
NBB từng chi 450 tỷ đồng mua 6.000m2 đất Thủ Thiêm
Nếu thương vụ thâu tóm NBB diễn ra thành công, CII sẽ tận dụng được lợi thế kinh nghiệm và quỹ đất sạch dồi dào từ NBB. Hiện NBB đang nắm trong tay quỹ đất gần 400 ha, trong đó có 26ha tại TP. HCM.
Được biết, Hội đồng quản trị CII đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch tài chính năm 2017 và tỷ lệ chi trả cố tức năm 2016 để trình đại hội đồng cổ đông năm 2017. Theo đó, trong năm 2017 CII đặt mục tiêu doanh thu 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.430 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức 21.5% (bao gồm 20% năm 2017 và 1,5% năm 2016 chuyển sang).