Cơ cấu chi phí hiện nay của Vinamilk nói lên điều gì?

Kình Dương - 11/08/2016 11:06 (GMT+7)

(VNF) – Những phân tích từ cơ cấu chi phí bán hàng cho thấy, Vinamilk đang chi rất nhiều tiền cho công tác hỗ trợ và hoa hồng cho nhà phân phối với mục đích chiếm lĩnh nhanh chóng những thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ. Cơ cấu giá vốn và cơ cấu chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gợi mở nhiều điều về hoạt động kinh doanh và quản trị của Vinamilk.

Chưa bao giờ kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại "rực rỡ" đến thế. Chỉ trong nửa đầu năm 2016, doanh thu thuần của Vinamilk đã đạt mức 22.782 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD. 

Thị giá cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng liên tiếp tạo đỉnh trong thời gian gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/08/2016, thị giá cổ phiếu VNM của Vinamilk tiếp tục tạo đỉnh mới với mức giá 164.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, giá trị vốn hóa của Vinamilk cũng tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, đạt mức 198.366 tỷ đồng, chiếm 15,24% tổng giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE. Thời điểm đầu năm 2016, giá trị vốn hóa của Vinamilk chiếm 13,45% tổng giá trị vốn hóa toàn sàn HOSE.

Vậy Vinamilk đang làm gì để tạo ra những điều phi thường đó? Cơ cấu chi phí 5 năm gần đây cho thấy phần nào bức tranh quản trị của Vinamilk hiện nay và phần nào chiến lược mà Vinamilk đang áp dụng.

Tỷ trọng giá vốn ngày càng giảm

Xét trong giai đoạn 2012 – 6 tháng 2016, tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của Vinamilk có xu hướng giảm khá rõ rệt. Nếu như năm 2012, tỷ trọng giá vốn của Vinamilk ở mức 65,8% thì đến hết năm 2015, tỷ trọng này giảm xuống chỉ còn 59,4%. Tỷ trọng giá vốn của Vinamilk tiếp tục giảm xuống còn 57,4% trong 6 tháng đầu năm 2016. 

 
Tỷ trọng Giá vốn hàng bán/Doanh thu thuần của Vinamilk giai đoạn 2012 – 6 tháng 2016

Đây là một thông tin tích cực, thậm chí có phần bất ngờ, bởi thông thường thì cạnh tranh càng cao thì tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần càng tăng vì các doanh nghiệp phải giảm giá bán, có những ngành doanh thu thuần còn càng ngày càng tiến gần đến mức giá vốn. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng "đáng ngạc nhiên" này của Vinamilk.

Đầu tiên là nguyên nhân đến từ quy mô của Vinamilk. Việc Vinamilk ngày càng "phình to" khiến cho tập đoàn này được hưởng lợi ích kinh tế nhờ quy mô. Nói nôm na là quy mô sản xuất càng lớn thì càng khiến chi phí cố định bình quân giảm, nhờ vậy mà tỷ lệ giá vốn trên từng đơn vị sản lượng giảm đi. Chỉ trong vòng 3 năm, doanh thu thuần của Vinamilk đã tăng tới 50%, từ mức 26.561 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2012 lên mức 40.080 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2015.

Quy mô của "kẻ thống trị" Vinamilk ngày càng lớn cũng khiến Vinamilk ngày càng chi phối thị trường, khi đó, tập đoàn này không việc gì phải giảm giá sữa cả.

Nguyên nhân thứ hai đến từ bản chất thị trường sữa Việt Nam hiện nay. Thị trường sữa Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng vì tỷ lệ tiêu thụ sữa/người của nước ta còn thấp, hơn nữa thu nhập người dân cũng ngày càng tăng lên. Chính vì dư địa thị trường cũng còn khá nhiều nên các doanh nghiệp sữa không nhất thiết phải giảm giá sữa để cạnh tranh, trong đó có Vinamilk.

Tỷ trọng chi phí bán hàng ngày càng tăng

Tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu thuần của Vinamilk tăng đều trong giai đoạn 2012 – 6 tháng 2016. Cụ thể, nếu như tỷ trọng chi phí bán hàng năm 2012 của Vinamilk đạt mức 8,8% thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên mức 10,6%. Tỷ trọng chi phí bán hàng tiếp tục tăng qua các năm tiếp theo, lên mức 13,4% vào năm 2014, 15,6% vào năm 2015 và 15,8% thời điểm 6 tháng đầu năm 2016.

 
Tỷ trọng Chi phí bán hàng/Doanh thu thuần của Vinamilk giai đoạn 2012 – 6/2016

Như vậy, doanh thu của Vinamilk ngày càng phụ thuộc vào công tác bán hàng, đặc biệt là công tác quảng cáo và công tác hỗ trợ, hoa hồng cho nhà phân phối. 6 tháng đầu năm 2016, Vinamilk chi tổng cộng 891 tỷ đồng cho công tác quảng cáo, nghĩa là tập đoàn này chi ra gần 4,9 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo. Con số này tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, công tác hỗ trợ và hoa hồng cho nhà phân phối còn quan trọng hơn khi Vinamilk đã dành tới 1.418 tỷ đồng cho công tác này trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng tới 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này có thể nghĩ đến ngay là do vấn đề cạnh tranh. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng khiến Vinamilk ngày càng chi phiều tiền cho công tác bán hàng, đặc biệt là công tác hỗ trợ và hoa hồng cho nhà phân phối, là tập đoàn này muốn đẩy mạnh khai mở và nhanh chóng chiếm lĩnh những thị trường còn tiềm năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thông qua chiến lược chiếm lĩnh các nhà phân phối.

Tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp tương đối ổn định

Tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần của Vinamilk tương đối ổn định quanh mức trên 2% trong giai đoạn 2012 – 6 tháng 2016, ngoại trừ năm 2015. 

 
Tỷ trọng Chi phí quản lý doanh nghiệp/Doanh thu thuần của Vinamilk giai đoạn 2012 – 6 tháng 2016

Sở dĩ tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp của Vinamilk tăng đột biến trong năm 2015 nhiều khả năng là do khoản thưởng đậm đột biến cuối năm bằng cổ phiếu cho hàng loạt lãnh đạo tập đoàn này.

Việc giữ tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức ổn định trong nhiều năm gần đây cho thấy, Vinamilk đang ứng phó tốt với sự "phình to" về mặt quy mô. Bởi đa số các doanh nghiệp càng to ra thì tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần càng tăng bởi công việc quản lý khó khăn, phức tạp và chồng chéo hơn nhiều; đồng thời doanh nghiệp càng lớn thì quản lý có xu hướng càng quan liêu hơn, gây giảm hiệu quả quản lý. 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.