Cơ hội béo bở mới với các gã khổng lồ công nghệ?

Linh Đỗ - 04/07/2021 15:12 (GMT+7)

Là cơn sốt với các nhà đầu tư, mô hình khởi nghiệp kinh doanh tạp hóa online có thể trở thành “miếng bánh béo bở” cho những gã khổng lồ như Amazon thâu tóm.

VNF
Các nhân viên chuyển phát nhanh sẽ "đi chợ hộ" theo đơn đặt và giao hàng trong thời gian ngắn.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã đẩy nhanh nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân. Nắm bắt tình hình đó, các nhà đầu tư đã đổ hàng tỷ USD vào mô hình kinh doanh tạp hóa trực tuyến, mặc cho một số công ty khởi nghiệp mới ra đời chưa đầy một năm.

Dữ liệu từ Pitchbook cho thấy các công ty tạp hóa trực tuyến liên doanh đã huy động được hơn 10 tỷ USD từ đầu năm cho đến nay, làm lu mờ con số 7 tỷ USD các công ty huy động được một năm trước đó.

Những công ty khởi nghiệp tỷ USD

Tại Mỹ, Instacart - công ty cung cấp dịch vụ giao tạp hóa được định giá 39 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 3. Giống mô hình hoạt động của Instacart, Gopuff được định giá với mức giá trị đạt 8,9 tỷ USD. Trong khi đó, ứng dụng “mua sắm hộ” của Trung Quốc Xingsheng Youxuan huy động được 3 tỷ USD, số vốn khổng lồ trong năm 2021. Đây cũng là khoản vốn đầu tư lớn nhất Youxuan kêu gọi được từ khi khởi nghiệp cho đến nay.

Cơn sốt tạp hóa trực tuyến cũng lan tới châu Âu trong năm 2020 khi hàng loạt ứng dụng “đi chợ thụ động” như Getir, Gorillas và Weezy thu hút người tiêu dùng bằng lời chào mời giao hàng chỉ trong vòng 10-20 phút đầy hấp dẫn.

Những ứng dụng này sẽ hợp tác với các “cửa hàng tối” - trung tâm phân phối mặt hàng phục vụ mua sắm trực tuyến và các cửa hàng tạp hóa nhỏ, nơi các mặt hàng tạp hóa được đóng gói và giao bởi bộ phận chuyển phát nhanh.

Tuần này, Rohlik - công ty cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng 2 tiếng đến từ CH Czech đã huy động được 120 triệu USD với giá trị vốn hóa đạt 1,2 tỷ USD. Tomas Cupr, CEO Rohlik cho biết Rohlik “hoàn toàn có lợi nhuận” khi hoạt động tại thị trường quê nhà.

“Nhiều công ty phải vật lộn để tồn tại trước khi dịch Covid-19 ập đến. Sau khi đại dịch xuất hiện, những doanh nghiệp tạp hóa trực tuyến lại ‘phất lên như diều gặp gió’”, Cupr chia sẻ với CNBC. “Chúng tôi tự tin với sự phát triển lớn mạnh của mình trước đại dịch. Dù cho tình hình dịch bệnh thuyên giảm, chúng tôi vẫn sẽ tồn tại mạnh mẽ”, Cupr nhấn mạnh.

"Hoàn toàn không cân xứng"

Sức hút lớn khiến thị trường giao hàng tạp hóa online ngày càng chật chội. Một số chuyên gia bán lẻ cũng chỉ ra dấu hiệu của làn sóng hợp nhất đang đến rất gần.

“Những khoản đầu tư đổ dồn vào thị trường này hoàn toàn không cân xứng với quy mô cơ hội. Tôi nghi ngờ về khả năng xuất hiện thương vụ hợp nhất giữa các doanh nghiệp”, Luke Jensen, CEO Ocado Solutions - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tạp hóa trực tuyến nhận định.

Các chuyên gia cho rằng những tên tuổi “sừng sỏ” trong lĩnh vực bán lẻ như Amazon có khả năng sẽ tham gia vào những thương vụ mua lại này.

Theo Nielsen, ngay cả trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 1 tại Anh, chỉ 16% doanh số lĩnh vực bán hàng tạp hóa đến từ mô hình trực tuyến. Dù vậy, con số này vẫn đạt mức cao kỷ lục. Các nhà sáng lập và đầu tư công nghệ khẳng định điều đó mở ra cơ hội lớn để mô hình kinh doanh trực tuyến thâm nhập vào đời sống.

Đối với CEO Ocado Solutions, các công ty khởi nghiệp với mô hình tạp hóa trực tuyến chủ yếu cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi hơn là các siêu thị lớn, đồng nghĩa với việc họ chỉ đang nhắm đến một phần nhỏ của thị trường.

Chưa chắc chắn

Theo CNBC, Getir - công ty khởi nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sớm đi đầu trong cơn sốt giao hàng tạp hóa nhanh chóng. “Dù thành lập vào năm 2015, công ty gần đây bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)”, CNBC dẫn lời Nazim Salur - CEO Getir.

Nếu ví thị trường này như một trò chơi điện tử, Salur cho rằng Getir đang ở cấp 6 trong khi những công ty khởi nghiệp khác hầu như chỉ đạt cấp 1. Getir đang nhanh chóng mở rộng thị trường tại châu Âu và lên kế hoạch hoạt động tại Mỹ trong năm nay, sau đợt huy động vốn với mức định giá công ty đạt 7,5 tỷ USD.

“Mọi người có quyền trở nên lười biếng”, Salur nói và mô tả việc đi mua sắm nhu yếu phẩm là “sự lãng phí thời gian”. “Chúng tôi đang dân chủ hóa quyền lười biếng”, ông khẳng định.

CEO ứng dụng giao hàng tạp hóa Getir cho rằng việc đi mua sắm nhu yếu phẩm là "lãng phí thời gian"

Dù cho tính cạnh tranh ngày càng leo thang, Salur không nghĩ sự hợp nhất với quy mô lớn sẽ xuất hiện trên thị trường. Hôm 1/7, Getir đã mua lại một đối thủ cạnh tranh ở Nam Âu có tên BLOK. “Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra với quy mô lớn. Để sự hợp nhất diễn ra, các nhân tố cần có chỗ đứng nhất định trên thị trường”, CEO Getir tuyên bố.

Theo ghi nhận của Business Insider, nền tảng tạp hóa trực tuyến Dija có trụ sở tại London (Anh) được cho là đã tổ chức các buổi đàm phán về thương vụ bán lại cho đối thủ Gopuff của Mỹ. Tuy nhiên, đại diện Dija từ chối bình luận về vấn đề này.

Jensen của Ocado Solutions cho rằng hầu hết ứng dụng tạp hóa trực tuyến và các nhà đầu tư sẽ có kết cục “thảm hại khi kỳ vọng bị thổi phồng”. Ban đầu, Ocado được xây dựng với diện mạo là một siêu thị trực tuyến hạng sang. Tuy nhiên, công ty phải chuyển hướng sang phát triển phần mềm và robot cho các nhà bán lẻ quốc tế như Kroger để bán sản phẩm của chính mình qua Internet.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác