'Có nhiều thuận lợi để đón đầu cổ phiếu bất động sản công nghiệp'

Bảo Duy - 18/11/2020 17:31 (GMT+7)

(VNF) - Đó là nhận định của ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam tại Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4: “Chiến lược đầu tư thời Covid 19”.

VNF
Theo chuyên gia, Việt Nam có nhiều thuận lợi để đón đầu cổ phiếu bất động sản công nghiệp.

Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản, ông Phương đánh giá cao  cổ phiếu bất động sản công nghiệp. Theo ông Phương, điểm mạnh của Việt Nam là quy hoạch khu công nghệp trải dài cả 3 miền để tận dụng các cảng biển. Cụ thể, Việt Nam có 336 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất khu công nghiệp là 97.800ha. Trong đó, có 261 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê 66.000 ha, chiếm tỷ lệ 76% lấp đầy.

“Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để lạc quan đón đầu ngọn gió cổ phiếu bất động sản công nghiệp, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhất ASEAN. Các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào Việt Nam và kể cả các chủ tịch tập đoàn lớn cũng mạnh mẽ cam kết đầu tư vào Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ doanh nghiệp FDI điện tử, công nghệ ở Trung Quốc ra Đông Nam Á và bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm đến của làn sóng này; nguồn cung chưa thể mở rộng nhanh chóng, giá thuê sẽ tăng mạnh cho các khu công nghiệp hiện hữu”, ông Trương Hiền Phương nói.

Dẫn chứng thêm, ông Phương cho hay bất động sản công nghiệp được xem là “bất khả chiến bại” bởi tỷ lệ hấp thụ ở các khu kinh tế trọng điểm rất tích cực và giá thuê mới cũng tăng tốt. Cụ thể, tính đến quý III/2020, đất công nghiệp cho thuê tại TP. HCM, Đồng Nai, Long An tăng 20 – 30% so với năm trước.

Cũng theo ông Phương, thời gian khó khăn đã qua và cơ hội đầu tư vào ngành bất động sản sắp tới sẽ mở ra rất nhiều. Nhóm cổ phiếu bất động sản cho trung và dài hạn theo đó cũng được ông đánh giá cao.

“Nếu các nhà đầu tư muốn lợi nhanh hơn thì nên đầu tư vào nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp. Thị trường chứng khoán luôn là đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống, cho nên các nhà đầu tư nên mua lúc thị trường bắt đầu lên, nên tối ưu hoá và bán lúc thì trường bắt đầu giảm. Nên chọn cổ phiếu 50%, lựa chọn thời điểm 50%”, ông nói.

"Điểm sáng" của thị trường bất động sản Việt Nam

"Một điểm sáng của của thị trường Việt Nam chính là bất động sản công nghiệp mà lâu nay chúng ta chỉ nói đến một phần nào đó của phân khúc này mà không khắc hoạ được đầy đủ một bức tranh tổng thể", TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định tại hội thảo.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, hiện nay, việc đầu tư quy mô lớn vào các bất động sản công nghiệp ở Việt Nam không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng các chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng (supply chain), khu công nghiệp, hậu cần kho bãi...

Cũng theo TS. Sử Ngọc Khương, đây chính là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, đặc biệt sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đặc biệt hơn, khi cán cân của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc đến các nước lân cận thì Việt Nam được xem là một điểm sáng khi mà cơ sở hạ tầng đang từng bước được thay đổi cùng với các thể chế chính sách đang mở rộng cánh cửa ra để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

“Đích thân Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ vấn đề này trong các cái kỳ đại hội của chúng ta về việc mời gọi các nhà đầu tư đến tham gia vào lĩnh vực sản xuất dịch vụ ở Việt Nam. Do đó, bài toán lớn về bất động sản công nghiệp ở đây chính là chúng ta đang hình thành những chuỗi giá trị đầu tư khép kín, đồng thời chúng ta cũng có hệ thống cảng biển nước sâu, đặc biệt ở miền Nam, chúng ta có thể thấy hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải là một ví dụ điển hình cho mô hình”, TS. Sử Ngọc Khương khẳng định.

TS. Sử Ngọc Khương cho rằng đây là một bài toán lớn cho các nhà đầu tư, khi mà khu công nghiệp là một trong những mắt xích trong hệ thống chuỗi cung ứng khép kín.

“Đó là lý do tại sao khi các nhà sản xuất lớn tham gia vào thị trường Việt Nam khi mà hệ thống vận chuyển, hệ thống chuỗi cung ứng, hệ thống cảng biển nước sâu đang chờ sẵn và cơ sở hạ tầng đang từng bước được thay đổi. Và đây chính cũng là điểm sáng của thị trường Việt Nam và nếu chúng ta làm đúng trong vòng 5 – 10 năm tới thì chúng ta sẽ được xem là một Trung Quốc +1”, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nói.

"Chúng ta có thể tự hào khẳng định với nhau rằng chúng ta đang sống trong một môi trường tương đối ổn định và an toàn về mặt sức khoẻ cũng như là chính trị và đây sẽ là cái để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào. Bên cạnh đó, bản thân những nhà đầu tư trong nước gồm tổ chức và cá nhân cũng sẽ sẵn sàng đầu tư, thay vì trước đây, họ đầu tư dự trữ vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng, thì bây giờ họ bắt đầu chuyển hoá lượng tiền của họ sang hình thức bất động sản vì đây chính là cơ hội trong thời gian tới”, TS. Sử Ngọc Khương chia sẻ thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác