M&A

Cổ phần hóa, thoái vốn: Sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

(VNF) - Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến sẽ trao sự chủ động nhiều hơn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Cổ phần hóa, thoái vốn: Sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 diễn ra khá chậm chạp

Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn dự kiến không đạt kế hoạch

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách khoảng hơn 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2020 mới chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp với tổng giá trị thoái vốn gần 6.500 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị theo kế hoạch. Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và khoảng 242 doanh nghiệp cần thực hiện thoái vốn.

8 tháng đầu năm 2021, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn chưa ghi nhận tín hiệu tích cực khi cả nước chỉ có thêm 3 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa (không nằm trong kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020) và số thu từ thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 2.165 tỷ đồng, trong đó 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 thu về vỏn vẹn 84,1 tỷ đồng.

Với các diễn biến cổ phần hóa, thoái vốn rất ảm đạm, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mới nhận được khoản tiền ít ỏi 366 tỷ đồng sau 8 tháng, trong khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch thu từ hoạt động này trong năm 2021 là 40.000 tỷ đồng. Chỉ còn ít tháng nữa là kết thúc năm, trước tình thế khó có thể xoay chuyển kịp, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính, cho rằng sẽ không thể hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách này và như vậy, khối lượng công việc ứ đọng của giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục TCDN cho rằng, nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa tiếp tục chậm trễ là do bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, đồng thời làm cho các hoạt động như thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, công tác đấu giá vốn nhà nước theo quy định... gặp khó khăn, không thể triển khai.

Đặc biệt ở hai địa phương có số doanh nghiệp nằm trong danh mục cổ phần hóa, thoái vốn chiếm đến 60% kế hoạch là Hà Nội và TP. HCM, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng. Chưa kể một số doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch khác do trung ương quản lý cũng đặt trụ sở chính ở hai điểm nóng này.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, nhận định ngoài nguyên nhân khách quan, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chậm trễ là căn bệnh thường thấy ở các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và không dễ đẩy nhanh quá trình này. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn có nhiều lý do để giải thích cho việc chậm trễ, điều này đã khiến cho mục tiêu về tiến độ cổ phần hóa không thể hoàn thành trong nhiều năm qua.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn chưa thực chất. Để cải thiện tốc độ thực hiện cần phải buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là những doanh nghiệp thua lỗ phải phá sản và nhà nước không thể tốn thêm nguồn lực để đổ vào những dự án kém hiệu quả. Việc dùng nguồn lực nhà nước hay bắt các doanh nghiệp khác cùng gánh vác doanh nghiệp yếu kém chỉ càng khiến doanh nghiệp yếu thêm.

Bên cạnh đó, công tác quản trị doanh nghiệp phải tuân theo chuẩn mực toàn cầu. Khi đó, thông tin được minh bạch và thị trường sẽ tự đánh giá. Nhà đầu tư cũng dễ dàng bỏ vốn vào doanh nghiệp hơn khi họ có thể hiểu doanh nghiệp. Còn nếu chỉ loay hoay thoái vốn, cổ phần hóa mà không thay đổi những điều trên thì nguy cơ bán rẻ rất lớn, mà bán đắt thì không ai mua vì nhà đầu tư thiếu niềm tin. Phải xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc vì nếu càng ì ạch sẽ càng làm mất mát tài sản, thiệt hại cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi, nếu nội tại doanh nghiệp tốt có thể tận dụng “cơn sóng” này để đạt được giá trị tốt hơn.

Tăng cường gắn trách nhiệm người đứng đầu

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, cải thiện thực trạng ì ạch những năm qua, ông Đặng Quyết Tiến cho biết mới đây Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới. Đề án này khi được thông qua và ban hành sẽ đưa ra một thông điệp rõ ràng là trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp và cơ quan chủ sở hữu, từ đó, tạo cho họ áp lực và cả động lực.

Theo người đứng đầu Cục TCDN, đề án sẽ trao quyền, trao sự chủ động nhiều hơn cho doanh nghiệp, sẽ không đặt kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp tự đăng ký, tự đặt thời gian thực hiện chứ không phân bổ như các năm trước. “Có thể hiểu rằng doanh nghiệp có thể đăng ký cổ phần hóa bất kỳ thời điểm nào cũng được, miễn là hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với tiến độ công tác cổ phần hóa và thoái vốn trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đăng ký kế hoạch từng năm hoặc cho cả giai đoạn”, ông Tiến cho hay. Theo vị này, quyền được trao nhiều hơn khi phân cấp mạnh hơn và theo đó, trách nhiệm của người đứng đầu cũng sẽ lớn hơn. Đề án gắn rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, người đứng đầu đã đăng ký thì phải làm, không làm được phải chịu trách nhiệm, tránh việc không rõ trách nhiệm thuộc về ai như trước kia.

Ông Tiến chia sẻ thêm, để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách nhà nước đáp ứng kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 là 248.000 tỷ đồng, Cục TCDN đã trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, ngoài đề xuất chỉ đạo điều hành chung, đáng chú ý là các phương án cụ thể như đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ưu tiên tập trung cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2024 với tổng số thu dự kiến theo mệnh giá là hơn 94.160 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giai đoạn 2022 - 2023, dự kiến thu về 19.847 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Tương tự, Bộ Xây dựng được đề nghị tập trung hoàn tất cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) trong giai đoạn 2022 - 2024.

Căn cứ tình hình thực tế, Cục TCDN cũng đã xây dựng kế hoạch thoái vốn năm 2022 với giả định dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, dự kiến thực hiện tại 6 doanh nghiệp là Công ty FPT, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Bảo Minh, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.

Ước tính một cách cẩn trọng, khả thi và căn cứ vào giá cổ phiếu niêm yết ngày 23/8/2021, Cục TCDN dự kiến nguồn thu từ thoái vốn nhà nước năm 2022 với 6 doanh nghiệp trên vào khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Dẫu vậy, hầu hết các doanh nghiệp này đều đã xuất hiện liên tục trong kế hoạch bán vốn những năm gần đây, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Tin mới lên