Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/2): NT2, PNJ và KDH

(VNF) - VNDirect kỳ vọng KDH sẽ mở bán dự án The Privia với tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 60-70% trong 2023 và hai dự án thấp tầng trong năm 2024, từ đó giá trị ký bán ước tăng 35% và tăng 41,3% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/2): NT2, PNJ và KDH

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (14/2): NT2, PNJ và KDH

NT2: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 30.880 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) tăng trưởng khả quan nhờ sản lượng thương phẩm cao (4 tỷ kwh, tăng 27% so với cùng kỳ) (trong đó sản lượng theo hợp đồng - Qc đạt 3,5 tỷ kwh, tăng 10% so với cùng kỳ) và mức giá cao trên thị trường cạnh tranh – giá CGM (khoảng 1.520 đồng/kwh, tăng 50% so với cùng kỳ).

Nếu loại trừ khoản chi phí dự phòng ghi nhận một lần khoảng 239 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế điều chỉnh cho năm 2022 sẽ là 968 tỷ đồng, vượt 9% ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Công ty Chứng khoán SSI.

Trong nửa cuối năm 2022, NT2 phải trích lập dự phòng 239 tỷ đồng do chi phí vận chuyển khí (khoảng 0,5 USD/mbtu) chưa được hạc toán vào giá bán điện của NT2. Theo công ty, vấn đề này đang được thảo luận với EVN và PVN và nếu thành công, các khoản dự phòng có thể được hoàn nhập trong năm 2023. Tuy nhiên SSI cần chờ kết quả phê duyệt cuối cùng trước khi đưa khoản hoàn nhập dự phòng vào dự báo cũng như định giá.

SSI giả định giá khí của NT2 giảm 2% so với cùng kỳ trong năm 2023 do giá FO giảm 12% so với cùng kỳ. Mức giảm giá khí NT2 năm 2023 sẽ thấp hơn mức giảm giá dầu FO, do tỷ trọng cao hơn từ nguồn khí mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt với chi phí cao.

Sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện có thể cao hơn và sẽ hỗ trợ cho giá CGM. Nhìn chung, SSI dự báo giá CGM sẽ đi ngang trong năm 2023. Giá CGM bao gồm hai phần: giá CAN và giá SMP. Giá SMP một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu điện và mức trần của giá SMP tăng 11% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, SSI cho rằng các nhà đầu tư cần lưu ý rằng giá CAN giảm 20% trong năm 2023, theo ERAV/MOIT. Trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ điện suy yếu, giá CGM có thể giảm.

Việc không có khoản nợ nước ngoài có thể giúp NT2 tránh được tác động của việc tăng lãi suất cho vay và rủi ro tỷ giá mà các đối thủ cạnh tranh đang phải đối mặt. Ngoài ra tỷ suất cổ tức sẽ là trọng tâm đối với cổ phiếu NT2 hơn là tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.

Việc giá cổ phiếu điều chỉnh sẽ là cần thiết để tỷ suất cổ tức hấp dẫn hơn. Tính ngày 10/2/2023, NT2 đang giao dịch ở mức EV/EBITDA năm 2023 là 5,2 lần và tỷ suất cổ tức là 8,9%. So với lãi suất huy động của các ngân hàng, cổ phiếu NT2 sẽ trở nên rất hấp dẫn nếu tỷ suất cổ tức có thể đạt mức trên 10%.

Việc chi trả cổ tức vào đầu quý II/2023 có thể là chất xúc tác đối với giá cổ phiếu sau khi được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua, và điều này có thể mang lại hiệu quả vượt trội trong ngắn hạn. Với giá mục tiêu 1 năm là 30.880 đồng và tiềm năng tăng giá dự kiến là 9,9%, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NT2.

PNJ: PHS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 82.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) có tiền thân là cửa hàng kinh doanh vàng bạc Phú Nhuận trực thuộc UBND quận Phú Nhuận, được thành lập vào ngày 28/04/1988. PNJ chuyên sản xuất, kinh doanh trang sức bằng vàng, bạc, đá quý. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004.

PNJ hiện quản lý và vận hành Xí nghiệp nữ trang PNJ với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ đồng và công suất sản xuất đạt trên 4 triệu sản phẩm/năm. Tính đến cuối năm 2022, PNJ đã phát triển hệ thống phân phối với 364 cửa hàng cửa hàng bán lẻ, kênh thương mại điện tử và gián tiếp thông qua hơn 3.000 khách hàng sỉ trên toàn quốc.

Sản phẩm của PNJ đã được xuất khẩu tới 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. PNJ được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ năm 2009.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của PNJ trong năm 2023 sẽ đạt 35.438 tỷ đồng (tăng 4.6%) thông qua việc mở rộng các chuỗi cửa hàng nhưng có thể sẽ gặp bất lợi từ sức mua yếu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 1.763 tỷ đồng (giảm 2,4%) cho năm 2023.

Có thể nói, PNJ đang sở hữu chiều sâu nhất trong chuỗi giá trị trang sức thời trang nếu so với các đối thủ trên thị trường hiện tại. Việc mang lại những giá trị gia tăng cho khách hàng ngoài chất liệu sản phẩm sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của PNJ. Đồng thời, công ty cũng đứng đầu về nguồn thợ kim hoàn và mạng lưới phân phối.

PHS tin PNJ đang sở hữu sức mạnh thương hiệu, hướng tiếp cận đúng đắn về mặt hình ảnh và thương hiệu để hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu của mảng trang sức thời trang.

Cổ phiếu của PNJ theo PHS có một số đặc điểm khiến nó phù hợp để chống chọi lại với tình trạng lạm phát và lãi suất cao: khả năng chuyển lạm phát cho người tiêu dùng thông qua tăng giá bán và một bảng cân đối tương đối lành mạnh, ít đòn bẩy. Đồng thời khi xem xét lại lịch sử lạm phát và lợi nhuận của PNJ PHS nhận thấy tác động của lạm phát lên lợi nhuận là không quá khủng khiếp.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 82.800 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị giữ với mức giảm giá tiềm năng là 0%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

KDH: VNDirect khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) công bố doanh thu  quý IV/2022 tăng 109,2% so với cùng kỳ đạt 1.234 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp giảm 58 điểm % so với cùng kỳ xuống 24,2% do các dự án ghi nhận trong kỳ có biên lợi nhuận thấp (thông tin chi tiết dự án không được doanh nghiệp tiết lộ).

Do đó, lợi nhuận ròng quý IV/2022 giảm 71,3% so với cùng kỳ xuống 119 tỷ đồng. Lũy kế, doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 22,1% và giảm 8,3% so với cùng kỳ còn 2.912 tỷ đồng và 1.102 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 77% và 75% dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Theo VNDirect, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức. Một là chủ đầu tư gặp khó trong tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Hai là lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà.

Ba là nguồn cung mới ảm đảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi. Thị trường bất động sản có thể sẽ trải qua một “mùa đông khắc nghiệt” vào năm 2023 cho đến khi chính sách tiền tệ đảo ngược.

VNDirect thận trọng với triển vọng tiêu thụ sản phẩm của KDH trong nửa đầu 2023, do nhu cầu nhà ở vẫn chịu áp lực môi trường lãi suất cao. Công ty chứng khoán này kỳ vọng sự hồi phục khi mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt từ quý III/2023, tạo động lực cho KDH mở bán dự án mới.

VNDirect kỳ vọng KDH sẽ mở bán dự án The Privia với tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 60-70% trong năm 2023 và hai dự án thấp tầng trong năm 2024, từ đó giá trị ký bán ước tăng 35% và tăng 41,3% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024.

VNDirect điều chỉnh dự phóng lợi nhuận ròng năm 2023 và 2024 lần lượt giảm 53% và giảm 49% so với dự báo trước đó, chủ yếu do doanh số ký bán thấp và trì hoãn mở bán dự án mới trong bối cảnh nhu cầu nhà ở suy yếu.

Giá cổ phiếu KDH đã hồi phục khoảng 40% kể từ tháng 11/2022, hiện đang giao dịch gần với giá mục tiêu của chúng tôi. Với tiềm năng tăng giá hạn chế là 11,1%, VNDirect hạ khuyến nghị từ khả quan xuống trung lập. Tiềm năng tăng giá đến từ sự đảo ngược chính sách tiền tệ hỗ trợ thị trường bất động sản.

 

Tin mới lên