Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/10): SHB, DGW và DTD

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 15/10, bao gồm SHB, DGW và DTD.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/10): SHB, DGW và DTD

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/10): SHB, DGW và DTD

MASVN: Khuyến nghị mua dành cho SHB

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng trưởng bứt phá. Trong đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.055 tỷ đồng, tăng trưởng 94% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.

Tổng tài sản của ngân hàng cũng tăng 12,5% lên mức 464.000 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm. Sau nhiều quý liên tục tình hình kinh doanh được cải thiện, ROA và ROE của SHB hiện đang đạt mức lần lượt là 1,5% và 25,6% - tỷ suất tương đương với các ngân hàng TMCP hàng đầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng trong 9 tháng đã tiết giảm còn 30%, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở trên ngưỡng 40%.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2021 của SHB sẽ vượt kế hoạch đề ra khoảng 17%, do có thể có thêm một số thu nhập đột biến trong bối cảnh tăng trích lập dự phòng.

Trong tháng 8 vừa qua, SHB đã thoái vốn SHB Finance (công ty tài chính tiêu dùng) cho Krungsri – thành viên thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), với giá khoảng 3.600 tỷ cho 100% vốn điều lệ, dự kiến ghi nhận khoảng 1.500 tỷ trong năm 2021 (tương đương nhận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ) và thanh toán số cổ phần còn lại sau 3 năm kế tiếp.

Liên quan đến hoạt động M&A, SHB cũng đang thực hiện việc thoái vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia trong quý IV/2021.

Kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu của SHB đang là 2,1%. SHB cũng đã được Ngân hàng Nhà Nước duyệt mức tăng trưởng tín dụng mới là 10,5% (hiện tổng dư nợ cho vay của SHB đã tăng 8,5% tính tới ngày 30/6/2021).

Tuy dự báo SHB sẽ ghi nhận nhiều khoản thu nhập đột biến, nhưng MASVN cũng lưu ý rằng SHB sẽ phải trích lập dự phòng khá lớn vào cuối năm để có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu ở quanh mức 2% cũng như tỷ lệ nợ xấu bao gồm trái phiếu VAMC ở quanh mức 3% như mục tiêu đã đề ra.

Gần đây, SHB đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để chuẩn bị cho công tác chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược. Theo thông lệ thị trường các năm gần đây, mức giá phát hành sẽ rơi vào khoảng 2,5 – 3 lần giá trị sổ sách đối với các ngân hàng có ROE lớn hơn 30%.

MASVN kì vọng ROE của SHB 2021 đạt 21,6% (17% và 14,9% cho 2 năm 2022 và 2023 – không tính phần vốn mới) và do đó mức giá phát hành sẽ không thấp hơn 2,3 lần giá trị sổ sách.

Hiện MASVN khuyến nghị tăng tỉ trọng cổ phiếu SHB với giá mục tiêu 35.000 đồng/ cổ phiếu, tương ứng tỷ suất sinh lời hơn 20% so với thị giá. Mức giá này được xác định dựa trên phương pháp so sánh theo chỉ số P/B.

SSI: Khuyến nghị khả quan DGW, giá mục tiêu 1 năm là 140.000 đồng/cổ phiếu

Mới đây, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (HoSE: DGW) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý III, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và 105 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ).

Kết quả kinh doanh này khá tốt trong bối cảnh gần như toàn bộ quý III là khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Chính vì vậy, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) trong báo cáo mới nhất đã điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận năm 2021 - 2022 thêm 22% và 38% lên mức 508 tỷ đồng (tăng 101% cùng kỳ) và 738 tỷ đồng (tăng 45%).

SSI cho rằng, mặc dù nhu cầu đối với điện thoại di động bị ảnh hưởng đáng kể bởi trong đợt giãn cách xã hội, tuy nhiên dòng sản phẩm thương hiệu Xiaomi vẫn tăng được thị phần (khoảng 14% trong tháng 8 so với 9,8% trong quý IV/2020).

Trong khi đó, doanh thu máy tính xách tay cũng ghi nhận sức tăng đáng kể, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng trong bối cảnh dịch Covid-19. Do đó, SSI nâng hệ số P/E mục tiêu cho DGW từ 14 lần lên 17 lần (sát với P/E mục tiêu của MWG là 17,4 lần) và đưa ra mức giá mục tiêu mới cho DGW là 140.000 đồng/cổ phiếu (từ 81.000 đồng/cổ phiếu sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1).

Với tổng mức sinh lời là 23% (bao gồm tỷ suất cổ tức 0,9%), SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DGW.

Một số rủi ro đối với khuyến nghị này, bao gồm việc 44,2 triệu cổ phiếu từ đợt chia cổ tức gần đây đã được giao dịch từ ngày 12/10, qua đó có thể gây ra áp lực chốt lời ngắn hạn.

Đồng thời, trong quý cuối năm, DGW dự kiến phát hành 500.000 cổ phiếu (tương đương 0,57% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) với giá 40.000 đồng/cổ phiếu để nhân viên thực hiện quyền mua phát hành trong tháng 8/2020. Do giá phát hành thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại là 112.800 đồng, có thể sẽ gây ra áp lực chốt lời mạnh.

BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với DTD

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) là một trong số doanh nghiệp có quy mô khá khiêm tốn (307 tỷ đồng) nhưng sở hữu quỹ đất rộng lớn, có giá trị.

DTD đẩy mạnh gia tăng quỹ đất thông qua các hoạt động M&A. Từ năm 2019, DTD đã mua thêm phần vốn ở Công ty Đồng Văn 3 - chủ đầu tư dự án khu công nghiệp cùng tên, có được sau khi tham gia đấu giá vốn góp của tỉnh Hà Nam - để tăng sở hữu từ dưới 51% lên 65%.

Bên cạnh khu công nghiệp, công ty này còn nhiều hướng phát triển như khu đô thị, dự án BOT và đảm nhận công trình xây lắp ở tỉnh... Các dự án đang và chuẩn bị triển khai là khu đô thị Thành Đạt (8,7ha); dự án BT Hòa Mạc (đổi quỹ đất 35ha dự án Văn Xá – Chợ Lương); dự án khu nhà ở - dịch vụ công nhân 3,4ha. Ước tính, tổng quỹ đất thương phẩm bao gồm khu công nghiệp, đô thị là 103ha.

Căn cứ trên tiến độ hai dự án khu công nghiệp Đồng Văn 3 – giai đoạn 2 và khu đô thị Thành Đạt, BVSC cho rằng lợi nhuận dài hạn trong giai đoạn 2021 - 2024 của DTD sẽ được đảm bảo, thậm chí còn có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao. Cụ thể, dự phóng lợi nhuận sau thuế thuộc về DTD từ năm 2021 đến 2024 là 921 tỷ.

Mặt khác, BVSC cho rằng quy mô lợi nhuận từ hai dự án theo ước tính có thể gấp 8 lần so với kết quả 2020 (115 tỷ). Với thời gian ghi nhận giả định giai đoạn 2021 - 2024, nguồn lợi nhuận này mang đến kết quả tăng trưởng cao cho DTD.

Ngoài ra, trong trường hợp tiến độ dự án kéo dài hơn ước tính, DTD vẫn có nguồn thu khác bù đắp như dự án nhà ở dịch vụ công nhân (3,4ha), dự án Văn Xá - Chợ Lương và các dự án mới phát triển khác.

Năm 2021, BVSC dự báo kết quả kinh doanh của DTD sẽ chậm lại do mức cơ sở so sánh khá cao của năm 2020, cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong quý III. Công ty chứng khoán này ước tính doanh thu năm 2021 là 719 tỷ, giảm nhẹ 3%; biên lợi nhuận gộp chung đạt 50% và lợi nhuận sau thuế là 136 tỷ, tăng 18% cùng kỳ. EPS tương đương là 4.525 đồng.

BVSC sử dụng phương pháp định giá NAV và so sánh để xác định giá trị hợp lý của DTD là 44.945 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức thặng dư 22% so với giá thị trường ngày 14/10.

Tin mới lên