Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/12): MSN, HDB và PVT

(VNF) - KBSV nâng dự báo tăng trưởng cho vay của HDBank năm 2023 lên 21%. Việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém (chưa được công bố chính thức) sẽ giúp HDBank nhận được hạn mức tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cao hơn so với trung bình ngành và có khả năng sẽ được tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên hơn 30%.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/12): MSN, HDB và PVT

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/12): MSN, HDB và PVT

MSN: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 118.100 đồng/cổ phiếu

Luỹ kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đạt 55.546 tỷ đồng, giảm 14,3% so với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái khi không còn hợp nhất mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife (MML), trong khi WinCommerce (WCM) và Masan Comsumer Holding (MCH) không còn hưởng lợi từ xu hướng tăng dự trữ hàng hoá trong mùa dịch.

Nếu loại trừ các yếu tố trên để so sánh tương đương, doanh thu thuần của Masan tăng nhẹ 4,8% so với cùng kỳ, chủ yếu được dẫn dắt bởi tăng trưởng của MHT (tăng 21,3% so với cùng kỳ) và MCH (tăng 5,5% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận sau thuế (trước lợi ích của cổ đông thiểu số) 9 tháng 2022 đạt 3.952 tỷ đồng (tăng 32,5% so với cùng kỳ). Sau khi loại bỏ lợi nhuận mảng thức ăn chăn nuôi và khoản lợi nhuận bất thường từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage (PLH) trong quý II, lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng trưởng 40% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng này chủ yếu do lợi nhuận của MHT và WCM được cải thiện đáng kể trong năm 2022.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận thấy thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng áp lực lạm phát. Mức tiêu thụ chững lại sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2023, do đó KBSV điều chỉnh hạ dự phóng doanh thu giai đoạn 2022-2023 của MCH giảm 5% so với dự phóng trước đó.

Trong quý III/2022, WCM đã tiến hành chuyển đổi 30 cửa hàng Winmart+ thành các cửa hàng WIN tích hợp phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Dù trong giai đoạn thí điểm nhưng mô hình này cho thấy tín hiệu tích cực khi doanh thu/m2 tăng 20% so với trước khi chuyển đổi, biên EBIT ở cấp độ cửa hàng đạt 5.1% - tăng 60 điểm cơ bản so với trước đây.

Trong năm 2022, KBSV dự phóng doanh thu thuần MSN đạt 76.636 tỷ đồng (giảm 13,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.464 tỷ đồng (giảm 55% so với cùng kỳ, do loại trừ mảng MNS Feed).

Năm 2023, mức doanh thu thuần đạt 85.795 tỷ đồng (tăng 11,9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế ở mức 5.751 tỷ đồng (tăng 28,8% so với cùng kỳ). KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MSN, giá mục tiêu 118.100 đồng/cổ phiếu.

HDB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 23.510 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nâng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) lên 21% (tăng 4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó). Việc HDB tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém (chưa được công bố chính thức) sẽ giúp ngân hàng này nhận được hạn mức tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cao hơn so với trung bình ngành và có khả năng sẽ được tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên hơn 30%.

Ngoài ra, điểm tích cực là HDB sẽ không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng yếu kém này vào báo cáo tài chính của HDB. NHNN đã cấp hạn mức tín dụng thêm 1,5% - 2% cho một vài ngân hàng trong tháng 12, đưa tổng mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành lên đạt 16% so với cùng kỳ trong năm 2022.

Tính từ đầu năm đến ngày 29/11/2022, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng 12,1% so với đầu năm. Theo số liệu từ báo cáo tài chính của HDB, tín dụng của ngân hàng đã tăng trưởng tăng 21,3% trong 9 tháng năm 2022, và ban lãnh đạo cho biết tín dụng đã tăng trưởng khoảng tăng 24% so với đầu năm trong 11 tháng 2022. Tổng mức tăng trưởng tín dụng của HDB sẽ đạt khoảng 26% so với cùng kỳ trong năm 2022E, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó của Yuanta.

Huy động vốn tăng tăng 13,4% trong 9 tháng 2022, đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất ngành. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân chiếm 59% trong tổng tiền gửi tính đến quý III/2022. Tiền gửi không kỳ hạn chiếm 11,3% tổng tiền gửi tính đến quý III/2022.

HDB đã kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life trong năm 2021 và vẫn đang tìm kiếm đối tác mới kể từ đó. Ngân hàng cho biết hợp đồng độc quyền mới có thể sẽ được thực hiện sớm nhất vào nửa đầu năm 2023. Yuanta cho rằng điều đó giúp thúc đẩy tăng thu nhập phí bán bảo hiểm cũng như phí trả trước trong năm 2023.

Yuanta tăng dự báo trích lập dự phòng thêm tăng 23% so với dự báo trước đó, đạt 3,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 27% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản của HDB vẫn duy trì ổn định, và ngân hàng đã trích lập toàn bộ cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tuy nhiên, Yuanta vẫn thận trọng trong việc tăng dự báo trích lập dự phòng do tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng chỉ ở mức 81%, đây là mức khá thấp khi so với các ngân hàng khác chẳng hạn như VCB (402%), CTG (222%), BID (214%), MBB (208%).

Trong khi đó, nợ xấu toàn ngành có thể tăng lên, đặc biệt là nợ xấu liên quan đến ngành bất động sản. Ngoài ra, việc tăng dự báo trích lập dự phòng một phần nữa là do Yuanta nâng dự báo tăng trưởng tín dụng lên cao hơn. Công ty chứng khoán này kỳ vọng tỷ lệ chi phí tín dụng (dự phòng/bình quân dư nợ cho vay) của ngân hàng sẽ tăng tăng 20 điểm cơ bản so với dự báo trước đó và đạt 1,31% (tăng 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong năm 2023.

Tổng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trong quý III/2022 của HDB (theo Basel II) là 15,3%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu là 8%. Chất lượng tài sản ổn định với tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất của HDB là 1,54% (giảm 12 điểm cơ bản so với thời điểm đầu năm) tính đến hết quý III/2022. Yuanta cho rằng tỷ lệ nợ xấu này vẫn khá ổn trong bối cảnh HDB sở hữu đến 50% cổ phần tại công ty tài chính tiêu dùng HD Saison.

Nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, thì tỷ lệ NPL chỉ là 1,1% (giảm 20 điểm cơ bản so với đầu năm); tuy nhiên, tỷ lệ NPL của HD Saison lại lên đến 7,4% (tăng 10 điểm cơ bản so với đầu năm). Yuanta dự báo tỷ lệ NPL hợp nhất của HDB sẽ tăng nhẹ và đạt 1,56% (tăng 3 điểm cơ bản) trong năm 2023.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) quý III/2022 của HDB đạt 81% là tương đối thấp so với VCB (402%), CTG (222%), BID (214%), MBB (208%), TCB (165%), hay ACB (138%). Yuanta tăng dự báo tỷ lệ LLR năm 2023 của ngân hàng lên đạt 90%, là nguyên nhân chính khiến công ty chứng khoán này tăng dự báo trích lập dự phòng cho năm sau.

Giá mục tiêu cho cổ phiếu HDB của Yuanta là 23.510 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/B 2023 là 1,2 lần với tỷ suất sinh lời khoảng 45%, khuyến nghị nâng lên mức mua từ mức nắm giữ - khả quan trước đó. Chất xúc tác đối với giá cổ phiểu sẽ là tiềm năng thu phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền mới trong năm 2023.

PVT: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 25.600 đồng/cổ phiếu

Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số trong kỳ toàn công ty đạt 2.330 tỷ đồng (tăng 38,7% so với cùng kỳ) và 271 tỷ đồng (tăng 187% so với cùng kỳ).

Điều này được đóng góp chủ yếu bởi việc giá cước vận chuyển xăng dầu tăng mạnh trong năm 2022 và việc công ty tích cực mở rộng đội tàu. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số tăng trưởng đột biến nhờ thanh lý tàu dầu thô Athena.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh cho năm 2022 và năm 2023 của PVT nhằm phản ánh thời điểm tái ký các hợp đồng cho thuê định hạn của PVT; mức mất giá mạnh của VND; cũng như giá thanh lý tàu Athena cao hơn dự kiến.

Cụ thể, năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số kỳ vọng đạt 9.117 tỷ đồng (tăng 22,2% so với cùng kỳ) và 940 tỷ (tăng 42,4% so với cùng kỳ). Năm 2023, BVSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVT tiếp tục tăng trưởng tích cực và phản ánh đà tăng mạnh của giá cước.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số kỳ vọng đạt 10.543 tỷ đồng (tăng 15,6% so với cùng kỳ) và 1.024 tỷ đoongf (tăng 34% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ vào thời gian tái ký hợp đồng chỉ từ 3-6 tháng trong bối cảnh giá cước liên tục tăng và neo ở mức cao; đóng góp từ việc tiếp tục mở rộng đội tàu.

PVT đã linh hoạt chuyển sang hình thức BBHP (Bareboat Hire Purchase) với chi phí trả trước chỉ chiếm khoảng 10-20% giá tàu nhằm hạn chế ảnh hưởng từ chi phí lãi vay, tỷ giá và giá tàu cũ đang trên đà tăng mạnh. Biên lợi nhuận dự kiến được cải thiện nhờ chi phí xăng dầu giảm đáng kể.

BVSC tin rằng giá cước sẽ duy trì ở mức cao nhờ vào nhu cầu vận chuyển tăng và quãng đường vận chuyển xa hơn (tonne-mile demand). Công ty chứng khoán này tiếp tục khuyến nghị khả quan cho PVT với mức giá mục tiêu trong vòng 12 tháng là 25.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức lợi suất 31%.

Tin mới lên