Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/3): TDM, NKG và VRE

Hải Đường - 27/03/2023 07:14 (GMT+7)

(VNF) - MASVN vẫn đánh giá cao VRE về dài hạn nhờ vào thị phần dẫn đầu, quỹ đất lớn, thương hiệu lâu năm, và khả năng kết nối với hệ sinh thái của Vinhomes. Bên cạnh đó, thị trường cho thuê sàn thương mại của Việt Nam trong dài hạn còn nhiều triển vọng phát triển khi các yếu tố vĩ mô như thu nhập bình quân, tỷ lệ đô thị hóa, cơ cấu dân số… vẫn rất thuận lợi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/3): TDM, NKG và VRE

TDM: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 39.600 đồng/cổ phiếu

Sản lượng nước sạch tiêu thụ trong năm 2022 của Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (HoSE: TDM) đạt 69,8 triệu m3 (tăng 9% so với cùng kỳ). Doanh thu tài chính giảm mạnh 88% so với cùng kỳ xuống 24 tỷ đồng, do TDM không nhận được cổ tức từ Biwase (TDM sở hữu 37,42%) như năm 2021. Lợi nhuận sau thuế giảm 33% so với cùng kỳ đạt 220 tỷ đồng (9,4 triệu USD).

Năm 2023, Công ty Chứng khoán SSI dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 497 tỷ đồng (21,4 triệu USD; tăng 3,4% so với cùng kỳ) và 283 tỷ đồng (12,2 triệu USD; tăng 28,5% so với cùng kỳ). EPS năm 2023 đạt 2.577 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dự phóng là 14,2 lần.

SSI giả định lượng nước tiêu thụ của TDM sẽ đạt 72,3 triệu m3 trong năm 2023 (tăng 3,7% so với cùng kỳ). Sản lượng tiêu thụ tại nhà máy nước Dĩ An sẽ đóng góp 83% tổng sản lượng tiêu thụ, đạt 60,3 triệu m3 (tăng 2,5% so với cùng kỳ). Nhu cầu tiêu thụ nước của khách hàng tại các khu công nghiệp dự kiến sẽ giảm trong nửa đầu năm 2023 do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến các ngành nghề xuất khẩu như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ nội/ngoại thất.

Sản lượng tiêu thụ tại nhà máy nước Bàu Bàng giả định đạt 12 triệu m3/năm trong năm 2023 (tăng 7% so với cùng kỳ; chiếm 17% tổng lượng nước tiêu thụ) khi khu công nghiệp VSIP 3 cho thuê 180 ha đất trong giai đoạn 2022-2023.

Giá nước bình quân không đổi do giá nước sạch quy định tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2028 đang được trình lên UBND tỉnh. Doanh thu tài chính năm 2023 của TDM dự báo đạt 111 tỷ đồng (tăng 3,62 lần so với cùng kỳ), chủ yếu đến từ khoản cổ tức 93,8 tỷ đồng của BWE (cổ tức tiền mặt là 1.300 đồng/cổ phiếu) sẽ được thanh toán vào ngày 26/04/2023. Theo SSI, khoản cổ tức này là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận sau thuế của TDM trong năm 2023.

TDM dự kiến phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu (tương đương tối đa 10% vốn góp của chủ sở hữu) trong năm 2023. Số tiền thu được bao gồm 143 tỷ đồng dự kiến dùng để mua cổ phần của Công ty Cổ phần Cấp nước Cần Thơ; đầu tư vào 24,4% cổ phần của Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau với giá trị 50 tỷ đồng; tăng vốn góp vào Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Tân Đồng Nai, với giá trị là 35 tỷ đồng.

Chi phí đầu tư CAPEX năm 2023 dự kiến là 326 tỷ đồng, cụ thể 256 tỷ đồng đầu tư vào đường ống dẫn nước D1600 của nhà máy nước Dĩ An. Khoản này chủ yếu là vay từ JICA và ADB. TDM dự kiến đầu tư 70 tỷ đồng vào đường ống truyền tải nước của nhà máy nước Bàu Bàng, khoản này sẽ bao gồm 40,2 tỷ đồng nợ vay từ Ngân hàng Shinhan và 29,8 tỷ đồng vốn tự có.

Thương vụ M&A Công ty Cổ phần Cấp nước Cần Thơ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu từ dịch vụ tại tuyến đường cao tốc nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận như Cần Thơ - Kiên Giang, An Giang - Cần Thơ, nhu cầu từ khách hàng công nghiệp khi liên doanh BCM-VSIP phát triển dự án khu công nghiệp VSIP Cần Thơ với tổng diện tích 300 ha sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025. TDM và BWE có thể hỗ trợ Cấp nước Cần Thơ giảm tỷ lệ thất thoát nước, cải thiện hệ thống cấp nước để tăng hiệu quả hoạt động.

SSI duy trì triển vọng tích cực đối với hoạt động của TDM do nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng ổn định và TDM là doanh nghiệp cung cấp nước sạch hoạt động hiệu quả nhất nhờ tỷ lệ thất thoát nước thấp với nguồn nguyên liệu ổn định từ cả sông Đồng Nai và hồ Phước Hòa.

Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tại nhà máy Bàu Bàng dự kiến đạt 10% trong giai đoạn 2022-2025 để đáp ứng nhu cầu trong tương lai tại khu công nghiệp & dân cư Bàu Bàng, cũng như các khách hàng công nghiệp mới tại VSIP 3. SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu TDM, với giá mục tiêu là 39.600 đồng/cp (tiềm năng tăng giá là 6,5%) dựa theo phương pháp DCF. Tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ đạt 45% trong năm 2023, tương đương với tỷ suất cổ tức là 3,6%.

Trong dài hạn, SSI kỳ vọng thương vụ M&A nhà máy nước Gia Tân - Đồng Nai và Công ty Cổ phần Cấp nước Cần Thơ sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho TDM khi nhu cầu tại Bình Dương tăng trưởng chậm lại.

NKG: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 18.000 đồng/cổ phiếu

Lũy kế năm 2022, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) ghi nhận doanh thu 23.071 tỷ đồng doanh thu (giảm 18%) với khoản lỗ 67 tỷ đồng. Nguyên nhân tới từ sự sụt giảm mạnh ở nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nước ngoài dưới tác động của các đợt nâng lãi suất khiến lãi suất cho vay mua nhà tăng cao và doanh nghiệp Bất động sản, Xây dựng thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Tại thị trường trong nước, trái phiếu doanh nghiệp tác động tới nguồn vốn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Bất động sản khi áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng mạnh vào cuối năm

Giá HRC tăng trong nửa cuối quý I/2022 giúp NKG nâng giá bán tôn mạ, ống thép, ước tính NKG có thể ghi nhận lãi nhẹ trong quý I/2022 khi giá nguyên vật liệu và thành phẩm trong quý IV/2022 đã ở mức thấp.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nguồn cung sắt thép, tôn mạ tại thị trường Mỹ và châu Âu đang bị hạn chế do các nhà sản xuất tại Mỹ chỉ đang duy trì công suất ở mức 75% và nguồn cung HRC từ Thổ Nhĩ Kỳ đang bị ngắt quãng, do đó triển vọng gia tăng doanh thu xuất khẩu của các nhà sản xuất thép tại châu Á trong quý II/2023 đang được cải thiện nhờ nguồn cung dồi dào và khả năng cạnh tranh giá.

Trong kịch bản cơ sở, KBSV kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có hồi phục bắt đầu từ quý III/2023, khi đó nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường nội địa sẽ được cải thiện rõ ràng hơn. Lũy kế 2022, doanh thu nội địa đạt 9.524 tỷ đồng, chiếm 41% cơ cấu doanh thu của NKG (tăng 9% so với năm 2021) khi doanh thu xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nước ngoài suy giảm.

KBSV cho rằng kim ngạch xuất khẩu sẽ là động lực chính tạo ra doanh thu cho NKG trong nửa đầu năm 2023, trước khi thị trường tiêu thụ nội địa hồi phục trong nửa cuối năm. Ước tính doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm 65% tổng doanh thu 2023, tương đương với giá trị 10.514 tỷ đồng.

Áp dụng 2 phương pháp định giá P/E và P/B, KBSV xác định giá trị hợp lý của NKG là 18.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị nắm giữ.

VRE: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 36.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) đã có một năm vực dậy mạnh mẽ khi ghi nhận doanh thu đạt 7.361 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) trong 2022, trong đó, đặc biệt nhất là doanh thu từ mảng cho thuê sàn thương mại đạt 6,812 tỷ (tăng 45% so với cùng kỳ), gần bằng doanh thu trước dịch. Trái lại, doanh thu từ bàn giao bất động sản giảm mạnh 62% chỉ còn 381 tỷ, thấp nhất từtrước đến nay.

Tỷ suất lợi gộp đạt 51,8%, cao hơn tỷ suất của năm trước chỉ đạt 40,6%, và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng kết cả năm 2022, VRE thu về 2.776 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 111% so với cùng kỳ), theo đó, 2022 thành một trong những năm có lợi nhuận cao nhất chỉ đứng sau năm 2019, và vượt 14% so với kế hoạch của ban lãnh đạo.

Trong năm 2022, VRE là chủ đầu tư duy nhất mở mới với 3 trung tâm thương mại (TTTM), Vincom Megamall Smart City tại Hà Nội, Vincom Plaza Bạc Liêu và Vincom Plaza Mỹ Tho, nâng tổng số TTTM lên 83 và tổng diện tích sàn thuê thương mại lên 1.75 triệu m2 .

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng VRE sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống trong năm 2023 với 2 TTTM mới, trong đó gồm có VMM Grand Park (TP. HCM) và Vincom Plaza tại Hà Giang. Theo đó, tổng diện tích sàn thương mại ước tăng 5,7% trong 2023.

Theo ban lãnh đạo, lượng khách đến các TTTM của VRE trong năm 2022 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đặt biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, lượng khách đã gần bằng mức trước dịch Covid, các tỉnh thành khác cũng đạt xấp xỉ 80 – 85% lượng khách. Tỷ lệ lấp đầy của các TTTM cũng tăng nhẹ 1 điểm phần trăm so với năm trước lên mức trung bình 83,5% cho thấy nhu cầu thuê sàn thương mại đang dần hồi phục.

Các TTTM lớn của VRE thường đi kèm với các khu đô thị của Vinhomes, do đó khi thị trường bất động sản gặp khó khăn thì kế hoạch mở rộng của VRE cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vừa qua Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định để hỗ trợ bất động sản, tuy nhiên hiệu quả của những chính sách đó có thể cần nhiều thời gian để phát huy.

MASVN vẫn đánh giá cao VRE về dài hạn nhờ vào thị phần dẫn đầu, quỹ đất lớn, thương hiệu lâu năm, và khả năng kết nối với hệ sinh thái của Vinhomes. Bên cạnh đó, thị trường cho thuê sàn thương mại của Việt Nam trong dài hạn còn nhiều triển vọng phát triển khi các yếu tố vĩ mô như thu nhập bình quân, tỷ lệ đô thị hóa, cơ cấu dân số… vẫn rất thuận lợi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

MASVN điều chỉnh tăng giá mục tiêu lên 36.600 đồng/cổ phiếu (từ 32.600 đồng/cổ phiếu) do thị trường cho thuê thương mại hồi phục tích cực hơn những giả định của công ty chứng khoán này trước đây.

Cùng chuyên mục
Tin khác