Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (31/10): FPT, MBB và BMP

Hải Đường - 30/10/2022 21:57 (GMT+7)

(VNF) - Yuanta kỳ vọng sự tăng trưởng của tín dụng và việc giảm dự phòng sẽ tiếp tục là động lực làm tăng lợi nhuận của MBB trong quý IV/2022. Vì thế, Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 32.792 đồng/cổ phiếu.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (31/10): FPT, MBB và BMP

FPT: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 96.600 đồng/cổ phiếu

Trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) tăng trưởng hai con số và đạt 73% dự báo cả năm 2022 của Công ty Chứng khoán SSI. Trong quý III/2022, các nhà đầu tư có thể nhận thấy mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đáng chú ý từ mảng công nghệ.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT trong quý III/2022 duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức hai con số là 26,4% so với cùng kỳ (so với 22,8% so với cùng kỳ trong quý III/2022).

Diễn biến tăng trưởng doanh thu của FPT từ thị trường Nhật Bản trong quý III năm 2022 ghi nhận theo đúng kế hoạch của ban lãnh đạo, đạt 19% so với cùng kỳ mặc dù JPY giảm giá.

Trong quý III/2022, tỷ giá JPY/VND giảm 18% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng hữu cơ của doanh thu từ thị trường Nhật Bản đạt xấp xỉ 40% so với cùng kỳ trong quý III/2022.

Hơn nữa, tăng trưởng doanh thu quý III/2022 từ các thị trường khác vẫn được duy trì tốt, như Mỹ (tăng 33% so với cùng kỳ), EU (tăng 22% so với cùng kỳ) và APAC (tăng 58% so với cùng kỳ).

Theo SSI, FPT có tỷ trọng doanh thu từ thị trường EU thấp nhất so với các công ty cùng ngành, và do đó công ty chứng khoán này tin rằng mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT có thể bị ảnh hưởng ít hơn so với các đối thủ trong trường hợp chiến tranh kéo dài hơn giữa Nga và Ukraine.

Xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể tác động trực tiếp đến rủi ro lạm phát và suy thoái của EU, đồng thời tạo ra những thách thức đối với mức chi tiêu cho công nghệ thông tin của châu Âu.

SSI nhận thấy rằng doanh thu của FPT từ thị trường EU chỉ chiếm 8% tổng doanh thu của mảng công nghệ thông tin toàn cầu và ở mức không đáng kể là 3% trong tổng doanh thu 9 tháng năm 2022. Tóm lại, các công ty khác cùng ngành đang có tỷ trọng doanh thu của thị trường EU cao hơn nhiều so với FPT, thường ở mức trên 20% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Nợ nước ngoài đã được phòng ngừa rủi ro đầy đủ và SSI không lo ngại về rủi ro tỷ giá đối với FPT.

Bất chấp đồng USD tăng giá, FPT vẫn báo lãi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái là 29 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022 với 41 tỷ đồng trong quý III/2022.

Tại thời điểm quý II/2022, dư nợ bằng USD là 381 triệu USD (tương đương với 40% tổng dư nợ của FPT), và khoản nợ này được phòng ngừa rủi ro hoàn toàn bằng các hợp đồng tương lai.

FPT cũng nhận được doanh thu bằng USD với mức xấp xỉ 158 triệu USD (tương đương 41% dư nợ bằng USD), và con số này có thể bù đắp cho sự mất giá của VND.

Xu hướng lãi suất cho vay tăng không phải là một mối lo ngại đối với FPT nhờ vị thế tiền mặt ròng dồi dào và tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay khá tốt.

Thời điểm tháng 9/2022 số dư tiền ròng của FPT là 5,8 nghìn tỷ đồng so với 3,7 nghìn tỷ đồng trong quý I/2022 và tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay TTM ở mức khá cao là 12,8 lần.

Cổ phiếu FPT đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 hấp dẫn, lần lượt là 14,6 lần và 11,9 lần, dựa trên mức tăng trưởng EPS 23,3% và 22,6% trong kịch bản cơ sở của SSI.

Trong khi đó, các công ty cùng ngành với mức tăng trưởng EPS trung bình lần lượt là 6% và 15% trong năm 2022 và 2023, đang giao dịch ở mức P/E trung bình năm 2022 và 2023 lần là 17 lần và 15 lần.

Trong kịch bản kém khả quan nhất của SSI, tăng trưởng EPS năm 2023 của FPT dự kiến sẽ ở mức xấp xỉ 13-15%, tương đương với năm 2020 khi xảy ra đại dịch. SSI tiếp tục theo dõi các yếu tố tác động đến mức chi tiêu cho công nghệ thông tin.

Với lợi thế chi phí thấp của FPT, tỷ lệ doanh thu từ thị trường EU thấp nhất so với các công ty cùng ngành, tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay tốt và lượng tiền mặt ròng dồi dào, SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu với mức giá mục tiêu 1 năm không đổi là 96.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 31%.

MBB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.792 đồng/cổ phiếu

MBB công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) trong quý III/2022 đạt 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 6% so với quý trước/ tăng 61% so với cùng kỳ), chủ yếu là do thu nhập lãi ròng tăng và giảm dự phòng. Trong 9 tháng năm 2022, PATMI đạt 14 nghìn tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ), hoàn thành 90% dự báo cả năm của Công ty Chứng khoán Yuanta.

Dư nợ cho vay tăng 17% so với đầu năm trong 9 tháng năm 2022. Thu nhập lãi ròng quý III/2022 đạt 9 nghìn tỷ đồng (tăng 1% so với quý trước/ tăng 39% so với cùng kỳ).

Thu nhập lãi ròng 9 tháng năm 2022 là 26,4 nghìn tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Biên lãi ròng (NIM) quý III/2022 đạt 5,5% (tăng 1 điểm cơ bản so với quý trước / tăng 67 điểm cơ bản so với cùng kỳ), theo tính toán của Yuanta.

Thu nhập phí ròng quý III/2022 đạt 784 tỷ đồng (giảm22% so với quý trước / giảm 15% so với cùng kỳ). Thu nhập phí ròng 9 tháng năm 2022 là 2,9 nghìn tỷ đồng (giảm4% so với cùng kỳ).

Thu nhập phí giảm một phần là do doanh thu bảo hiểm giảm. Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý III/2022 lãi 402 tỷ đồng (giảm15% so với quý trước / tăng 13% so với cùng kỳ), và kinh doanh/đầu tư chứng khoán cũng ghi nhận lãi 171 tỷ đồng (tăng 105% so với quý trước/ nhưng giảm 58% so với cùng kỳ).

Thu nhập khác (phần lớn là xử lý nợ xấu) đạt 585 tỷ đồng (tăng 3% so với quý trước /tăng 20% so với cùng kỳ). Chi phí hoạt động quý III/2022 là 3,7 nghìn tỷ đồng (giảm3% so với quý trước / nhưng tăng 23% so với cùng kỳ).

Tổng chi phí hoạt động 9 tháng năm 2022 là 11,2 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ). Chi phí dự phòng quý III/2022 giảm còn 962 tỷ đồng (giảm30% so với quý trước / giảm46% so với cùng kỳ), đây là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận tăng. Trong 9 tháng năm 2022, chi phí dự phòng của MBB là 4,5 nghìn tỷ đồng (giảm26% so với cùng kỳ).

Yuanta ước tính tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 208% (giảm14 điểm phần trăm so với quý trước/ giảm25 điểm phần trăm so với cùng kỳ) trong quý III/2022.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của MBB là 1,04% (giảm 16 điểm cơ bản so với quý trước / tăng 9 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong quý III/2022. Tỷ lệ CASA giảm còn 42,4% vào cuối quý III/2022 (giảm 3 điểm phần trăm so với quý trước / tăng 70 điểm cơ bản so với cùng kỳ).

Yuanta kỳ vọng sự tăng trưởng của tín dụng và việc giảm dự phòng sẽ tiếp tục là động lực làm tăng lợi nhuận của MBB trong quý IV/2022. Chất lượng tài sản vẫn duy trì vững chắc với tỷ lệ NPL tương đối thấp. Theo quan điêm của Yuanta, mặc dù tỷ lệ LLR của ngân hàng giảm nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất ngành, giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng, hay thậm chí hoàn nhập dự phòng trong tương lai, từ đó thúc đẩy tăng lợi nhuận.

Tỷ lệ CASA giảm nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất ngành. Chi phí vốn rẻ sẽ là lợi thế lớn trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ.

Yuanta cho rằng cổ phiếu MBB đang ở mức định giá rất hấp dẫn. MBB có kết quả kinh doanh vượt trội nhưng chỉ giao dịch tương ứng với P/B 2022E ở mức 1 lần, tương ứng với trung vị ngành. Vì thế, Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 32.792 đồng/cổ phiếu.

BMP: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 74.500 đồng/cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng năm 2022, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 4.410 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ) và gần 448 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 348% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 77% và 100% kế hoạch năm 2022.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kết quả doanh thu tăng trưởng tích cực của BMP đến từ mức sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ mức nền thấp của năm 2021 khi ngành nhựa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế còn khả quan hơn cả khi giá nhựa PVC sản xuất đầu vào giảm mạnh.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2022 tăng trưởng tốt từ mức nền thấp của năm 2021.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 74.000 tấn (tăng 11% so với cùng kỳ), đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình tiêu thụ ống nhựa xây dựng trong nước hồi phục từ mức nền thấp của 2021.

Bên cạnh đó, giá bán trung bình tăng mạnh lên trung bình 59.000 triệu đồng/tấn trong 9 tháng năm 2022 (tăng 26% so với cùng kỳ) nhờ việc điều chỉnh giá bán trong nửa đầu năm 2022 khi giá nhựa đầu vào PVC duy trì mức cao.

Dự báo cả năm sản lượng tiêu thụ có thể đạt mức 100.000 tấn giúp doanh thu tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý IV/2022.

Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh trong bối cảnh giá đầu vào sản xuất nhựa PVC giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận gộp trong 9 tháng năm 2022 của BMP đạt 26%, con số này tăng 13% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021 và đã vượt mức biên lợi nhuận gộp trước dịch.

Mặc dù giá nhựa PVC đã điều chỉnh xuống rất mạnh từ 1.400 USD/tấn còn 850 USD/tấn tuy nhiên BMP chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán, điều này giúp biên lợi nhuận gộp quý III/2022 tăng mạnh lên mức 28% và được dự báo sẽ duy trì trong quý IV/2022.

Biên chi phí bán hàng/doanh thu của BMP tăng từ 7,2% trong quý III/2021 lên 8,8% trong quý III/2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ BMP đã tăng chi phí chiết khấu cho các trung tâm phân phối trong bối cảnh giá đầu vào thuận lợi.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của BMP đạt 570 tỷ đồng nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh và quản trị ổn định các khoản tồn kho và phải thu.

Điều này giúp BMP có tổng 1.250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (chiếm 41% tổng tài sản) trong khi đó chỉ duy trì mức nợ vay thấp khoảng 55 tỷ.

Theo VCBS, vị thế tài chính tốt như vậy sẽ giúp BMP là điểm sáng trong bối cảnh lãi suất tăng cao và có đủ tài chính để trả cổ tức với tỷ suất cao trên 10%.

VCBS cho biết, qua trao đổi với doanh nghiệp, công ty chứng khoán này cho rằng BMP đang trong giai đoạn rất thuận lợi trong ngắn hạn tuy nhiên doanh nghiệp chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới do những bất ổn về kinh tế.

Theo đó, BMP không bị tác động quá nhiều bởi nguồn cung của thị trường bất động sản vì phần lớn sản lượng tiêu thụ bán vào khu vực dân sinh với mức tăng trưởng ổn định.

Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng trong năm 2023 cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, BMP sẽ cố gắng đẩy sản lượng càng nhiều càng tốt với chất lượng sản phẩm số 1 thị trường.

BMP đánh giá triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn, do vậy chưa có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới mà chỉ có thay thế các máy móc cũ. Theo dự kiến, BMP sẽ mở rộng công suất vào năm 2024.

BMP sẽ không chủ động đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho nhiều mà giữ ở mức ổn định để duy trì sản xuất tránh rủi ro biến động lớn của giá PVC.

Hiện tại doanh nghiệp chưa có ý định giảm giá bán trong bối cảnh giá PVC giảm mạnh, nguyên nhân đưa ra là giá bán dựa vào quan hệ cung-cầu hiện tại của thị trường.

Theo chia sẻ, BMP sẽ có thể trả cổ tức lần 2 trong năm nay do lợi nhuận tăng trưởng rất tích cực

VCBS cho rằng năm 2022 là năm rất thuận lợi cho ống nhựa xây dựng nói chung và BMP nói riêng khi sản lượng tiêu thụ hồi phục từ mức nền thấp của năm 2021 và giá nhựa đầu vào PVC giảm mạnh.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới của BMP sẽ tiếp tục khả quan khi giá đầu vào vẫn chưa chấm dứt đà giảm.

Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 5.876 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và 630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 194% so với cùng kỳ).

Kết quả kinh doanh kỳ vọng trong quý IV/2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn và biên lợi nhuận tiếp tục được cải thiện.

VCBS tiếp tục khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu 74.500 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác