'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) vừa công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý II đạt 421 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.375 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 3.585 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5%. Yuanta cho biết SSI đã hoàn thành 31% dự báo lợi nhuận cả năm của mình. Yuanta tin rằng SSI hoàn toàn có thể đạt được mức dự báo lợi nhuận này vào cuối năm, do thị trường đang được kỳ vọng phục hồi tăng trở lại, và thực tế cũng cho thấy thị trường thực sự đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng.
Điểm lại các nét chính trong quý II, thu nhập từ nghiệp vụ môi giới của SSI giảm mạnh 54% cùng kỳ xuống 117 tỷ đồng; doanh thu từ nghiệp môi giới tăng 28% cùng kỳ, nhưng giảm 25% so với quý liền kề. Chi phí nghiệp vụ môi giới không ghi nhận kết quả tương ứng với doanh thu khi giảm 10% so với quý II/2021, có thể đã bị tác động bởi các khoản chi phí cố định.
Yuanta ước tính phí môi giới gộp của SSI đạt 19 điểm cơ bản, tăng nhẹ 1 điểm so với cùng kỳ, nhưng phí môi giới ròng giảm còn 5 điểm cơ bản, tức giảm 3 điểm trong quý II này. Những số liệu được ước tính dựa trên giá trị giao dịch trong quý và thị phần của SSI trên HoSE (9,8%), HNX (7,4%) và UPCoM (7,3%).
Đáng chú ý, SSI ghi nhận lỗ 14 tỷ đồng từ giao dịch tự doanh, trong khi quý liền trước lãi 126 tỷ đồng và quý II/2021 lãi 155 tỷ đồng. Lãi ròng được ghi nhận là 37 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ nên không đủ để bù đắp cho mức lỗ chưa ghi nhận là 51 tỷ đồng. Yuanta lưu ý rằng, khoản lỗ này vẫn được cho là khả quan hơn so với khoản lỗ được hạch toán theo giá trị thị trường hồi quý I/2022 là âm 114 tỷ đồng.
Giá trị các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ - FVTPL đạt 17.500 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản trong quý II, là mức tỷ lệ cao nhất kể từ quý III/2015.
Lãi từ nghiệp vụ cho vay ký quỹ đạt 483 tỷ đồng, đang là mảng có đóng góp lớn nhất vào doanh thu. Trong khi đó, dư nợ cho vay ký quỹ giảm 21% cùng kỳ, xuống còn 14.700 tỷ đồng, tương đương 34% tổng tài sản vào cuối quý II. Dựa trên bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, Yuanta ước tính lãi suất cho vay trung bình đạt 10,8% ở quý này, tăng 90 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Yuanta duy trì khuyến nghị mua đối với SSI, giá mục tiêu là 26.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 6% so với giá thị trường. Yuanta có quan điểm tích cực đối với ngành chứng khoán khi bắt đầu bước vào xu hướng tăng, thể hiện triển vọng tích cực ở nửa cuối năm.
Với cơ cấu tài sản hợp lý (chiếm 40% là tài sản FVTPL), SSI sẽ trở thành một đại diện hoàn hảo khi thị trường phục hồi vào quý III/2022 và nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào của công ty cũng giúp củng cố cho sự phục hồi của nhu cầu vay ký quỹ.
Kết thúc quý II, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.606 tỷ đồng, thu nhập ngoài lãi đạt 1.317 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng tiếp tục ghi nhận hoàn nhập hoàn nhập dự phòng lên tới 267 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ngân hàng trích lập 1.386 tỷ đồng chi phí dự phòng.
Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý II tăng mạnh lên 4.914 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) phân tích, lợi suất đầu ra bình quân quý II của ACB tăng nhẹ 18 điểm cơ bản so với quý I, đạt 7,2%. Lãi suất bình quân đầu vào tăng khoảng 14 điểm cơ bản so với quý I, một phần nhờ tỷ lệ CASA cao giúp giảm tác động của tăng lãi suất. Biên lãi thuần (NIM) tăng nhẹ 7 điểm cơ bản so với quý đầu năm, lên mức 4,29%.
Cũng theo KBSV, hoạt động cho vay của ngân hàng vẫn duy trì được sự khả quan trong quý II với tín dụng tăng 9,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay cá nhân và doanh nghiệp ước tính lần lượt tăng 10,7% và 7,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng chậm hơn khi chỉ ghi nhận tăng 1,9% so với đầu năm với động lực chính từ phát hành giấy tờ có giá. Tỷ lệ LDR tăng lên mức 83,5% sát với trần quy định 85%.
Chất lượng tài sản cũng duy trì sự khả quan, với tỷ lệ nợ xấu cuối quý II giảm nhẹ 6 điểm cơ bản so với quý trước và tương đương cuối năm 2021, đạt khoảng 0,76%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ 2 điểm phần trăm còn 185%, vẫn ở mức cao so với trung bình ngành.
Nhìn chung, KBSV đánh giá ACB là một trong những ứng cử viên sáng giá được Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng room tín dụng, nhờ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì mức cao trong những năm gần đây như cuối 2021 là 11,23%, cao hơn nhiều so với mức quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước; ACB theo đuổi chiến lược cho vay thận trọng với tỷ lệ nợ xấu (NPL) luôn duy trì dưới 1% và dự phòng bao nợ xấu (LLCR) luôn cao hơn trung bình ngành; ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu năm 2022 cho cổ phiếu ACB là 32.000 đồng/cổ phiếu, tăng 30% so với giá đóng cửa phiên 8/8. Từ đó khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa công bố doanh thu quý II đạt 34.300 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.131 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,5% và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lưu ý rằng nền so sánh lợi nhuận của quý này khá cao.
Tựu chung, doanh thu và lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2022 của MWG là 70.800 tỷ đồng (tăng 13,3% cùng kỳ) và 2.576 tỷ đồng (gần như đi ngang).
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, giai đoạn 6 tháng đầu năm, doanh thu của Thế giới Di động và Điện máy Xanh tăng 16% cùng kỳ lên 57.000 tỷ đồng, đóng góp 85% tổng doanh thu. Theo ban lãnh đạo, hai thương hiệu này đã hoạt động vượt trội hơn thị trường chung và do đó gia tăng thị phần trong nửa đầu năm.
Mặt khác, doanh thu của Bách hóa Xanh cũng đáng khích lệ với 12.800 tỷ đồng, giảm 4,2% so với nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh doanh nghiệp đang tiến hành tái cấu trúc và mức nền cao của quý II/2021. Điểm sáng nữa là các cửa hàng này sau thay đổi layout đang cho thấy kết quả tích cực.
Bách hóa Xanh kỳ vọng những cải thiện doanh số và lưu lượng bền vững trong quý III, giúp đem về mức doanh thu tháng 1,3 tỷ đồng/cửa hàng so với 1,2 tỷ đồng hiện tại, sớm hơn dự kiến trong quý IV.
BVSC tin rằng tác động thuần dài hạn là tích cực (biên lợi nhuận cốt lõi sẽ mở rộng), tuy nhiên với một ít chi phí một lần trong ngắn hạn phát sinh từ việc loại bỏ các cửa hàng hiệu quả thấp. Do đó, kết quả kinh doanh cả năm 2022 của Bách hóa Xanh khả năng sẽ thấp hơn dự báo hiện tại của BVSC.
Về phía MWG, bảng cân đối kế toán và dòng tiền hoạt động đang khá mạnh mẽ. Đến cuối quý II, tổng tài sản của MWG đạt 59.217 tỷ đồng, trong đó 15.218 tỷ đồng là tiền và tương đương tiền, chiếm 25,7% tổng tài sản; doanh nghiệp có nợ ngắn hạn 22.345 tỷ đồng và không sử dụng nợ dài hạn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh lên mức 4.623 tỷ đồng, so với mức âm 2.262 - 3.382 tỷ đồng trong hai quý trước đó.
Trên thị trường, giá cổ phiếu của MWG đã điều chỉnh đáng kể 17,5%, mạnh hơn mức giảm của VN-Index là 9,5% trong 3 tháng qua. BVSC duy trì khuyến nghị khả quan với MWG dựa trên triển vọng khởi sắc hơn của Bách hóa Xanh hậu thay đổi layout và việc mở rộng thị phần vững chắc của Thế giới Di động và Điện máy Xanh.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.