Cổ phiếu tăng mạnh 2024: Có mã bứt phá 595%, nhà đầu tư 'ăn đậm'

Thái Hà - 01/01/2025 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2024, thị trường chứng khoán ghi nhận đà tăng hàng trăm phần trăm của nhiều mã cổ phiếu. Phần lớn trong số đó đều mang "câu chuyện riêng" hấp dẫn.

HoSE: “Câu chuyện riêng” đưa cổ phiếu “phất cờ”

Khép lại năm 2024 bằng “cú bật” 6,32% trong phiên giao dịch ngày 31/12, cổ phiếu TTE của Công ty CP Năng lượng Trường Thịnh chính thức “đăng quang” ngôi vị “quán quân” tăng trưởng sàn HoSE. Với mức giá 37.850 đồng/cp, mã này đã tăng ngoạn mục 247,25% sau một năm, nâng vốn hoá Năng lượng Trường Thịnh lên mức 1.078 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ” trên sàn chứng khoán.

Theo quan sát, cổ phiếu TTE bắt đầu bật khỏi vùng giá 10.000 đồng/cp ngay sau khi Năng lượng Trường Thịnh tái khởi động kế hoạch cho phép Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nhận chuyển nhượng 40,92% vốn tại doanh nghiệp mà không phải thực hiện chào mua công khai. Đến tháng 6, mã này từng gây sốt khi lập chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp, trước khi bước vào đợt điều chỉnh. Từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu TTE trở lại mạnh mẽ khi liên tục thiết lập những kỷ lục mới về giá. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu lại có phần khá “èo uột” và luôn trong tình trạng “trồi sụt”.

Vị trí “á quân” gọi tên cổ phiếu HTL của Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long. Với đà tăng 231,25%, HTL đã “thoát mác” penny (cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng) và kết năm ở mức 29.250 đồng/cp. Vốn hoá của Ô tô Trường Long theo đó đạt 351 tỷ đồng. Sự bứt phá mạnh mẽ của mã này được kích hoạt bởi thông tin doanh nghiệp mức cổ tức bằng tiền cao kỷ lục (lên tới 65%) và được củng cố bởi kết quả kinh doanh tươi sáng. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Ô tô Trường Long đạt 19,6 tỷ đồng, tăng trưởng 218,5% so với cùng kỳ và gấp gần 4 lần mục tiêu cả năm.

Tuy nhiên, nếu xét về thanh khoản, cổ phiếu HTL vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi hình bóng của một mã penny khi khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ dừng lại ở mức vài nghìn cổ phiếu.

Ở vị trí ba là cổ phiếu CSV của Công ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam với mức tăng trưởng 189,14%. Kết thúc năm 2024, mã này dừng lại ở mức 45.700 đồng/cp, vốn hoá tương ứng xấp xỉ 5.050 tỷ đồng.

Theo quan sát, cổ phiếu CSV bắt đầu tăng phi mã sau ngày Hoá chất Cơ bản miền Nam “lăn chốt” trả cổ tức hôm 2/7. Chuỗi ngày leo dốc của mã này còn được “tiếp sức” bởi kỳ vọng thị trường xút thế giới tạo đáy và sẽ đảo chiều đi lên khi nhu cầu quay trở lại. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hoá chất này cũng cải thiện dần qua từng quý, tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư.

Có phần nổi bật hơn quán quân và á quân, cổ phiếu CSV đón nhận dòng tiền lớn đổ vào mỗi ngày, với khối lượng giao dịch trung bình lên tới 1,4 triệu đơn vị. Thậm chí có thời điểm, thanh khoản cổ phiếu lên 10 triệu đơn vị.

Các vị trí tiếp theo trong danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE năm 2024 lần lượt thuộc về TCO (+153,25%), VTP (+140,6%), VFG (+136,16%), HVN (133,88%), LPB (+131,74%), PNC (+103,71%) và SGR (+91,82%).

Dù không thường xuyên xuất hiện trong danh sách tăng mạnh hàng tuần, các cổ phiếu vốn hóa lớn như VTP của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), và LPB của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam vẫn có một năm tích luỹ ấn tượng nhờ những câu chuyện riêng.

Bên cạnh “sức hút” của một “tân binh”, cổ phiếu VTP thu hút nhà đầu tư bởi tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là dự án công viên logistics đầy tham vọng. Trong khi đó, nỗ lực tái cơ cấu đã đưa HVN “cất cánh”. Với LPB, đà tăng ấn tượng trong vòng một năm qua được cho là phản ánh sự quan tâm của dòng tiền trước những diễn biến thú vị trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng như sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu “vua”. Đặc biệt, mã này cũng đang đứng trước cơ hội “vào sới” VN30 thay cho POW trong tháng 1/2025.

Cuối cùng, sự xuất hiện của cổ phiếu SGR của Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) ít nhiều gây bất ngờ. Mặc dù kém xa các mã còn lại về sức bật nhưng việc xác lập đà tăng lên tới 91,82% đã khiến mã này trở thành một ngoại lệ đáng chú ý trong nhóm “cổ đất”, vốn đang bị dòng tiền “bỏ rơi”.

HNX: Nhóm khoáng sản “làm mưa làm gió”, cổ phiếu dược “nổi sóng”

Xác lập đà tăng đáng kinh ngạc 595,96%, cổ phiếu HGM của Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang không chỉ dẫn đầu sàn HNX mà còn giữ “ngôi vương” tăng trưởng toàn thị trường. Với mức giá 230.000 đồng/cp, mã này thậm chí còn “đắt đỏ” hơn nhiều “ông lớn” trên sàn HoSE.

Từ tháng 10, thời điểm Khoáng sản Hà Giang công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 cao kỷ lục, cổ phiếu HGM bắt đầu tăng dựng đứng. Đà tăng càng được củng cố khi ngay sau đó, doanh nghiệp tiến hành tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tiếp thêm sức hút cho cổ phiếu. Dù giá tăng phi mã, thanh khoản của HGM lại ở mức khá khiêm tốn. Trung bình mỗi ngày, chỉ khoảng 3.200 đơn vị cổ phiếu được giao dịch.

Tương tự HGM, “á quân” tăng trưởng sàn HNX – cổ phiếu TFC của Công ty CP Trang cũng chứng kiến diễn biến tương tự. Sau một năm, mã này tăng tới 554,83%, đạt 47.300 đồng/cp. Vốn hoá doanh nghiệp theo đó đạt 796 tỷ đồng.

Màn “phi nước đại” của cổ phiếu TFC cũng diễn ra ngay sau thời điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. “Sức nóng” của mã này ngày một tặng, đặc biệt là sau khi doanh nghiệp trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 12%, mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Trái ngược với HGM và TFC, sự thăng hoa của cổ phiếu CTP lại không đến từ nội tại của doanh nghiệp mà chủ yếu nhờ vào dòng tiền của thị trường chứng khoán. Năm vừa qua, mã này tăng tới 544,44% với thanh khoản rơi vào khoảng 212.662 đơn vị/phiên – tương đối cao so với một cổ phiếu đi lên từ nhóm penny.

Điều đáng chú ý là cổ phiếu CTP “nổi sóng” vào thời điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính bán niên, trong đó không ghi nhận doanh thu và lỗ trước thuế hơn 150 triệu đồng. Không chỉ có kết quả kinh doanh ảm đạm, tình hình quản trị của doanh nghiệp cũng gặp nhiều vấn đề khi dàn lãnh đạo 8 người đồng loạt xin từ nhiệm rồi gần như toàn bộ những người này lại được bầu trở lại vị trí cũ.

Sau màn “đi rồi trở về” đầy bất ngờ, tháng 10/2024, quá trình đổi chủ của doanh nghiệp mới thực sự diễn ra. Với sự xuất hiện của tân Chủ tịch Trần Công Thành, doanh nghiệp đổi tên từ Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public thành Công ty CP Hoà Bình Takara. Giai đoạn này, doanh nghiệp cũng công bố kết quả kinh doanh quý III đầy khởi sắc. Tuy nhiên, trái với những diến biến có phần tích cực, cổ phiếu CTP lại liên tục mất giá.

Những cái tên còn lại trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX năm 2024 lần lượt là: DHT (+324,7%), KSV (+280,34%), VTX (+140,79%), HVT (+133,42%), VNF (+120,83%), BKC (+107,25%) và PHN (+100%).

Trong đó, có thêm hai cổ phiếu khoáng sản khác là KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV – Công ty CP (Vimico) và cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn. Giống như “quán quân” HGM, sự bứt phá của hai mã này trong năm vừa qua đưuocj thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh khởi sắc. Với ba đại diện trong top 10, nhóm khoáng sản đang chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng rõ rệt trên sàn HNX.

Tuy nhiên, để nói về sự hấp dẫn thì phải nhắc tới cổ phiếu DHT của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (Dược Hà Tây). Sau một năm, mã này tăng tới 324,7% với thanh khoản trung bình đạt 621.587 đơn vị/phiên. Dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không quá nổi bật, nhưng việc cổ đông Nhật Bản không tiếc tiền gom mua cổ phiếu DHT để tăng sở hữu đang thu hút sự chú ý của toàn thị trường, mang theo kỳ vọng về việc trở thành bước khởi động của làn sóng M&A trên thị trường chung.

UPCoM: VGI, MCH, MVN chiếm trọn "spotlight”

Trên sàn UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2024 ghi nhận sự góp mặt của CDH (+390,01%), MA1 (+338,66%), VGI (+255,66%), MCH (+238,73%), TTN (+207,32%), MVN (+198,17%), TPS (+196,01%), MTA (+174,29%) và PIV (+163,64%).

Tuy nhiên, “spotlight” dường như không tập trung tại “quán quân” hay “á quân” mà hướng về nhóm cổ phiếu lâu nay vốn được xem như “mỏ vàng” của sàn UPCoM như VGI của Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel, MCH của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) hay MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty CP (VIMC).

Tính đến ngày 31/12/2024, cổ phiếu VGI đạt 91.700 đồng/cp, xác lập đà tăng lên tới 255,66% chỉ sau một năm. Theo đó, giá trị vốn hoá thị trường của Viettel Global ghi nhận ở mức 279.117 tỷ đồng, cao thứ hai toàn thị trường, chỉ xếp sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB).

Trong khi đó, với mức giá 255.000 đồng/cp, cổ phiếu MCH đang là mã “đắt” nhất trong số 30 cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán. Vốn hoá tương ứng của Masan Consumer kết năm 2024 đạt 184.782 tỷ đồng. Theo đó, Masan Consumer đã vượt mặt Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) để trở thành trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán.

Đà tăng cổ phiếu MCH diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục chia cổ tức ở mức hấp dẫn và chuẩn bị cho việc “chuyển nhà” từ UPCoM sang HoSE vào năm 2025.

Về phía MVN, với mức tăng 198,17%, cổ phiếu này hiện đạt 55.100 đồng/cp, tương đương mức vốn hoá đạt 66.154 tỷ đồng. Diễn biến tích cực này thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh khả quan, triển vọng tươi sáng của ngành vận tải biển và các thoả thuận hợp tác tiềm năng của VIMC với những đối tác quan trọng.

'Săn' cổ phiếu tiềm năng 2025: Ngành nào dẫn sóng?

'Săn' cổ phiếu tiềm năng 2025: Ngành nào dẫn sóng?

Tài chính
(VNF) - Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), năm 2025 sẽ là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép, logistic.
Cùng chuyên mục
Tin khác