(VNF) - Do thủy sản là ngành có chu kỳ khá ngắn nên cổ phiếu ngành này thường có rủi ro khá cao và mức độ biến động lớn, do đó nhà đầu tư cần lưu ý để có chiến lược đầu tư phù hợp và xoay xở kịp thời.
Ngành thủy sản cũng như các ngành hàng nông sản khác tại Việt Nam vẫn diễn ra tình trạng giá cao thì đổ xô đi nuôi còn giá giảm thì treo ao, treo chuồng hoặc chuyển đổi. Hiện tình trạng này cũng đã được các doanh nghiệp lớn tính toán và hạn chế phần nào, tuy nhiên tính chu kỳ với ngành vẫn không bị lu mờ.
“Ngành thủy sản cũng như nhiều loại ngành hàng nông sản khác đều có tính chu kỳ và thủy sản là ngành có chu kỳ ngắn. Đặc trưng bởi sự biến động khá lớn của giá thủy sản nguyên liệu, giá thủy sản xuất khẩu và lượng hàng tồn kho”, ông Trần Tuấn Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính TVI, chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính.
Điển hình như mặt hàng cá tra, theo số liệu từ AgroMonitor, giá cá tra nguyên liệu năm 2022 biến động liên tục, đầu năm tăng 50% lên gần 33.000 đồng/kg rồi lại giảm về mức 28.000 đồng/kg vào cuối năm. Hoặc trong năm 2018, giá cá tra đạt đỉnh gần 35.000 đồng/kg rồi lại giảm sâu về 20.000 đồng/kg vào giữa năm 2019.
Theo ông Minh, yếu tố tác động lớn nhất đến chu kỳ ngành thủy sản Việt Nam vẫn là nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu và lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp. Yếu tố này tác động phần lớn đến giá thủy sản xuất khẩu, từ đó tác động rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp và người nuôi, tạo ra chu kỳ ngành.
Tương tự như ngành thủy sản, cổ phiếu thủy sản cũng có chu kỳ ngắn, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành này biến động khá lớn, đồng pha với lợi nhuận doanh nghiệp.
Chẳng hạn như nửa đầu năm 2022, với ngành cá tra, nhờ sự phục hồi lớn về nhu cầu từ các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc, trong khi tồn kho ngành ở mức thấp đã giúp giá và lượng cá tra xuất khẩu tăng mạnh. Lợi nhuận các doanh nghiệp cá tra bùng nổ trong quý II/2022, điển hình là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước đó, còn Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 10 lần. Điều này giúp giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra tăng rất mạnh với thanh khoản lớn.
Một trong những chỉ báo sớm quan trọng để xác định vùng đáy chu kỳ ngành thủy sản, theo đại diện TVI, là tồn kho ngành ở mức thấp, báo hiệu nguồn cung đang suy giảm và do đó, ngành dần tiến vào pha tăng trưởng trở lại.
Một chỉ báo quan trọng khác cần lưu tâm là nhu cầu mua thủy sản ở các thị trường lớn. Khi phân tích yếu tố này, nhà đầu tư cần lưu ý rằng ngành thủy sản thường đối mặt với nhiều sự kiện bất ngờ có thể thay đổi xu thế ngành ngay lập tức như thuế chống bán phá giá, chính sách nhập khẩu thủy sản…, do đó cần theo dõi kỹ để có hành động kịp thời. Ví dụ như chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản đông lạnh để phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc đã khiến ngành cá tra rất chật vật trong năm 2020 – 2021.
Ngoài ra, do thủy sản là ngành có chu kỳ khá ngắn nên cổ phiếu ngành này thường có rủi ro khá cao và mức độ biến động lớn, do đó nhà đầu tư cần lưu ý để có chiến lược đầu tư phù hợp và xoay xở kịp thời.
“Ngành thủy sản hiện nay, theo TVI, vẫn đang ở vùng đáy của ngành sau giai đoạn suy giảm nhu cầu ở các thị trường lớn. Các doanh nghiệp thủy sản có nhiều cơ hội trong giai đoạn cuối năm khi tâm lý người tiêu dùng dần phục hồi. TVI vẫn ưu tiên ngành cá tra bởi Việt Nam chiếm hầu hết nguồn cung xuất khẩu trên thế giới với mặt hàng này. Hiện tại, theo số liệu từ AgroMonitor, tồn kho cá tra đang ở mức thấp, tạo nhiều cơ hội cho giai đoạn cuối năm khi các thị trường lớn tăng nhập khẩu phục vụ lễ hội”, ông Trần Tuấn Minh, Trưởng phòng Phân tích TVI, nêu quan điểm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone